“Làn sóng” VTuber tại Việt Nam hiện nay
Youtuber ảo (hay VTuber) là khái niệm dùng để chỉ những người thực hiện sáng tạo nội dung trên nền tảng Youtube sử dụng ảnh đại diện ảo (avatar). Nhật Bản được xem là cái nôi của ngành công nghiệp VTuber. Trong đó, Kizuna AI là gương mặt tiên phong đưa khái niệm "YouTuber ảo" đến gần hơn với công chúng vào năm 2016.
Kể từ năm 2020, xu hướng VTuber ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo trang Global Growths Insights, thị trường VTuber dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trên 20% trong những năm tới. Tại Việt Nam, VTuber vẫn là một ngành công nghiệp giải trí tương đối mới mẻ. Cho tới hiện tại, ngành nghề này mới chỉ được du nhập vào Việt Nam được 4 năm. Tuy vậy, VTuber đã nhanh chóng trở thành một trào lưu được giới trẻ quan tâm, đặc biệt với những người yêu thích văn hóa Nhật Bản.
Là một người tích cực ủng hộ nghề nghiệp mới này, bạn Tô Thị Minh Phương (20 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Từ nhỏ mình đã say mê nền văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là những bộ phim hoạt hình. Vậy nên khi hiện tượng VTuber nổi lên và được nhiều người yêu thích, mình cũng đã tìm hiểu và nhanh chóng bị thu hút cho tới tận bây giờ”. Minh Phương cũng cho biết, nếu như có cơ hội, cô cũng muốn được trở thành VTuber để thỏa mãn niềm yêu thích của mình.
Dù mới ra đời chưa lâu, cộng đồng VTuber tại Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể. Nhờ sự đầu tư kỹ lưỡng vào nội dung sáng tạo, kênh YouTube của các VTuber Việt ngày càng thu hút đông đảo người xem. Dino Sakura hiện đang là gương mặt VTuber Việt Nam nổi bật nhất với hơn 575.000 lượt đăng ký. Các buổi livestream của cô luôn nhận được sự ủng hộ và tương tác nhiệt tình từ cộng đồng.
Không những vậy, sự phát triển của cộng đồng cũng góp phần làm gia tăng số lượng các dự án hỗ trợ VTuber tại Việt Nam. Ra đời từ năm 2020, NijiGEN là dự án đào tạo và quản lý VTuber chuyên nghiệp thành công nhất tính đến thời điểm hiện tại. Tại các sự kiện, gian hàng của NijiGEN luôn thu hút một lượng lớn người hâm mộ đến tham quan và giao lưu. Ngoài ra, LuAmi Academy, Framers Vtuber Project hay Vietuber Production,... cũng là những dự án nhận được nhiều sự mến mộ tới từ cộng đồng VTuber Việt Nam.
Một trong những yếu tố quan trọng khiến VTuber thu hút giới trẻ Việt Nam là tính tương tác cao. Việc có thể trò chuyện trực tiếp, tham gia các hoạt động cùng thần tượng ảo tạo cảm giác gần gũi và thân thiết. Do vậy, các sự kiện liên quan tới VTuber đều được cộng đồng người hâm mộ hưởng ứng rất nhiệt tình.
Những khó khăn và thách thức
Tuy đã có những bước phát triển nhất định, ngành công nghiệp VTuber vẫn chưa thực sự phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Vì vậy, việc theo đuổi công việc này có khả năng gặp rất nhiều thách thức.
Nyan Nyan Miruku - một VTuber Việt Nam với hơn 2 năm kinh nghiệm cho biết, việc trở thành VTuber đòi hỏi một khoản đầu tư không hề nhỏ. “Ngoài những trang thiết bị cần thiết cho một Streamer, VTuber còn phải đầu tư một khoản lớn vào việc thiết kế nhân vật và các phụ kiện khác đi kèm", Miruku chia sẻ.
Theo tìm hiểu, chi phí trung bình để trở thành một VTuber chuyên nghiệp có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Từ chi phí thiết kế hình ảnh cho đến việc đầu tư vào quảng bá thương hiệu cá nhân đều tốn một khoản tiền không nhỏ. Vấn đề tài chính đã trở thành một trong những rào cản lớn khiến nhiều người chùn bước, thậm chí từ bỏ giấc mơ của mình.
