Danh mục Thứ Hai, 06/01/2025

Chuyên đề \

Nơi xoa dịu nỗi đau chiến tranh

15:47 31-12-2024
Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) được thành lập từ ngày 3/4/1965. Đây là một trong những cơ sở nuôi dưỡng, điều trị tập trung cho thương - bệnh binh nặng với số lượng đông nhất và thương tật nặng nhất cả nước. 

Mái ấm của những người lính Cụ Hồ

Gần 60 năm kể từ ngày thành lập, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành đã tiếp nhận, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng lao động cho hơn 1.000 thương, bệnh binh nặng từ các chiến trường trên khắp cả nước. Tại đây, các thương bệnh binh được chăm sóc tận tình, giúp phục hồi thể chất và sau thời gian điều trị, phần lớn đã được bàn giao về gia đình để tiếp tục an dưỡng và hòa nhập với cộng đồng. Đối với những trường hợp thương binh không qua khỏi do vết thương quá nặng, trung tâm sẽ hoàn thiện đầy đủ thủ tục, hồ sơ trình Chính phủ suy tôn liệt sĩ. Sau đó, các hồ sơ này được bàn giao về địa phương để gia đình và người thân được hưởng các chế độ chính sách theo quy định.

Đến nay, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành đang quản lý, nuôi dưỡng và điều trị cho 91 thương, bệnh binh nặng hạng 1/4 với tỷ lệ thương tật từ 81% đến 100%. Hầu hết các thương binh tại đây đều bị liệt nửa người, phải di chuyển bằng xe lăn, xe lắc, có người phải nằm một chỗ suốt hơn 40 năm. Nhiều người vừa bị thương, bị nhiễm chất độc da cam, mắc các chứng bệnh như tiểu đường, huyết áp cao, suy thận, viêm gan, loét lưng… Một số ít thương binh còn mang trong cơ thể mảnh đạn, viên bi sót lại từ chiến tranh. Do đó, mỗi khi trái gió trở trời, các vết thương cũ lại gây ra những cơn đau nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, bữa ăn và giấc ngủ của họ.

Hiện nay, diện tích sử dụng của đơn vị là 2,5ha được chia thành 3 khu: Khu tập thể thương - bệnh binh, khu bệnh xá; khu tập thể gia đình; khu văn phòng trung tâm. Trong những năm gần đây, Trung tâm đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền và nhân dân địa phương. Khu nhà cấp 4 trước kia từng có 4 thương binh cùng sinh sống trong một căn phòng, nay đã được xây dựng thành khu nhà ở khang trang, đầy đủ trang thiết bị sinh hoạt tiện nghi. Sự quan tâm, chăm sóc ấy đã làm giảm đi phần nào nỗi đau thương, giúp mỗi đồng chí thương, bệnh binh tiếp tục giữ gìn và phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” và thực hiện tốt lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Là người đã gắn bó nửa đời người với trung tâm, ông Đỗ Đăng Khuây (75 tuổi, Thái Bình) nguyên là chiến sĩ Khẩu đội cối 82mm, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320. Khi tham gia tiến công căn cứ địch trên cao điểm thuộc huyện Sepone, tỉnh Savannakhet (Lào), ông bị trúng đạn pháo, mất hai bàn tay. Ông kể lại: “Sau khi bị thương năm 1977, tôi được đưa về Trung tâm và từ đó đến nay, trung tâm đã sửa chữa lại 3 lần. Lần đầu lợp mái ngói, sau đó phá ngói lợp mái bằng, xây dựng các phòng ở khang trang, đầy đủ điện nước. Tới đầu 2023 Trung tâm xây thêm cho mỗi phòng một gian nhà bếp. Phòng nào cũng có bếp điện đảm bảo an toàn”.

Trong căn phòng 19 mét vuông của ông Khuây, trên tường trưng bày những bằng khen, huân huy chương mà ông được Đảng, Nhà nước trao tặng vì những chiến công xuất sắc trong kháng chiến. Hàng ngày ông vẫn tự ra ngoài mua đồ, nấu ăn, dù hai bàn tay không còn, mọi sinh hoạt hàng ngày ông đều có thể tự lo được cho bản thân. 

