Xuất hiện từ thời Lê Sơ, tranh dân gian Đông Hồ đã gắn bó với đời sống người Việt qua nhiều thăng trầm của lịch sử, là một phần của văn hóa vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Mang đậm những giá trị lịch sử dân tộc, đầu năm 2013, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát, có nghề làm tranh.”
Làng tranh Đông Hồ (thuộc địa phận xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vốn là một làng Việt cổ, tên Nôm là làng Mái. Nằm bên bờ nam dòng sông Đuống thơ mộng cách Hà Nội khoảng 35km, nơi đây chính là cái nôi của tranh dân gian Đông Hồ - dòng tranh nổi tiếng nhất trong 4 dòng tranh dân gian của Việt Nam.
Trước năm 1945, làng Đông Hồ có tới 17 dòng họ khác nhau với hai nghề song hành là làm tranh dân gian và hàng mã. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, đặc biệt là sau ảnh hưởng của thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hiện chỉ còn 3 dòng họ theo đuổi nghề làm tranh truyền thống đó là gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh.
Trải qua hơn 500 năm hình thành và phát triển, tranh dân gian Đông Hồ vẫn luôn giữ được vị trí trong lòng người Việt với những giá trị văn hóa, lịch sử thấm đượm trên từng trang giấy điệp. Nghề làm tranh Đông Hồ cũng mang những sắc thái riêng, hoàn toàn khác biệt với các dòng tranh dân gian khác ở chất liệu làm tranh và quy trình chế tác đặc biệt.
Tranh dân gian Đông Hồ là kết tinh của những tinh túy thiên nhiên vùng Đồng bằng Bắc Bộ và sự sáng tạo, tài hoa của những người nghệ nhân làng Mái. Để làm ra những tờ giấy vẽ tranh - đặc trưng trong nghệ thuật tranh Đông Hồ, người nghệ nhân cần sử dụng vỏ cây dó rừng, cạo bỏ phần đen bên ngoài. Phần vỏ trắng bên trong sau khi phơi khô sẽ được đem ngâm vôi trong trong 3 tháng, sau đó lại được hấp cách thủy 3 ngày 3 đêm. Sau khi hấp mềm nhuyễn, vỏ cây dó được đánh tan trong bể nước, chỉ lọc lấy những gì tinh túy nhất để làm nên giấy dó. Qua những năm tháng làm giấy dó truyền thống, người nghệ nhân đã sáng tạo ra cách lấy vỏ trai điệp giã mịn, trộn với bột hồ nếp rồi quết đều lên giấy, tờ giấy dó mới được “bồi” thành tờ giấy điệp óng ánh như ngày nay.
Là người giữ lửa văn hóa trong gia đình có truyền thống làm tranh Đông Hồ lâu đời, chị Lý Thị Thương - con dâu nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh chia sẻ về nét “độc nhất vô nhị” trong nghề: “Tranh Đông Hồ là tranh được làm theo công đoạn, cứ hoàn thiện một công đoạn sẽ đóng gói lại, đợi sang công đoạn khác. Ví dụ như công đoạn làm giấy, trời nắng phơi giấy mới khô nên giấy thường chỉ được làm trong khoảng tháng 5, tháng 6 hàng năm. Công đoạn in màu cũng phải in từng màu rồi đem phơi, bởi màu tự nhiên khá dày, khó khô.”
Không chỉ cầu kỳ trong những trang giấy điệp, nét đặc sắc riêng trong nghệ thuật làm tranh còn được thể hiện qua việc sử dụng những màu sắc được lấy hoàn toàn từ thiên nhiên: màu đỏ của son gạch, màu xanh của lá tràm, màu vàng của hoa hòe, màu trắng của vỏ điệp và màu đen của than lá tre. Người nghệ nhân sử dụng những ván khắc âm bản, in lần lượt từ đỏ tới đen, màu chồng màu trên trang giấy điệp óng ánh, hoàn thiện nên những bức tranh mang đậm hơi thở văn hóa của một Việt Nam xưa.