Về căn bản, làm VTuber cũng là một hoạt động sáng tạo nội dung. Do vậy, những người làm nghề cần tìm ra hướng đi thích hợp để tạo ra dấu ấn và khẳng định tên tuổi của mình. Nếu không, họ sẽ khó có thể hoạt động lâu dài trong một cộng đồng mang đầy tính cạnh tranh như hiện nay.
Là một người thường xuyên theo dõi các VTuber, bạn Phạm Gia Nhi (20 tuổi, Hà Nội) nhận định: “Thị trường VTuber hiện nay đang bị bão hòa, tệ hơn là thoái trào, kể cả trên thế giới hay Việt Nam đều vậy. Do số lượng VTuber rất nhiều nên người xem sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Vì thế, mọi người phải thật sự nổi bật thì mới có thể hoạt động trong một thị trường đang quá đông đúc như bây giờ”. Đây sẽ là một thử thách đầy chông gai đối với những ai nghiêm túc muốn theo nghề.
Bên cạnh đó, vấn đề thu nhập cũng là một bài toán khó đối với nhiều người muốn theo đuổi nghề nghiệp này. Suwako Nao - một VTuber đã có 3 năm kinh nghiệm bộc bạch: “Việc kiếm được tiền từ công việc VTuber không phải cứ ngày một ngày hai là có”.
Được biết, thu nhập của các VTuber thường đến từ việc nhận tiền ủng hộ (donate) của người xem trong quá trình phát trực tiếp. Ngoài ra, họ cũng có thể kiếm thêm thu nhập thông qua việc mở bán các mặt hàng liên quan, hoặc hợp tác với các thương hiệu khác nhau. Tuy nhiên, để có thể tạo ra thu nhập ổn định, các VTuber cần đầu tư rất nhiều thời gian, công sức vào việc xây dựng hình ảnh, tương tác với cộng đồng và sản xuất nội dung chất lượng. Trên thực tế, cũng đã có không ít VTuber quyết tâm theo đuổi đam mê này mà hoàn toàn không đặt nặng vấn đề lợi nhuận.
Mặt khác, việc thường xuyên phải đối mặt với những bình luận tiêu cực sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần của các VTuber. Trên thế giới đã có không ít người phải bỏ nghề vì không thể chịu nổi sự công kích vô lý từ cộng đồng mạng. Chẳng hạn, VTuber nổi tiếng Pikamee đã phải dừng sự nghiệp sau khi bị nhóm người ghét tựa game Hogwarts Legacy tấn công.
Tại Việt Nam, những sự việc như vậy cũng không phải là hiếm. VTuber Nyan Nyan Miruku tâm sự, cô thường xuyên gặp phải những bình luận tiêu cực trong quá trình phát sóng trực tiếp của mình. “Có nhiều người bình luận rất ác ý, ban đầu gặp phải thì mình cũng hơi sốc. Nhưng lâu dần thì mình cũng “chai lì” hơn. Đến bây giờ mình đã học được cách bỏ qua những lời tiêu cực quá đáng rồi.” - Nyan Nyan Miruku chia sẻ.
Trước những khó khăn đó, đã có nhiều người đắn đo về lựa chọn nghề nghiệp của mình. Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, VTuber Suwako Nao đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ có định hướng theo nghề: “Mọi người đừng bó buộc mình vào bất kì tiêu chuẩn nào cả, hãy cứ làm những điều mà mình cảm thấy phù hợp với mục tiêu, sở thích của mình trước. Sau đó, mình dần dần nâng cấp chúng lên thành những gì phù hợp với cộng đồng và đem lại giá trị đối với những người xung quanh, trước hết là về mặt giải trí”.
Nhìn chung, dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng VTuber vẫn là một ngành nghề có cơ hội phát triển cao. Không chỉ dừng lại ở việc phát trực tiếp, các VTuber còn có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực khác như lồng tiếng, quảng cáo, thậm chí trở thành đại sứ truyền thông cho các lễ hội. Bên cạnh niềm đam mê, kiến thức nền tảng vững chắc và kỹ năng chuyên môn thành thạo chính là yếu tố then chốt dẫn tới thành công.
Phản hồi