Phim độc lập là dự án điện ảnh không thuộc các hãng phim lớn và người thực hiện phải tự lo liệu kinh phí sản xuất, tự quảng bá và phát hành. Nhiều đạo diễn trẻ đã lựa chọn hướng đi này để thỏa mãn đam mê và tự gây dựng thương hiệu cá nhân. Nhưng để tác phẩm của mình thành công chạm đến công chúng, họ phải đối mặt với vô vàn khó khăn.
Rào cản về tài chính
Phần lớn các nhà làm phim độc lập tại Việt Nam hiện nay là đạo diễn không chuyên. Giống như tên gọi của nó - “độc lập” khẳng định sự tự chủ nhưng cũng đồng nghĩa với việc các nhà làm phim phải tự huy động nguồn vốn. Trong bối cảnh ngành điện ảnh Việt Nam còn nhiều khó khăn, việc tìm kiếm các nhà tài trợ cho phim độc lập là điều không dễ dàng.
Trên thực tế, vẫn có một số dự án phim lớn, thu hút công chúng hoặc có sự tham gia của đạo diễn nổi tiếng như: bộ phim “Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp hay “Bi ơi, đừng sợ!” của nhà sản xuất phim nghệ thuật độc lập nổi tiếng Phan Đăng Di được hậu thuẫn bởi quỹ hỗ trợ quốc tế.
Tuy nhiên, với những nhà làm phim trẻ vừa bước chân vào lĩnh vực này, con đường phổ biến nhất vẫn là tự lực cánh sinh, tích góp kinh phí để thực hiện ước mơ làm phim của mình. Đồng thời, các nhà tài trợ không được phép can thiệp vào nội dung bởi các nhà làm phim trẻ luôn muốn tự do, sáng tạo khiến việc tìm kiếm nguồn vốn càng trở nên khó khăn.
Cũng bởi vấn đề kinh phí, việc phát hành phim độc lập đối mặt với không ít trở ngại. Không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, các bộ phim nghệ thuật đều gặp phải rào cản khi muốn ra rạp. Nhà đầu tư thường không mặn mà vì cho rằng phim độc lập có tệp khán giả hạn chế và khó thu hồi vốn.
Chính điều này tạo nên nghịch lý: Dù nhiều phim độc lập được đánh giá cao và giành giải thưởng quốc tế, nhưng chúng vẫn phải vật lộn tìm nhà phát hành trong nước đồng ý cho ra rạp. Vì vậy, để được khán giả biết đến, các nhà làm phim độc lập buộc phải tự thực hiện công tác tiếp thị và quảng bá. Vì thiếu kinh phí nên họ đành chia sẻ những tác phẩm của mình qua mạng, chiếu tại các phòng chiếu nhỏ hay gửi đi thi quốc tế với tỉ lệ chọi cao để có cơ hội lan tỏa rộng rãi.
Anh Nguyễn Phan Thái Vũ, người sáng lập CLB điện ảnh All About Movies, giám tuyển phim tại dự án phi lợi nhuận All About Shorts - chuyên giới thiệu các tác phẩm ngắn và phim độc lập, chia sẻ: “Các nhà làm phim độc lập trẻ ở Việt Nam rất chăm chỉ, nhưng khi đến giai đoạn trình chiếu lại là một vấn đề lớn. Việc tự bỏ tiền thuê rạp chiếu cũng là một khó khăn bởi ở Việt Nam hiện tại không có nhiều địa điểm để chiếu phim độc lập”.
Những bộ phim độc lập thường mang tính sáng tạo cao, khám phá những khía cạnh mới trong ngôn ngữ điện ảnh, đòi hỏi người xem phải có sự đồng cảm và hiểu biết nhất định để tiếp nhận. Vì vậy, thể loại phim này không phải là lựa chọn phù hợp cho thị hiếu của tất cả khán giả. Bởi, người xem thường ưa chuộng các bộ phim chiếu rạp hoặc phim truyền hình với nội dung dễ hiểu, nhanh, gọn và dễ đồng cảm.
