Nơi mảnh đất đỏ cho các hạt giống đỏ tìm về
Kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thời kỳ oanh liệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trên dãy Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh trên biển cũng đóng vai trò trọng yếu trong suốt hơn 14 năm ròng rã chi viện quân khí, lương thực và đạn dược cho chiến trường miền Nam.
Bến K15 nằm tại chân đồi Nghinh Phong, là bến cảng tập kết của các đoàn tàu không số. Theo ký hiệu quân sự, “K” chỉ cảng biển, còn “15” là số hiệu được lấy từ Nghị quyết của Trung ương Đảng về đường lối cách mạng miền Nam tại Hội nghị TW Đảng lần thứ 15. Hải quân Việt Nam lựa chọn bến K15 làm cảng vận chuyển bởi đây là một vịnh nhỏ, xung quanh được bao bọc bởi sườn núi nên rất kín đáo, khuất gió và thuận tiện cho hoạt động vận chuyển hàng hóa một cách bí mật.
Từ năm 1961 đến năm 1975, bến K15 đã trở thành “cảng” xuất phát của hơn 1800 chuyến tàu không số, vận chuyển gần 153.000 tấn quân khí vào chiến trường miền Nam. Vượt qua gần 4000 hải lý đường Hồ Chí Minh trên biển, những con tàu không số kiên cường đã chống chọi với nhiều cơn bão, băng qua mưa bom bão đạn của kẻ thù, kiên trì hoàn thành sứ mệnh của một “hậu phương vững chắc”, một lòng với nhiệm vụ “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Để tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng cùng công lao to lớn của những chiến sĩ nơi đây, ngày 07/05/2006, thành phố Hải Phòng đã xây dựng Đài tưởng niệm trang trọng ngay cạnh bến cầu cảng năm xưa. Hằng năm, Đài tưởng niệm bến K15 thường xuyên được tiếp đón những đoàn thể cấp cao của Trung ương, Thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội và nhiều lượt khách tham quan tới dâng hương để tỏ lòng biết ơn với các chiến sĩ cách mạng.
Ông Hoàng Gia Nhi, chủ nhang của Đền Nam Hải Đại Vương (nằm ở phía đầu cổng vào di tích) chia sẻ, di tích thường xuyên đón nhiều du khách tới tham quan, dâng hương, đặc biệt là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên đang sinh sống trên địa bàn Thành phố. Với hơn 50 năm gắn bó, ông cho biết, di tích K15 luôn được các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương quan tâm, là nguồn cảm hứng cho nhiều đề tài về lịch sử hào hùng của dân tộc, đây cũng chính là “mảnh đất đỏ cho các hạt giống đỏ tìm về”
Khó khăn trong việc tôn tạo và phát triển di tích lịch sử cấp quốc gia
Tọa lạc tại chân đồi Nghinh Phong, bến K15 sở hữu vị trí địa lý đắc địa “lưng tựa núi mặt hướng biển”. Tuy nhiên việc phát triển du lịch kết hợp với văn hóa tâm linh tại đây vẫn gặp nhiều khó khăn và thiếu sự đồng bộ. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Dịch vụ, Du lịch và Quản lý Di tích lịch sử quận Đồ Sơn, hàng năm, lượng khách ghé thăm “địa chỉ đỏ” này ước lượng từ 7.000 đến gần 9.000 lượt khách nhưng di tích vẫn chưa được đầu tư xứng đáng để phát huy hết tiềm năng.
Bà Lưu Thị Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Du lịch và Quản lý Di tích lịch sử quận Đồ Sơn cho biết, Trung tâm gặp không ít khó khăn khi triển khai các dự án tôn tạo và tu bổ di tích lịch sử bến K15. Một trong những trở ngại lớn là các dự án tôn tạo liên quan đến nhiều quy định hiện hành, đặc biệt là về thủ tục đất đai. Trung tâm muốn mở rộng phạm vi và khuôn viên di tích để đáp ứng nhu cầu khách du lịch nhưng lại gặp khó khăn do chưa nhận được văn bản bàn giao chính thức theo quy định pháp luật.
Do chưa có quy định cụ thể nên việc quản lý di tích chưa rõ ràng nên thành phố cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm gắn với các cơ quan, ban ngành có liên quan. Thứ ba, công tác quản lý giám sát của Nhà nước còn hạn chế, chưa có kế hoạch kết nối với các công ty lữ hành, khiến cho việc phát triển văn hóa du lịch tâm linh ở đây thiếu đồng nhất, cần phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan du lịch với du khách để tăng cường hiệu quả, lan rộng về ý nghĩa lịch sử của di tích. Bà cũng nhấn mạnh thêm, để bảo tồn và phát triển di tích một cách bền vững, cần đầu tư các nguồn kinh phí cho công tác tuyên truyền, đào tạo cán bộ, nhân lực, cũng như kinh phí duy trì vệ sinh môi trường và bảo quản di tích.
Trung tâm Dịch vụ, Du lịch và Quản lý Di tích lịch sử quận Đồ Sơn đã đề xuất bản Mô tả sáng kiến.Nội dung chính nhằm đổi mới sáng tạo trong tuyên truyền quảng bá để tháo gỡ những khó khăn trên. Trung tâm đưa ra các chính sách ưu tiên cho phát triển du lịch, phát triển di tích theo kế hoạch 116/KH-UBND để đẩy mạnh đầu tư, khai thác tiềm năng vào năm 2025. Xây dựng khung cơ chế, kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn để di tích có cơ hội được phát triển. Quan trọng nhất là chú trọng công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực, cán bộ nhằm nâng cao công tác quản lý và phát huy hết trách nhiệm trong việc gìn giữ và tu bổ di tích. Trung tâm mong muốn khi bản Mô tả sáng tạo được thông qua, lượng khách đến với di tích K15 nói riêng và các địa danh nổi tiếng ở Đồ Sơn nói chung sẽ tăng đáng kể. Bà Lưu Thị Thu Huyền cho biết thêm, trong thời gian tới, các “địa chỉ đỏ” tại Đồ Sơn sẽ được làm mới và thay đổi nhiều: Chương trình du xuân về cội nguồn qua các di tích lịch sử, du lịch giáo dục nhằm phát huy truyền thống yêu nước hay gặp gỡ, trò chuyện với các nhân chứng lịch sử.
Phản hồi