Danh mục Thứ Hai, 06/01/2025

Chuyên đề \

Tiện ích “ảo” - Rủi ro “thực” khi đi chợ online

11:05 01-01-2025
Chuyển đổi số đã, đang và sẽ thay đổi cách con người sinh hoạt và chi tiêu. Sau Covid-19, nhiều người dân đã lựa chọn “đi chợ online” để tiết kiệm thời gian và có nhiều lựa chọn hơn so với chợ truyền thống. Tuy nhiên, liệu những thực phẩm được bày trên kệ hàng trực tuyến hiện nay có đang được kiểm duyệt chặt chẽ?

Thói quen mua sắm thực phẩm online dần trở nên phổ biến

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng có thói quen tìm mua các mặt hàng như thịt, rau, củ, quả tươi,... đặc biệt là đồ ăn vặt trên các nền tảng online. Thực tế, với những ưu điểm khi mua thực phẩm trực tuyến như: đa dạng không gian mua sắm, lựa chọn được nhiều mặt hàng cùng một lúc, chủ động thời gian,... người dân đã dần thay đổi thói quen đi chợ từ “trực tiếp” sang “trực tuyến” (online). 

Theo báo cáo từ NielsenIQ Việt Nam về hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đã chỉ ra người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Cụ thể, trong quý I 2024, người tiêu dùng Việt Nam mua trung bình 6,5 loại sản phẩm trên các nền tảng mua sắm trực tuyến. Trong đó, nhóm các mặt hàng được mua nhiều nhất là thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm. 

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới viễn thông, các sàn thương mại điện tử như TikTokShop, Shoppe, Lazada đã dần trở nên quen thuộc với người dùng trên các nền tảng này. Với tính năng ưu việt, các ứng dụng này cho phép người mua có cái nhìn toàn diện, đa dạng về sản phẩm họ muốn mua. Cũng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến trên, người tiêu dùng có thể xem các đánh giá về sản phẩm từ những người mua trước một cách khách quan.

Sớm làm quen và thích nghi với việc mua sắm trực tuyến, chị Mỹ Tâm (20 tuổi, sinh viên Đại học Giáo dục) chia sẻ: “Mình thường xuyên đặt đồ ăn qua các ứng dụng giao hàng, gần như 1 tuần thì 5 ngày đặt ship đồ ăn vì giá cả hợp lý và giúp mình tiết kiệm thời gian. Những sản phẩm mình thường đặt là đồ ăn hàng ngày bún, phở, cơm để ăn vào các bữa chính, ngoài ra mình cũng mua các đồ ăn vặt, đồ khô đóng gói trên đây với tần suất 1-2 lần/tháng”.

Trao đổi với phóng viên, chị Thanh Hải (48 tuổi, nội trợ, Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng có thói quen đặt đồ ăn vặt, đồ đóng gói sẵn qua các livestream trên các sàn thương mại điện tử, vì được người bán trực tiếp tư vấn và nhiều khi có cơ hội áp mã giảm giá nên mua được sản phẩm giá thành hợp lý. Các mặt hàng tôi thường xuyên mua chủ yếu là đồ nội địa Trung, ít khi được bày bán ở siêu thị nên muốn mua về cho gia đình ăn thử. Trung bình tôi đặt 4-5 đơn/tháng”.

Với tính năng tiện lợi trên các sàn thương mại điện tử, chỉ với vài thao tác, người dùng có thể đặt mua sản phẩm ăn uống theo sở thích và thanh toán trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình) 

Rủi ro tiềm ẩn từ thực phẩm mua qua mạng

Bên cạnh những tiện ích mà “chợ online” mang lại cho người tiêu dùng, vấn đề kiểm soát chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử là điều đáng lưu tâm. Theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong tổng số 50.334 website thương mại điện tử bán hàng đã đăng ký, có 5.669 website kinh doanh thực phẩm và đồ uống. Đáng chú ý, trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, các sàn thương mại điện tử và website đã phải gỡ bỏ 17.234 sản phẩm cùng 5.576 gian hàng vi phạm quy định liên quan đến thực phẩm.

Anh Lê Hoàng Trọng Khôi, Trưởng phòng marketing, đại diện thương hiệu đồ uống Kamizu cho hay: “Các sản phẩm của Kamizu khi xuất hiện trên sàn thương mại điện tử đều phải được cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý và trải qua quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt, đặc biệt với các mặt hàng liên quan đến sức khỏe, cần có chứng nhận thành phần và kiểm định của Bộ Y tế. Điều này giúp đảm bảo chất lượng và mang lại sự an tâm cho người tiêu dùng”. 

Đứng dưới góc độ người tiêu dùng, anh Khôi cũng chia sẻ thêm, trên thị trường hiện nay, tại các cửa hàng, tụ điểm kinh doanh thực phẩm trực tiếp và trực tuyến vẫn tồn tại nhiều loại hình thực phẩm có xuất sứ không rõ nguồn gốc như bánh kẹo, đồ ăn bày bán tràn lan. Đây là một “lỗ hổng” lớn trong quản lý thị trường mà các cơ quan chức năng cần nêu cao công tác kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng này.

 Anh Lê Hoàng Trọng Khôi luôn quan tâm đến việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm công ty mình kinh doanh. (Ảnh: NVCC)

Là người tiêu dùng thường xuyên đặt đồ ăn trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, Minh Phương (21 tuổi, Hà Nội) tâm sự: “Cũng có một vài lần mình mua đồ ăn trên các sàn thương mại điện tử nhưng khi nhận về sản phẩm không giống với hình được đăng, nhưng cũng lỡ mua rồi nên rút kinh nghiệm lần sau không mua lại. Còn về vấn đề vệ sinh và an toàn, mình cũng “khuất mắt trông coi”, vì không thể biết rõ chất lượng như thế nào nếu không mua trực tiếp”.

Có thể thấy, các sàn thương mại điện tử hiện nay phần lớn có sự kiểm duyệt khá khắt khe, tuy nhiên vẫn xuất hiện những trường hợp “lách luật”. Dù đã có sự vào cuộc của cơ quan chức năng nhưng số lượng các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn vẫn được bày bán và thậm chí được người tiêu dùng lựa chọn rất nhiều. 

Để nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt là trên các nền tảng trực tuyến. Đồng thời, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thực thi pháp luật, công tác quản lý nhà nước nắm rõ các quy định mới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng. Từ đó, tạo cơ sở để hoàn thiện năng lực thực thi trong công tác chuyên ngành liên quan. 

Bên cạnh đó, nhằm sớm phát hiện và ngăn ngừa các sai phạm, việc ứng dụng công nghệ cần được triển khai hiệu quả, trong đó sự phối hợp chặt chẽ giữa các nền tảng số lớn và cơ quan quản lý. Điều này bao gồm việc chia sẻ dữ liệu, đảm bảo định danh và kiểm soát chặt chẽ người bán. Trong thực tế, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ngăn chặn vi phạm, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông… tăng cường tuyên truyền thông qua việc đăng tải thông tin và bài viết nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong hoạt động thương mại điện tử.

Ngô Minh Tâm

Phản hồi