Danh mục Thứ Bảy, 14/12/2024

Chuyên đề \

Tính nữ độc đáo trong triển lãm “Dệt phối cảnh” nghệ thuật đương đại của Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà

23:21 07-12-2024
Chiều ngày 7/12, tại phòng trưng bày The Outpost (tầng 2 tháp B1, Roman Plaza Tố Hữu, Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra buổi khai mạc triển lãm "Dệt phối cảnh" của hai nữ nghệ sĩ Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà.

Lần đầu tiên, tác phẩm của Rosemarie Trockel - nghệ sĩ đương đại danh tiếng người Đức được trưng bày tại Việt Nam, cùng với sự góp mặt của nghệ sĩ Việt xuất sắc Lại Diệu Hà. Sự kiện được tổ chức từ ngày 07/12/2024 đến ngày 03/01/2025 nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Đức và Việt Nam. Triển lãm mang đến cho khán giả cơ hội thưởng thức các tác phẩm nguyên bản của hai nữ nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn, những người “dệt” nên những phối cảnh của nghệ thuật và xã hội tại hai quốc gia.

Du khách bị cuốn hút bởi những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân và sự độc đáo tại triển lãm, nơi mỗi tác phẩm kể một câu chuyện riêng biệt và để lại ấn tượng khó phai. (Ảnh: Trà My) 

Rosemarie Trockel là nữ nghệ sĩ ý niệm hàng đầu thế giới và là người đầu tiên đại diện cho Đức tại Venice Biennale. Bà nổi tiếng với các tác phẩm phê phán khuôn mẫu giới trong xã hội nói chung và nghệ thuật nói riêng. 

Bộ tác phẩm “Mọt - Vô đề 1992/1993” gồm những bức in lưới cho thấy các lỗ mà mọt tạo ra, thể hiện sự quan tâm của tác giả Rosemarie Trockel đối với những vật liệu, sinh vật khiêm tốn. (Ảnh: Trà My)  

Triển lãm trưng bày hơn 60 tác phẩm của Trockel, bao gồm tranh vẽ, tranh dệt, tác phẩm nhiếp ảnh, video và các sắp đặt, minh họa hành trình sáng tạo kéo dài hơn bốn thập kỷ của bà. Đây cũng là lần đầu tiên Rosemarie Trockel xuất hiện tại Đông Nam Á, là một phần của chuỗi triển lãm lưu động do Viện Quan hệ Ngoại giao Đức (ifa) tổ chức, từng ghé qua 42 thành phố lớn ở Mỹ, Nga, châu Âu, châu Mỹ Latinh và châu Á như Seoul và Thượng Hải.

Tác phẩm “Nhà phê bình nghệ thuật - Vô đề 1994” của Rosemarie Trockel gồm các tờ giấy A4 đơn giản ghi tên của những nghệ sĩ nổi tiếng bằng chữ in hoa kèm bên dưới là chân dung của họ. (Ảnh: Trà My) 

Ngoài ra, Lại Diệu Hà - một trong những nghệ sĩ trình diễn tiên phong của Việt Nam sẽ giới thiệu các tác phẩm mới nhất, bao gồm tranh và điêu khắc mềm, đại diện cho bốn giai đoạn trong sự nghiệp gần 20 năm của cô. Lại Diệu Hà nổi tiếng với những màn trình diễn sử dụng chính cơ thể của mình như một công cụ nghệ thuật, tạo nên những hình ảnh vừa dữ dội vừa nên thơ. Cô cũng là nghệ sĩ nữ Việt Nam đầu tiên bán các tác phẩm trình diễn dưới dạng video và nhận được nhiều sự công nhận quốc tế. 

Tác phẩm “Chi tiết tràn khoảng tối” của nghệ sĩ Lại Diệu Hà mô phỏng lại những cú zoom - in nhanh và tình cờ của máy quay trong video ghi lại tác phẩm trình diễn “Beauty” năm 2011. (Ảnh: Trà My) 

Tại buổi triển lãm, nghệ sĩ Lại Diệu Hà chia sẻ: “Tôi và cô Rosemarie Trockel mong muốn tạo ra những tác phẩm không chỉ chuyên nghiệp, sâu sắc mà còn mang tính nghệ thuật cao, kết nối văn hóa Việt Nam, Đức và nhiều quốc gia khác. Chúng tôi hy vọng thông qua đó sẽ thu hút thêm nhiều nghệ sĩ quốc tế đến với Việt Nam.”

Những sắc độ vàng cháy bao trùm toàn bộ bức tranh “Hiện diện ở đây/ở kia” của Lại Diệu Hà vừa hoán dụ cho “quá khứ vàng son”, vừa mô phỏng bóng bì (da lợn) được làm nóng. (Ảnh: Trà My)  

Nguyễn Thị Anh Thơ (26 tuổi, sống tại Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Là người yêu thích và có tìm hiểu về nghệ thuật, tôi rất háo hức khi biết thông tin về triển lãm. Khi đến xem, tôi cảm nhận được rõ nguồn cảm hứng mà hai nghệ sĩ đã gửi gắm vào tác phẩm của mình. Tôi đặc biệt ấn tượng với tác phẩm “Máy vẽ – Vô đề 1990” của Rosemarie Trockel khi cô sáng tạo từ những chất liệu quen thuộc, gần gũi như tóc của bạn bè. Ngoài ra tôi cũng thích thú với tính mẹ mà nghệ sĩ Lại Diệu Hà truyền tải thông qua các tác phẩm. Tôi nghĩ dù không biết rõ về các nghệ sĩ ấy, mọi người vẫn sẽ bị cuốn hút và tò mò muốn khám phá ý nghĩa ẩn chứa trong đó.”

Triển lãm của 2 nghệ sĩ Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà không chỉ là cơ hội tôn vinh hai tiếng nói nữ quyền xuất sắc, mà còn là dịp để khán giả chứng kiến sự giao thoa văn hóa và tương tác giữa Đức và Việt Nam trong các hoạt động hợp tác. Những tác phẩm được trưng bày sẽ truyền cảm hứng và mời gọi người xem suy ngẫm về nghệ thuật, xã hội và các vấn đề toàn cầu.

Trà My - Báo In K42

Phản hồi