Thương binh Đỗ Đăng Khuây chia sẻ về cuộc sống thường ngày, niềm vui đến từ việc đọc báo, chơi cờ với những người đồng đội xưa. (Ảnh: Khánh Linh) 

Yêu thương từ tận đáy lòng

Đội ngũ công tác tại Trung tâm hiện có 41 cán bộ làm nhiệm vụ nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho các thương, bệnh binh. Đây là công việc đòi hỏi không chỉ cần kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, hiểu viết về chính sách pháp luật mà còn cần sự tận tâm, thái độ hòa nhã và khả năng ứng xử linh hoạt để đáp ứng yêu cầu đặc thù. Bác sĩ Ngô Huy Phô, Trưởng phòng y tế phục hồi chức năng, Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành chia sẻ: “Chúng tôi luôn cố gắng bình tĩnh, nhẫn nại, làm tốt công tác chuyên môn, chăm sóc cho các bác thật chu đáo. Bởi hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu và đồng cảm với những mất mát và nỗi đau mà các bác đang trải qua. Với chúng tôi, công việc chăm sóc các bác không chỉ là trách nhiệm mà còn là sẻ chia và yêu thương từ tận đáy lòng”.

Cũng như ông Đỗ Đăng Khuây, ông Lê Đức Luân (72 tuổi, Vĩnh Phúc) là thương binh hạng 1/4, mất sức 92% cho biết: “Tôi tham gia quân ngũ từ lúc 18, 20 tuổi, đóng quân tại sân bay Khâm Đức (nay thuộc xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Năm 1972, trong một trận chiến đấu, tôi bị thương do bom đạn. Khi đó, phải mất hơn 3 tháng các đồng đội đưa tôi qua Lào về đến Quảng Bình, ngỡ đã phải bỏ mạng trên đường đi”.

Ông Luân đã gắn bó với trung tâm đến nay tròn 50 năm. Do bị tổn thương cột sống không thể di chuyển nên từ đó cuộc sống của ông Luân phải gắn chặt với xe lăn. Hằng ngày, ông được đội ngũ y, bác sĩ chăm lo đời sống, sức khỏe một cách tận tình, chu đáo.“Hằng năm, vào những dịp lễ, tết, trung tâm đều bố trí xe đưa đón tôi về thăm gia đình. Điều này làm tôi cảm thấy rất phấn khởi và vơi bớt đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Dường như mọi nỗi đau, mất mát của chiến tranh đã lùi vào quá khứ”, ông bồi hồi nhớ lại.

Thương binh Lê Đức Luân trở về từ chiến trường, dù mang thương tật vĩnh viễn, nhưng ông nhận thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều anh em, đồng đội đã nằm lại trên chiến trường. (Ảnh: Khánh Linh) 

Mặc dù đội ngũ y bác sĩ tại trung tâm luôn nỗ lực hết mình nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế vẫn là bài toán khó giải quyết. Hiện tại, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, đặc biệt đối với các ca bệnh nặng. Những bệnh nhân này thường phải chuyển lên các bệnh viện tuyến Trung ương để được điều trị chuyên sâu. Tuy nhiên, quá trình điều trị kéo dài đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ cùng sự theo dõi, chăm sóc sát sao từ phía trung tâm, đặt thêm áp lực lớn lên hệ thống y tế địa phương. Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành cho biết: “Quá trình công tác vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn do thiếu thốn về trang thiết bị, nhân lực. Đáng chú ý, phần lớn các bệnh nhân ở đây là những thương binh mang thương tật nặng, tuổi đời đã cao, cần được chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, đội ngũ y bác sĩ chúng tôi vẫn luôn nỗ lực hết mình, vừa động viên tinh thần vừa tận tâm điều trị, làm sao cho sức khoẻ của các bác có thể ổn định. Tất cả đều hướng đến một mục tiêu chung: để các bác được sống khỏe mạnh và chứng kiến những đổi thay tích cực, sự phát triển của đất nước”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành gắn bó với trung tâm hơn 20 năm tâm sự (Ảnh: Khánh Linh)  

Đơn vị luôn khuyến khích và động viên thương, bệnh binh tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, các thương bệnh binh được tạo điều kiện để yên tâm điều dưỡng, điều trị, tiếp tục đóng góp công sức vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với những nỗ lực này, họ không chỉ trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo mà còn phấn đấu để được sống vui, sống khỏe và sống có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Khánh Linh - Báo In K42

Phản hồi