“Lần theo dấu chữ” là công trình nghiên cứu đầu tiên và toàn diện về lịch sử ngành in ấn chữ Latinh tại Việt Nam trong giai đoạn 1862-1920. Nội dung của cuốn sách được chia thành bốn phần, trong đó phần một tập trung khắc hoạ những đặc trưng trong lịch sử in ấn ở Việt Nam thời kì đầu thuộc địa. Ba phần còn lại của cuốn sách lần lượt đề cập đến vấn đề in ấn ở Nam Kỳ, in ấn ở Bắc Kỳ và in ấn của Công giáo.
Trong lịch sử ngành in ấn Việt Nam, thời kỳ công nghệ in hiện đại của phương Tây được du nhập gắn liền với quá trình Pháp xâm lược nước ta. Đến năm 1948, công nghệ in được mở rộng ra Bắc Kỳ sau khi Pháp hoàn tất việc chiếm đóng Việt Nam. Cho tới những năm 1920, công nghệ in phương Tây đã hoàn toàn thay thế kĩ thuật in khắc gỗ truyền thống và trở thành phương pháp in ấn chính tại nước ta.
Chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn sách, tác giả Trịnh Hùng Cường cho biết: “Trong quá trình thực hiện, tôi phải tìm đọc và nghiên cứu những tài liệu từ thời xưa và phần lớn là tiếng Pháp. Trong khi đó, tiếng Pháp của tôi khá hạn chế. Vì vậy, tôi đã phải học hỏi rất nhiều”. Dù gặp phải nhiều trở ngại, tác giả vẫn kiên trì theo đuổi đam mê của mình, cuối cùng hoàn thành cuốn sách một cách xuất sắc.
Ngoài giới thiệu sách, Nhà xuất bản Nhã Nam cũng tổ chức trưng bày một số ấn phẩm của các nhà in đầu tiên tại Việt Nam. Các ấn phẩm nổi bật bao gồm: Tờ Gia Định báo, Tờ Nông Cổ Mín Đàm, Tam Quốc Diễn Nghĩa,... Việc trưng bày không chỉ giúp độc giả hiểu rõ hơn về lịch sử ngành in, mà còn góp phần tôn vinh những người đã xây dựng nên nền văn hóa đọc nói chung.
Sự kiện đã thu hút sự chú ý của những người đam mê, yêu thích sách, cũng như những ai quan tâm tới lĩnh vực báo chí, xuất bản tại Việt Nam. Sau 2 tiếng tổ chức, tọa đàm đã khép lại trong không khí sôi nổi và đầy ấn tượng.
Cuốn sách "Lần theo dấu chữ" hứa hẹn sẽ là một nguồn tài liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu, những người yêu sách và tất cả những ai quan tâm đến lịch sử văn hóa Việt Nam.
Phản hồi