Danh mục Thứ Hai, 25/11/2024

Tiêu điểm \

Đưa văn học vào giải trí: “Cẩn trọng sáng tạo để phù hợp với công chúng”

15:00 11-11-2023
Văn học được xem là nguyên liệu quý cho các nhà sản xuất, nhà sáng tạo nội dung tìm kiếm nguồn cảm hứng vô tận. Những người thực hiện khai thác câu chuyện mượn cảm hứng từ văn học kinh điển một mặt tôn trọng nguyên tác, mặt khác không ngừng sáng tạo để mang lại sự hấp dẫn mới tới khán giả.

Tính ứng dụng liên ngành của văn học 

Giữa văn học, điện ảnh và các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa luôn có mối quan hệ gần gũi. Sự đa dạng trong việc chuyển thể tác phẩm văn học được gọi là tính ứng dụng liên ngành đang phát triển mạnh mẽ. Bộ phim "Mắt biếc" (2019) dựa trên tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh và "Người vợ cuối cùng" (2023) chuyển thể từ tiểu thuyết "Hồ oán hận" của Hồng Thái là những ví dụ xuất sắc.

Cảnh trong phim “Người vợ cuối cùng" lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Hồ oán hận” của tác giả Hồng Thái. (Ảnh: Phim Người vợ cuối cùng)

Không chỉ trong lĩnh vực điện ảnh, mà ngay cả âm nhạc hiện đại, ca khúc "Thị Mầu" của Hòa Minzy là một minh chứng độc đáo cho sự đa dạng, tương tác giữa nghệ thuật và văn học. Bài hát ra mắt vào ngày 5 tháng 3, không chỉ nổi bật với chất giọng và giai điệu mà còn lấy cảm hứng từ tác phẩm "Quan Âm Thị Kính" của Đỗ Trọng Dư. “Thị Mầu" thu hút hơn 50 triệu lượt trên Youtube, chứng minh sức hút của "hình ảnh hóa" văn học trong âm nhạc hiện đại.

Văn học trong các sản phẩm giải trí thường được truyền tải một cách dễ hiểu, gần gũi với số đông hơn. Bạn Bảo Châu (20 tuổi, Hà Nội) đồng tình: “Văn học khi được chuyển thể không dùng quá nhiều hình ảnh biểu tượng, không nén quá nhiều giá trị nghệ thuật vào ngôn ngữ. Những giá trị đậm đặc tính nghệ thuật và ước lệ sẽ được tiết chế để dễ dàng tiếp cận với công chúng mục tiêu”. Điều này mở ra nhiều “đất diễn” cho các ý tưởng sáng tạo khi các thương hiệu lấy cảm hứng từ chất liệu văn học để phát triển chiến dịch truyền thông. 

Việc khai thác những tác phẩm văn học sang những loại hình nghe nhìn khác một cách chuẩn mực được công chúng đón nhận rộng rãi. Sản phẩm âm nhạc “Để Mị nói cho mà nghe” lấy cảm hứng từ truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài) đạt 176 triệu lượt xem trên nền tảng Youtube, góp phần quảng bá về tập quán và mô tả chân thực cuộc sống con người Tây Bắc. 

Trò chơi đánh đu của người Tây Bắc được đưa vào sản phẩm âm nhạc “Để Mị nói cho mà nghe” - Hoàng Thùy Linh. (Ảnh: MV Để Mị nói cho mà nghe)

Nhận định về việc khai thác văn học hiện nay, TS. Anh Tuấn (Khoa Việt Nam học, trường Đại học Thủ đô Hà Nội) chia sẻ: “Những sản phẩm khai thác chất liệu từ văn học ngày càng được công chúng ưa chuộng, vì những sản phẩm đó được truyền tải một cách mềm mại, phù hợp với thị hiếu tiếp nhận của công chúng ngày nay. Khi thưởng thức những sản phẩm này, công chúng vừa nhận ra những điều quen thuộc trong tác phẩm văn học, vừa tìm thấy câu chuyện trong thời đại của họ”. 

“Biên độ sáng tạo” phải phù hợp với đại chúng

Những nhà làm phim và đạo diễn hình ảnh phải đối mặt với thách thức lớn khi phải vừa mang đến làn gió mới từ cảm hứng văn học nhưng vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi của tác phẩm gốc. Sự kết hợp giữa văn học và các lĩnh vực khác đã tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng, đáp ứng mong đợi của khán giả. 

Trong tái hiện tác phẩm, tư duy đổi mới là quyết định quan trọng để thành công. Người sáng tạo cần đọc và nghiên cứu kỹ để hiểu tinh thần tác phẩm, tạo nên nhiều lớp nhận thức khác nhau. Điều này giúp công chúng hòa mình vào sản phẩm, nhìn nhận qua góc tiếp cận đặc biệt của người thực hiện, tạo ra trải nghiệm độc đáo và phong cách riêng.

Anh Nhu Đặng, đạo diễn hình ảnh MV “Thị Mầu” của ca sĩ Hoà Minzy bày tỏ ý kiến: “Khai thác tác phẩm văn học ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần cẩn trọng trong sáng tạo để phù hợp với công chúng. Để thu hút đông đảo khán giả và phản ánh chân thực thời đại, sản phẩm cần có sự sáng tạo linh hoạt và phù hợp với góc tiếp nhận của nhiều người, đặc biệt là đối với các tác phẩm văn học liên quan đến lịch sử Việt Nam”.

Anh Nhu Đặng - Đạo diễn hình ảnh của loạt MV nổi tiếng của Hoàng Thuỳ Linh, Hoà Minzy. (Ảnh: NVCC)

Tái hiện tác phẩm văn học không đơn giản "đưa sách lên màn ảnh" mà còn là một cuộc phiêu lưu sáng tạo, nơi người làm nội dung đào sâu vào cảm xúc và tri thức của tác phẩm. Từ những cơ sở vững chắc này, sản phẩm giải trí không chỉ trở nên xuất sắc mà còn làm phong phú thêm bức tranh nghệ thuật và văn hóa đương đại. Không đơn thuần là một hành động nghệ thuật, đây còn là một cơ hội để mở ra cánh cửa cho sự đổi mới trong văn hoá giải trí hiện nay.

Nguyễn Ngọc Khánh Linh - Báo In K41 

Phản hồi