Chất xúc tác cho sự sáng tạo
Nguồn kinh phí hạn chế buộc những nhà làm phim trẻ phải kích thích sự sáng tạo để bù đắp chi phí. Họ phải linh hoạt từ thiết bị, đạo cụ quay phim đến nội dung cốt truyện và ngôn ngữ nghệ thuật. Điều này đôi khi trở thành lợi thế, giúp các nhà làm phim vượt qua những khuôn mẫu cứng nhắc trong tư duy và tạo ra những tác phẩm độc đáo.
Chị Nguyễn Công Thục Anh, Trợ lý Sản xuất kiêm Thư ký đoàn phim của Trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC là đạo diễn của nhiều bộ phim độc lập chia sẻ: “Sự hạn chế về kinh phí cũng chính là chất xúc tác, thúc đẩy các nhà làm phim độc lập khám phá sâu hơn vào thế mạnh cá nhân, phát triển tiếng nói riêng trong từng tác phẩm.”
Để khẳng định vị trí trong ngành điện ảnh, các nhà làm phim cần tìm ra góc nhìn mới lạ, cách kể chuyện độc đáo, đồng thời xây dựng mối quan hệ và trau dồi kiến thức đa lĩnh vực. Khi đã sở hữu chất riêng và uy tín, họ dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế, thu hút đầu tư và nhận hỗ trợ từ các quỹ. Những yếu tố này không chỉ giúp nhà làm phim tăng tư duy sáng tạo, phát triển ngôn ngữ điện ảnh mà còn mở rộng cơ hội đưa tác phẩm của họ vươn xa.
Theo chị Thục Anh, đối với các đạo diễn trẻ, đam mê chính là động lực lớn nhất để vượt qua mọi rào cản. Khi đam mê đủ lớn, họ có thể đã nắm chắc 50% cơ hội thành công. Thay vì lo lắng về những khó khăn ban đầu, các nhà làm phim có thể cố gắng tận dụng tối đa những gì mình có, từ các thiết bị như điện thoại thông minh để quay phim, phần mềm chỉnh sửa miễn phí, cho đến các nguồn tài nguyên về âm nhạc, hiệu ứng hình ảnh...
Trong hai năm gần đây, nhiều nhà làm phim độc lập trẻ của Việt Nam đã ghi dấu ấn tại các liên hoan phim quốc tế uy tín. Điển hình như: “Culi không bao giờ khóc” của Đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã giành giải Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Berlin 2024; “Bên Trong Vỏ Kén Vàng” của Đạo diễn Phạm Thiên Ân đã chiến thắng hạng mục Caméra d'Or dành cho phim đầu tay xuất sắc tại LHP Cannes 2023; “Những đứa trẻ trong sương” của Đạo diễn Hà Lệ Diễm đã gây tiếng vang lớn tại LHP Tài liệu Quốc tế Amsterdam và cũng là tác phẩm Việt Nam đầu tiên vào đến Top 15 đề cử Phim tài liệu dài tại Oscar 2023…
Bạn Phạm Phúc Ninh Nguyên (20 tuổi, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội) tâm sự: “Là một người yêu điện ảnh, mình luôn ấn tượng với những bộ phim độc lập bởi chúng phản ánh rõ nét cá tính và góc nhìn của đạo diễn. Mình cũng mong muốn ủng hộ các nhà làm phim trẻ Việt Nam, hy vọng rằng phim độc lập Việt sẽ ngày càng phát triển, lan tỏa nhiều giá trị ý nghĩa hơn nữa.”
Dù đối mặt với nhiều thách thức về kinh phí, phát hành hay tiếp cận khán giả, các nhà làm phim trẻ Việt Nam vẫn giữ vững đam mê và tư duy đổi mới. Họ không ngừng học hỏi, tìm kiếm góc nhìn độc đáo, dám vượt qua khó khăn để theo đuổi ước mơ. Chính sự nỗ lực ấy đã góp phần tạo nên những tác phẩm ấn tượng, chất lượng, giúp điện ảnh Việt Nam dần khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Phản hồi