Nắm bắt thời cơ
Theo số liệu tháng 3/2023 của Statista, doanh thu thị trường đồ uống của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt mức 27.121 tỉ USD, trong đó, phân khúc Đồ uống không cồn và Đồ uống nóng đóng góp tỷ trọng cao nhất (lần lượt là 37.7% và 36.7%), đồng thời là hai phân khúc có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Cà phê là thức uống được hầu hết người Việt Nam ưa chuộng. Không chỉ bởi nước ta có thế mạnh là nơi trồng và xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới, mà tụ tập trò chuyện để thưởng thức cà phê như một nét văn hóa từ lâu. Báo cáo về thị trường F&B của iPOS.vn thống kê nửa đầu năm 2023 cho biết, trong tổng số 200 người khảo sát thì số lượng người có tần suất đi cà phê từ 1 - 2 lần mỗi tuần chiếm tỉ trọng cao nhất với 45%.
Cùng với nhịp sống xã hội đang trên đà phát triển, ngày càng nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ lựa chọn ra quán cà phê ngoài mục đích tán gẫu, trò chuyện thì còn bởi phục vụ các nhu cầu cá nhân như: học tập, làm việc, giải trí,...Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều quán cà phê ra đời vừa tạo ra được không gian thoải mái, phù hợp để khách hàng giao lưu, trao đổi với nhau, vừa đem lại trải nghiệm các loại đồ uống chất lượng mà giá thành khá hợp lý.
Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) nhận định, Việt Nam có khoảng hơn 500.000 quán cà phê (bao gồm cả chuỗi quán, quán cà phê lẻ, quán cà phê vỉa hè…) tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…tính đến tháng 3/2023. Chính độ phổ biến rộng rãi, lượng tiêu thụ cà phê lớn cùng với việc dễ tiếp cận, khả năng thành công cao nên có không ít các bạn trẻ sẽ nghĩ ngay đến khởi nghiệp cà phê đầu tiên.
Cập nhật xu thế
Bên cạnh các quán cà phê truyền thống, sự đa dạng và phát triển của những mô hình mới, đáp ứng tiêu chí nhanh - gọn - lẹ đang được mở rộng. Nhằm bắt kịp nhịp sống nhanh, guồng quay hối hả của xã hội, các quầy bán cà phê take-away ra đời với thiết kế nhỏ gọn, dễ di chuyển. Cafe take-away là loại hình bán mang đi, khách hàng chỉ đến mua đồ uống và ít khi ngồi lại quán. Đây là hình thức kinh doanh “dễ mở, dễ có lời" và có xu hướng tăng dạo gần đây.
Bắt nguồn từ những đoạn video được đăng tải về quá trình khởi nghiệp với mô hình cafe take-away trên nền tảng mạng xã hội TikTok, ngày càng nhiều người biết đến, theo dõi và thậm chí lấy làm kinh nghiệm để tự mở một quầy riêng cho bản thân. Đi dọc các con phố, mọi người không hiếm để bắt gặp các quầy bán cafe nhỏ gọn, vô cùng tiện lợi cho khách hàng mua đồ uống mang về.
Nằm trên vỉa hè đối diện trường Đại học Lao động - Xã hội Hà Nội, quầy bán cafe take-away của anh Lại Thế Vượng (sinh năm 1997) tuy chỉ mới mở gần 1 tháng nhưng cũng đã có được một lượng khách quen nhất định, chủ yếu là sinh viên và nhân viên văn phòng.
Xuất phát điểm bán trà đá vỉa hè và nhận thấy mô hình kinh doanh đó có phần “lỗi thời”, anh Lại Thế Vượng chuyển sang hình thức buôn bán cafe take-away. Anh Vượng cho biết: “Đa phần khách hàng quay lại vì thấy hợp khẩu vị. Nếu khách tự pha ở nhà thì ủ cà phê qua đêm sẽ không ngon bằng việc mình pha trực tiếp ở đây.” Mở quầy bán take-away vừa tiện lợi cho chính chủ quán vừa để nhìn rõ các nguyên liệu, cách chế biến, tạo sự tin tưởng và an tâm cho khách hàng.