Bền bỉ cùng thời gian, tranh dân gian Đông Hồ như một phương tiện ghi lại mọi khía cạnh, từ những biến động lịch sử, chiến tranh gian khổ đến hình ảnh xã hội nông nghiệp cổ truyền xưa: cuộc sống lao động, sinh hoạt bình dị; phong tục; tập quán; đức tính; tình yêu; tình làng nghĩa xóm… Hơn cả một loại hình nghệ thuật, người nghệ nhân đã thổi “hồn Việt” vào từng nét vẽ, dùng quan điểm mỹ học dân gian để khắc họa đời sống mộc mạc nhưng mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc qua từng thời kỳ. Quả thực như lời nhận xét của nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tạp chí Xưa và Nay số 84 - 85/2001: “Tranh dân gian Đông Hồ là một phần hồn Việt trong lành, nhân hậu, một nét đẹp cần lưu giữ”.
Trên lớp giấy điệp óng ánh đa sắc, vùng quê đồng bằng Bắc Bộ hiện lên sống động, mở ra khung cảnh quen thuộc: cây đa cổ thụ bên giếng nước, đồng nội xanh rì, mái đình rêu phong, chợ phiên nhộn nhịp và sân đình vang tiếng trống hội. Thiên nhiên trong tranh không chỉ là phông nền mà còn là một phần không thể thiếu trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người. Ở đó, con người chính là nhân vật trung tâm, mọi chuyển động, cảm xúc thường nhật đều được biểu hiện rõ ràng, hòa quyện với thiên nhiên, đất trời. Ta bắt gặp nét hồn hậu, thanh bình của cuộc sống làm nông nơi thôn dã qua “Chăn trâu thổi sáo”, bắt gặp tình cảm gia đình hòa hợp qua “Hứng dừa”, nét đằm thắm, tài nghệ của con người xứ Kinh Bắc qua “Hát quan họ”, hay nét vui đùa với trò chơi dân gian qua “Bịt mắt bắt dê”... Tất cả tạo nên một bức tranh làng quê đầy sức sống - nơi có những con người đằm thắm, chăm chỉ, luôn sống giản dị nhưng tràn ngập niềm vui.
Mỗi bức tranh không chỉ khắc họa cảnh vật, con người mà còn mang trong mình những ý nghĩa phong thủy, niềm tin, thể hiện sự hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó có thể là ước nguyện "vượt vũ môn hóa rồng" trong bức tranh “Lý Ngư Vọng Nguyệt” - niềm tin rằng sự may mắn sẽ được tạo nên từ những nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Hay mong ước có một gia đình sung túc, con cháu đông vui, khỏe mạnh, hạnh phúc sum vầy như tranh “Đàn lợn Âm Dương”, “Vinh hoa - Phú quý”. Hoặc như tranh “Tiến tài - Tiến lộc” tượng trưng cho “tiền vào như nước”, thể hiện mong muốn có thần tài phù hộ, làm ăn phát đạt.
Bên cạnh đó, tranh Đông Hồ còn có nhiều dòng tranh thể hiện triết lý, vốn sống, mang tính giáo dục sâu sắc, giảng dạy con người phải sống đúng theo đạo lý, giữ gìn các giá trị “Lễ - Nghĩa - Nhân - Trí - Tín”. Những bức tranh như “Đám cưới chuột” ngoài phản ánh hiện thực xã hội mà còn là lời nhắc nhở về sự công bằng, tinh thần thượng tôn đạo lý. Trong khi đó, các tác phẩm như “Thầy đồ cóc” khuyên răn con người phải trọng học vấn, đề cao sự nghiệp học hành để mở mang trí tuệ.
