Danh mục Thứ Hai, 06/01/2025

Chuyên đề \

Chắp cánh ước mơ chinh phục bầu trời

16:28 31-12-2024
Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, Lê Nhật Nam Khánh - một học viên sĩ quan đang ấp ủ ước mơ chinh phục bầu trời của mình ở tuổi 19. Vinh dự được ngồi trên giảng đường của Trường Sĩ quan Không quân (tỉnh Khánh Hòa), Nam Khánh là một tấm gương luôn nỗ lực hết mình để theo đuổi mục tiêu cống hiến những điều có ích cho đất nước, trở thành Chỉ huy tham mưu không quân và một phi công quân sự đại tài.

Lê Nhật Nam Khánh - Chàng sĩ quan trẻ đang chuẩn bị lên đường sang Ấn Độ du học và huấn luyện phi công quân sự. (Ảnh: NVCC) 

PV: Chào Nam Khánh, động lực nào khiến bạn kiên định với ước mơ trở thành phi công quân sự, một lĩnh vực đầy thử thách và trách nhiệm?

Lê Nhật Nam Khánh: Trở thành phi công quân sự là đam mê, niềm mơ ước của tôi ngay từ khi còn nhỏ. Tới lúc trưởng thành, bên cạnh niềm đam mê từ bé, tôi còn nhận được sự ủng hộ, khích lệ từ gia đình, bác và anh trai tôi cũng đang công tác trong lĩnh vực này. Điều đó đã tiếp lửa cho tôi cố gắng, nỗ lực hết sức mình để thực hiện hóa giấc mơ. Qua quá trình rèn luyện tại đơn vị, tôi càng được thôi thúc về mặt ý chí, khiến ngọn lửa khát khao bảo vệ tổ quốc trong tôi thêm phần cháy bỏng.

PV: Được học tập và làm việc trong môi trường quân đội, đặc biệt là bộ phận phi công quân sự, bạn có thể chia sẻ cho độc giả về đặc thù của bộ phận này?

Lê Nhật Nam Khánh: Phi công quân sự là một bộ phận quan trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi phải trải qua 6 tháng huấn luyện tân binh cực kỳ căng thẳng, với những đêm liên tục tỉnh giấc bởi báo động khẩn. “Nắm vững khoa học kỹ thuật, bay lên làm chủ bầu trời” là câu khẩu hiệu mà mỗi người phải luôn ghi nhớ để đảm bảo an toàn trong quá trình rèn luyện. Đối với tôi, phi công quân sự không chỉ là người điều khiển máy bay mà còn là một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ quốc gia. Ngành này đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Từ kiểm tra máy bay, lập kế hoạch bay đến phối hợp với các đơn vị liên quan, mọi thứ đều phải được thực hiện kỹ lưỡng. Chúng tôi còn phải sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ như trục trặc kỹ thuật hoặc điều kiện thời tiết xấu. Môi trường làm việc đầy áp lực nhưng đây cũng là cơ hội để rèn luyện bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm. Mọi quyết định phải nhanh chóng, chính xác. Tuy khó khăn, nhưng tôi coi đó là nhiệm vụ để rèn luyện bản thân. Tuyệt đối chấp hành kỷ luật và mệnh lệnh cấp trên là cách để tôi vượt qua thử thách, góp phần bảo vệ an ninh không phận của đất nước.

PV: Đạt được những yêu cầu khắt khe như vậy, Nam Khánh đã được huấn luyện như thế nào để trở thành một phi công quân sự?

Lê Nhật Nam Khánh: Để trở thành một phi công quân sự, tôi phải trải qua quá trình đào tạo toàn diện về thể chất, lý thuyết và thực hành. Chúng tôi được rèn luyện thể lực để chịu được áp suất cao và lực G trong các tình huống bay khắc nghiệt. Về lý thuyết, tôi học các kiến thức chuyên sâu về khí động học, hệ thống điện tử hàng không và chiến thuật tác chiến. Trong thực hành, từ bay mô phỏng trong buồng lái giả lập đến bay thực tế, tôi đều phải làm quen với việc xử lý các tình huống khẩn cấp, bay theo đội hình và bay trong nhiều điều kiện thời tiết phức tạp. Ngoài ra, việc rèn luyện tâm lý, giữ bình tĩnh và tập trung cũng là yếu tố quan trọng để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của ngành.

Sĩ quan Lê Nhật Nam Khánh (đứng thứ 2 từ phải qua) tham gia buổi trao đổi với Tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Ấn Độ. (Ảnh: NVCC) 

PV: Trải qua các kỳ thi tuyển đầu vào, đánh giá năng lực, bạn cảm thấy thế nào khi đã có thể chạm tay gần tới giấc mơ của mình?

Lê Nhật Nam Khánh: Tôi có thể gói gọn tất cả trong 2 từ “Vinh dự”. Với tôi, được công tác trong quân đội, phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc là vinh dự lớn nhất khi thành công bước đầu trên con đường đạt đến ước mơ của mình. Vinh dự khi bản thân tôi ngày một tiến bộ trưởng thành, vinh dự khi tôi chiến thắng được những thử thách, hay đơn giản, vinh dự khi tôi trở thành học viên của nhà trường. Tất cả đều do sự cố gắng, nỗ lực của bản thân mình, nên mình được quyền tự hào về những thành tích ấy của cá nhân. Khi trở về nhà, được mọi người nhớ đến như một  “sĩ quan chỉ huy, phi công quân sự”, điều đó không chỉ làm cho gia đình tôi phấn khởi, mà còn khiến bản thân tôi rất đỗi tự hào.

PV: Nhìn về tương lai, mục tiêu lớn nhất mà Nam Khánh đang nỗ lực thực hiện là gì?

Lê Nhật Nam Khánh: Mục tiêu hiện tại của tôi là bay an toàn, sau đó là bay giỏi như một phi công lành nghề. Phi công quân sự xuất sắc trước hết phải có nền tảng vững chắc, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình bay, sau đó mới đến các kỹ năng biểu diễn, thuần thục với máy bay. Sắp tới, tôi có cơ hội được cử đi du học tại Ấn Độ để có thể làm chủ các khí tài mới, nên mục tiêu 6 năm sau khi trở về, tôi sẽ học thêm kiến thức phản lực để nâng cao trình độ và trở thành giảng viên giảng dạy cho sinh viên khóa sau. Đó là mục tiêu nhưng cũng là kỳ vọng của tôi, huấn luyện cho các tân chiến sĩ chính là bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đất nước và tiếp nối ngọn lửa nhiệt huyết cho thế hệ trẻ.

PV: Cảm ơn những câu chuyện và chia sẻ của Nam Khánh!

Hồng Dương - Báo In K42

Phản hồi