Đổi mới và sáng tạo
Với độ phủ sóng của các quán cà phê tại Việt Nam không hề nhỏ làm gia tăng tính cạnh tranh trong ngành, để những “ứng cử viên mới” không bị “mờ nhạt” trước thị trường rộng lớn, cần sự linh hoạt và sẵn sàng thích ứng đặt lên hàng đầu.
Chị Nguyễn Bảo Linh (sinh năm 1997) - chủ quán cà phê “Một Hà Nội” trên phố Mai Anh Tuấn mới mở trong khoảng 1 năm, nhưng việc đầu tư quá nhiều vào cơ sở vật chất mà số lượng khách không đông như mong muốn. Nhận thấy tệp khách hàng thường ưu tiên hướng đến sự tiện lợi, chị đã thử kết hợp mở quầy bán take-away trước quán trong 3 tháng gần đây.
Chị Linh cũng chia sẻ: “Khi bán quầy take-away như này thì giá đồ uống thấp hơn giá bán trong quán, đồng nghĩa với việc số tiền thu về sẽ huề vốn. Mặc dù doanh thu về không nhiều, nhưng dần dần sẽ tạo cho khách hàng 1 thói quen là lúc nào cũng sẽ có quầy sẵn sàng phục vụ mọi người mỗi sáng. Và khi quen rồi thì họ sẽ quay lại và đến quán mình nhiều hơn.”
Thách thức và khó khăn
Khi cái mới xuất hiện, nếu cái cũ không thay đổi thì khả năng cao sẽ bị “đào thải”, tạo ra một cuộc cạnh tranh liên tục như một vòng tuần hoàn. Chiến lược cạnh tranh cà phê cũng vậy, cần thay đổi để phù hợp và giữ chân khách hàng. Từ việc mở quán cà phê đơn giản ở vỉa hè với vài chiếc ghế là có khách, cho đến đầu tư vào chất lượng, không gian, thương hiệu hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Không nằm ở vị trí đắc địa nhưng nhờ vào chiến lược marketing hợp lý khi lấy ý tưởng từ những bức thư tay đã giúp Tiệm cà phê Thư Báo của anh Lê Văn Bình (sinh năm 1993) có được những thành công nhất định. Nói về những khó khăn khi khởi nghiệp trong lĩnh vực này, anh Bình chia sẻ: “Riêng có phần nhân viên là vấn đề khó giải quyết hơn và cần thời gian lâu hơn. Đầu tiên là tuyển dụng những bạn có phong cách hợp với không gian quán, tiếp theo là truyền tải thông điệp và tinh thần của Thư Báo đến các bạn. Nhân sự là một câu chuyện cần sát sao, kiên trì và liên tục.”
Sau hơn 8 tháng đi vào hoạt động, đồng thời liên tục cập nhật phản hồi của khách hàng thì Thư Báo cũng đã có rất nhiều thay đổi. Từ nâng cấp không gian quán đến cải thiện chất lượng phục vụ, chất lượng đồ uống, chuyển sang sử dụng cà phê đặc sản mang đến hương vị thơm ngon hơn. Quán còn đặc biệt trang trí hoa tươi để khách hàng có những trải nghiệm tốt nhất.
Câu chuyện khởi nghiệp cafe không còn quá xa lạ với các bạn trẻ hiện nay nhưng để hiểu rõ, phát hiện được tiềm năng và khai thác đúng thì vẫn là một thách thức lớn. Để khởi nghiệp trong lĩnh vực này, các bạn trẻ cần có sự chuẩn bị kỹ càng về kiến thức, luôn cập nhật và nhạy bén với xu thế của thị trường để đạt được thành quả như mong muốn.
Phản hồi