Cho đến ngày nay, tranh Đông Hồ vẫn luôn chiếm vị trí quan trọng trong mỗi căn nhà của người Việt, là một cách để lưu giữ và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống mà tổ tiên để lại. Mỗi bức tranh treo tường không chỉ là điểm nhấn tô đẹp mà còn đại diện cho ước vọng cuộc sống bình an, thịnh vượng và hạnh phúc, khuyến khích con người hướng đến lối sống đúng đắn, gìn giữ truyền thống đã được vun đắp từ ngàn đời của người Việt Nam.
Trong dòng chảy của đời sống hiện đại, dòng tranh Đông Hồ từng đứng trước nguy cơ mai một khi chỉ còn hai đến ba gia đình nghệ nhân tâm huyết, “bám trụ” với nghề. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của làng tranh, nét truyền thống này đang dần “hồi sinh” và phát triển mạnh mẽ trở lại.
Một trong những bước đi quan trọng trong quá trình này là việc tỉnh Bắc Ninh khánh thành Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ vào đầu năm 2023. Trung tâm lưu giữ và bảo tồn hầu hết các hiện vật, tạo hình ảnh, sơ đồ giúp người xem có thể hiểu được tường tận gốc tích của làng tranh. Đặc biệt, theo anh Đào Văn Hùng - Viên chức khu trung tâm bảo tồn cho biết: “Tại đây còn có nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, sáng tạo khi kết hợp hoạt động làm tranh với nhiều trò chơi, trình diễn nghệ thuật dân gian truyền thống nổi tiếng khác của Bắc Ninh như múa rối nước, nghe hát Quan họ, tuồng, trống quân…” Đến nay, trung tâm đón trên 10.000 khách về tham quan tìm hiểu, trong đó có 1.000 khách nước ngoài, giúp tranh Đông Hồ được biết đến rộng rãi, khẳng định vị thế và góp phần bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống này. Phát biểu khi đến thăm làng tranh, ban lãnh đạo nhà trường dẫn đoàn 1.300 học sinh chia sẻ: “Chưa về làng tranh thì chưa thấy giá trị, về rồi mới thấy giá trị trong tranh rất quý. Đây chính là nguồn tài sản vô cùng to lớn mà thế hệ trẻ cần phải tiếp xúc, tìm hiểu và phát huy”.
Cùng với đó, trong suốt những năm qua, các nghệ nhân của làng tranh Đông Hồ đã không ngừng nỗ lực gìn giữ, phát triển và quảng bá dòng tranh truyền thống này. Điển hình như gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã đầu tư gần 3 tỷ đồng để xây dựng Bảo tàng tư nhân với khu nhà sản xuất giấy, khu in tranh, giã điệp và khu trưng bày sản phẩm phục vụ du khách. Hay như NNƯT Nguyễn Thị Oanh và nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa luôn tích cực tham gia các hoạt động trình diễn, giới thiệu, quảng bá nghề làm tranh dân gian tại các sự kiện quan trọng ở trong nước và quốc tế, tiêu biểu như: Hội nghị APEC năm 2006; sự kiện Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU - 132; Triển lãm Quốc tế các sản phẩm từ giấy của các nước ASEAN; tham dự Ngày Quốc gia Việt Nam tại EXPO 2020 DUBAI; trình diễn, giới thiệu Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tại Lễ hội du lịch văn hóa Việt Nam tổ chức ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc)… Với sự tự hào hiện lên nơi đáy mắt, nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa cho biết: “Tranh Đông Hồ là cách để quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam giàu đẹp với bạn bè quốc tế”.
Ngày 24/12 vừa qua, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành văn bản số 5058/UBND-NV, trong đó khẳng định việc đẩy mạnh quảng bá tranh Đông Hồ ra thế giới. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, tranh Đông Hồ sẽ ngày càng được lan tỏa rộng rãi, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại mới.
Nội dung: Dương Nguyễn - Dương Phạm - Hồ Chi
Thiết kế: Thảo My - Hồ Chi
Phản hồi