Danh mục Thứ Sáu, 29/03/2024

Tiêu điểm \

Giáo dục tiến bộ

Giáo dục tiến bộ - phương pháp Montessori tại Việt Nam

10:19 17-03-2023
Montessori xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 2003, sau 10 năm phương pháp này đã và đang được đón nhận tích cực, ngày càng trở nên phổ biến hơn. Hiện nay có nhiều trường mầm non tại Việt Nam áp dụng phương pháp Montessori làm chương trình giảng dạy chính thức.

Phương pháp Montessori với hơn 100 năm lịch sử
Bà Maria Tecla Artemisia Montessori (1870-1952) là bác sĩ, nhà giáo dục người Ý nổi tiếng với phương pháp sư phạm độc đáo đặt trẻ làm trung tâm, khuyến khích giáo dục - tự lập và hỗ trợ thiên hướng phát triển tự nhiên. Năm 1907, bà mở lớp học đầu tiên của mình mang tên Casa dei Bambini, hay còn gọi là Children’s House (Ngôi nhà trẻ thơ) tại một khu căn hộ nằm ở thủ đô Roma.
Ngay từ ban đầu, bà Montessori đã bắt đầu thực hiện phương pháp giáo dục của mình thông qua quan sát những gì trẻ trải nghiệm với môi trường xung quanh, với các học cụ và bài học được thiết kế dành riêng cho trẻ. Bà thường gọi công việc mà mình đang làm là “giáo dục mang tính khoa học”. 
Phương pháp Montessori sau đó được phát triển và mở rộng ra toàn nước Mỹ năm 1911 và đến năm 1960 đã có hàng nghìn trường học áp dụng phương pháp Montessori ở quốc gia này.

Trường Edward Harden Mansion ở Sleepy Hollow, New York - trường học Montessori đầu tiên ở Mỹ năm 1911.

Tiến sĩ Montessori tiếp tục công tác giảng dạy của mình trong suốt quãng đời còn lại của mình, nghiên cứu và phát triển toàn diện quá trình hình thành, phát triển tâm lý của trẻ từ giai đoạn sơ sinh đến 24 tuổi. Ngoài ra, bà cũng đã xây dựng các phương pháp tiếp cận giáo dục đối với những trẻ từ 0-3 tuổi, từ 3-6 tuổi, và từ 6-12 tuổi. Chương trình dành cho trẻ từ 12-18 tuổi cũng được bà nghiên cứu và lên chương trình, tuy nhiên nó không được phát triển vào thời đó. 

Sự nổi bật của phương pháp giáo dục Montessori
Phương pháp Montessori tập trung vào phát triển nhận thức cho trẻ nhỏ, trong khi phương pháp giáo dục truyền thống tập trung vào sự phát triển xã hội.
“Sự độc lập được phát triển trong lớp học bằng những thiết kế khoa học để khuyến khích sự phát triển tối đa của trẻ. Coi trọng việc tự học, chơi các trò chơi có ý nghĩa hướng trẻ đến hoạt động thực tế, trẻ được trải nghiệm thực tế tự rút kinh nghiệm cho bản thân.” - cô Khánh Lan - giáo viên trường mầm non Hoa Hồng (Hải Phòng) chia sẻ.
Các bé trong lớp học Montessori có nhiều các nhóm độ tuổi khác nhau từ 2 tuổi đến 6 tuổi và luôn đảm bảo từng thành viên trong lớp học được hướng dẫn cụ thể; lớp mầm non truyền thống gồm các bé có độ tuổi giống nhau, tập trung giảng dạy cho từng nhóm các bé. Đối với phương pháp Montessori, giáo viên là người hướng dẫn các bé vì vậy trẻ em được học tập và làm việc theo khả năng của mình, được khuyến khích để dạy, cộng tác và giúp đỡ lẫn nhau.

Các bạn được giáo viên hướng dẫn và tự giác giúp đỡ nhau trong học tập. 

Đặc điểm nổi trội ở phương pháp Montessori là nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lập, tự do trong việc hình thành nhân cách trẻ, phương pháp này rất tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ. Montessori không khuyến khích một số thước đo thành tích thông thường, chẳng hạn như điểm số và bài kiểm tra.
Anitra Jackson - nhà giáo dục Montessori và là tác giả của cuốn sách Chronicles of a Montessori cho biết: “Điều tốt nhất về môi trường Montessori là nó cho phép trẻ em làm việc, phát triển và học hỏi theo tốc độ cá nhân của riêng chúng”.

Phương pháp giáo dục Montessori ngày càng lan rộng ở Việt Nam
Trong những năm đầu đời, sự hình thành năng lực cơ bản của trẻ là vô cùng quan trọng, không chỉ dừng lại ở việc học mà còn cần phát triển khả năng nhận thức, tập trung, kiên trì, đạo đức, tình cảm với mọi người xung quanh.
Giai đoạn từ 0-6 tuổi trẻ tiếp thu thế giới xung quanh giống như miếng bọt biển thấm hút nước. Do đó, mục tiêu giáo dục trong thời kỳ này là trau dồi, tu dưỡng khát khao học hỏi và tiếp thu một cách tự nhiên của trẻ. 
Ngày càng nhiều trường mầm non tư nhân áp dụng mô hình Montessori để đưa vào giảng dạy như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh,... Các lớp học, các khóa huấn luyện liên quan đến phương pháp này cũng được tổ chức định kỳ thường xuyên và rộng rãi.
Chị Nguyễn Thu Hà (Hải Phòng) cho biết: “Nhà mình có 2 bé đều đang theo học phương pháp giáo dục Montessori. Mình đã từng phân vân và tìm hiểu rất kỹ trước khi cho bé theo học nhưng sau một thời gian mình thấy cả 2 bé đều có tiến bộ vượt trội, các bé không chỉ học kiến thức trên lớp mà kiến thức cuộc sống các bạn ấy cũng nắm được cơ bản.”
Ghi nhận tại trường mầm non Casa Sóc Sơn (Hà Nội), cô và trò có những tiết học hiệu quả tạo hiệu ứng tích cực.

 Các tiết học phát triển bản thân được đan xen với các môn học khác.
Những buổi trải nghiệm thực tế có trong chương trình học của trường mầm non Casa Sóc Sơn. 

Bà Nguyễn Thị Lan Huệ - hiệu trưởng trường mầm non Casa Sóc Sơn chia sẻ: “Phương pháp giáo dục Montessori là một trong những phương pháp giảng dạy tiến bộ đi đầu trong lối tư duy và ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Nhà trường hay ba mẹ chỉ đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích trẻ chủ động với môi trường xung quanh và tự học theo năng lực và sở thích của riêng mình. Giáo dục là để thổi hồn nhân cách cho trẻ và trẻ sẽ là trung tâm của các hoạt động học tập.”

Phương Ninh

Phản hồi