Danh mục Thứ Ba, 22/10/2024

Tiêu điểm \

“Đột phá” trong kịch bản phim Việt: Nên hay không?

12:19 16-11-2023
Lấy chất liệu từ cuộc sống đời thường, phim truyền hình Việt Nam đã có một vị thế nhất định trong lòng khán giả những năm gần đây. Thế nhưng, việc luôn đi theo một mô típ quen thuộc liệu có khiến khán giả “mặn mà” với phim Việt?

Phim truyền hình Việt Nam - “đặc sản” trong những bữa cơm

Là một người thường xuyên theo dõi các bộ phim truyền hình Việt Nam trong bữa cơm tối với gia đình, chị Đỗ Thị Huệ (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi vô cùng háo hức mỗi khi VTV công chiếu các bộ phim mới. Việc vừa ăn cơm vừa trò chuyện, trao đổi về các bộ phim truyền hình Việt Nam trở thành thói quen khó bỏ đối với nhà tôi. Thậm chí, các con tôi sẽ không chịu ăn cơm nếu thiếu phim truyền hình...”

Theo chị, các phim truyền hình dạo gần đây rất đa dạng về nội dung, đặc biệt đối với các gia đình có nhiều thế hệ thì việc Đài Truyền Hình chiếu linh hoạt các bộ phim với nội dung khác nhau hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của mọi thành viên trong gia đình. “Như việc vợ chồng tôi đặc biệt yêu thích phim “Biệt dược đen” còn con gái tôi lại thích xem phim “Chúng ta của 8 năm sau” ở khung giờ trước đó. Tất cả các thành viên đều tìm được thể loại phim Việt mình yêu thích.” - Chị Huệ chia sẻ thêm.

Bộ phim truyền hình “Biệt dược đen” phát sóng trên kênh VTV3 thu hút rất nhiều sự quan tâm tới từ khán giả ở mọi lứa tuổi. (Ảnh chụp màn hình)

Khán giả mong chờ điều gì ở phim truyền hình Việt Nam?

Ngọc Ánh (Đống Đa, Hà Nội), một người trẻ thường xuyên theo dõi các bộ phim truyền hình Việt, chia sẻ: “Trước đây, mình hay xem phim truyền hình nước ngoài hơn. Nhưng gần đây, mình có theo dõi một vài bộ phim truyền hình Việt Nam với mẹ thì có thể thấy kịch bản Việt có tiến bộ về mặt nội dung. Kịch bản rất chân thực, phản ánh cuộc sống muôn màu với rất nhiều góc nhìn ở nhiều lứa tuổi nên không chỉ phù hợp với người lớn tuổi mà còn với các bạn trẻ như mình nữa.”

Bạn Ngọc Ánh thường dành thời gian rảnh để theo dõi bộ phim “Chúng ta của 8 năm sau”. (Ảnh: Phương Anh)

Hiện nay, phim truyền hình Việt Nam thường khai thác sâu vào những câu chuyện thực tế trong đời sống, như chuyện hôn nhân, mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình hay chuyện tình yêu đôi lứa trong thời đại kim tiền. Mặc dù vậy, đến cuối phim, các nhân vật đều nhận được cái kết có hậu để thỏa mãn cảm xúc của khán giả.

Trên cương vị là diễn viên đã từng tham gia một số bộ phim của VTV như "Những cô gái trong thành phố"..., diễn viên Nguyễn Viết Thái chia sẻ: “Mặc dù phim Việt hầu như đều khai thác về hơi thở cuộc sống, tuy nhiên mỗi bộ phim lại là các khía cạnh khác nhau. Ví dụ, cùng là những bộ phim về tình cảm gia đình, nhưng có bộ phim là về gia đình ở nông thôn, lại có bộ phim triển khai nội dung về gia đình ở thành phố…”

Hình ảnh diễn viên Nguyễn Viết Thái trong một cảnh phim "Những cô gái trong thành phố". (Ảnh chụp màn hình)

“Tôi cho rằng việc sử dụng chất liệu cuộc sống làm tư liệu để làm nên một bộ phim với tình tiết nhẹ nhàng, kết thúc có hậu có thể coi là điểm đặc biệt của phim truyền hình Việt Nam.” - diễn viên Nguyễn Viết Thái bày tỏ.

Tuy nhiên, với Ánh - một khán giả xem phim “khó tính” - việc các nhân vật đến cuối phim đều có những hạnh phúc riêng, mặc dù mang nhiều giá trị nhân văn nhưng lại thiếu đi sự thú vị và giàu cảm xúc như các bộ phim truyền hình có kết thúc buồn từ các nước khác. Cô cho rằng phim bộ Việt Nam thường quá tập trung vào khai thác các nội dung như tình cảm gia đình khiến khán giả thấy nhàm chán, phim Việt cần khai thác các nội dung mới mẻ và thú vị hơn trong tương lai.

“Bắt kịp với nhịp sống cũng như tư tưởng hiện đại, phim Việt cần phải chú ý khai thác nhiều nội dung đa dạng hơn về đề tài phim, đối tượng ở nhiều góc độ và chiều sâu.” - Ngọc Ánh nói thêm.

Phải mất không ít thời gian, phim Việt mới tạo nên được sự đa dạng về đề tài dễ tiếp cận thị hiếu của mọi lứa tuổi khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ tuổi bởi sự du nhập văn hóa phim truyện quốc tế cũng như sự cạnh tranh khắc nghiệt với thị trường phim ảnh quốc tế sẽ khiến phim Việt trở nên mờ nhạt.

Có lẽ, đã đến lúc kịch bản phim Việt cần bước ra khỏi vùng an toàn, đa dạng không chỉ về đề tài mà còn cả "mô típ" để tiếp tục tạo nên sự mới mẻ, luôn là “món ăn tinh thần” đối với khán giả.

Nguyễn Phương Anh - Báo In K41

Phản hồi