Danh mục Thứ Tư, 08/01/2025

Chuyên đề \

Điều dưỡng viên viện dưỡng lão: Người bạn đồng hành tuổi xế chiều

01:08 30-12-2024
Lặng lẽ sau cánh cổng viện dưỡng lão là những điều dưỡng viên đang ngày đêm săn sóc và giúp đỡ các cụ già. Không chỉ ân cần chăm sóc các ông, các bà, điều dưỡng viên còn như những người bạn luôn lắng nghe và thấu hiểu. Dẫu vậy, nơi họ làm nghề vẫn phải đối mặt với những thách thức cả về thể chất lẫn tinh thần.

Những câu chuyện trong nghề

Tại một viện dưỡng lão có tiếng tại Hà Nội, chúng tôi đã gặp và trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Quỳnh, một điều dưỡng viên với 8 năm kinh nghiệm. Chị chia sẻ: “Nhiều người vẫn giữ định kiến rằng đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là trốn tránh trách nhiệm. Nhưng thực tế không phải vậy. Tại đây, các cụ được chăm sóc kỹ lưỡng và đều đặn hơn. Mỗi ngày, chúng tôi theo dõi huyết áp, kiểm tra sức khỏe sát sao, và phát hiện sớm những thay đổi nhỏ nhất trong tình trạng sức khỏe của các cụ – điều mà đôi khi người nhà, vì bận rộn hoặc thiếu chuyên môn, khó lòng làm được.”

Công việc của điều dưỡng viên không đơn thuần là chăm sóc sức khỏe mà còn cả việc đồng hành với người cao tuổi trong cuộc sống hàng ngày. Từ những việc nhỏ nhặt như chuẩn bị bữa ăn, giúp đỡ đi lại đến trò chuyện, những điều dưỡng viên luôn phải kiên nhẫn và tận tâm.

Ngoài ra, chúng tôi còn gặp anh Lê Văn Bắc, một trong số ít điều dưỡng viên nam tại viện. Anh chia sẻ: “Quan trọng nhất trong nghề điều dưỡng viên là tình yêu thương và sự đồng cảm với người cao tuổi. Có tình yêu thương, mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Còn chuyên môn và bằng cấp, chúng ta hoàn toàn có thể học từ trường lớp và sách vở.”

Anh Bắc kể lại một kỉ niệm sâu sắc: “Tôi rất thân với một cụ ông, hai ông cháu thường trêu đùa nhau và coi như "anh em" trong nhà. Ngày nào đi làm, tôi cũng vào phòng cụ đầu tiên để trò chuyện. Nhưng rồi một ngày cụ mất, để lại khoảng trống lớn trong lòng tôi. Thói quen ghé qua phòng cụ vẫn còn, nhưng giờ chỉ là sự lặng lẽ và một chút buồn bã.

Sự đồng hành đòi hỏi nhiều nỗ lực

Dù mang lại nhiều giá trị nhân văn, nghề điều dưỡng viên tại viện dưỡng lão không tránh khỏi những khó khăn. Mỗi cụ già có một tính cách khác nhau, việc giao tiếp, thấu hiểu và chăm sóc từng người là thử thách lớn, đặc biệt với những ai mới vào nghề.

Chăm sóc người cao tuổi không chỉ đòi hỏi kỹ năng chuyên môn mà còn cần sự kiên nhẫn và thấu hiểu. Chị Quỳnh chia sẻ: “Mỗi cụ già có một tính cách khác nhau, không phải lúc nào cũng dễ giao tiếp. Khi mới làm nghề, tôi từng nhiều lần bị mắng vì chưa hiểu tâm lý của các cụ. Nhưng sau này, nhờ kiên nhẫn và trò chuyện nhiều hơn, tôi dần biết cách thấu hiểu và chăm sóc từng người.

Anh Bắc cũng cho biết: “Khó khăn nhất là những lúc phải đối mặt với sự mất mát. Nhưng tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng mình đã làm tất cả để họ có những ngày cuối đời ý nghĩa nhất.”

Công việc điều dưỡng viên không chỉ là nghề mà còn là sứ mệnh mang lại niềm vui và sự an ủi cho người cao tuổi. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng cuộc sống và công việc cho đội ngũ này, cần có những cải thiện đáng kể.

Trước hết, các chính sách đãi ngộ cần được cải thiện, từ mức lương đến các chế độ phúc lợi, nhằm thu hút và giữ chân nhân lực. Đồng thời, cần tạo điều kiện làm việc tốt hơn, với môi trường an toàn và các chương trình hỗ trợ tâm lý định kỳ cho điều dưỡng viên.

Khép lại câu chuyện, chúng tôi càng thấu hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng của những điều dưỡng viên. Họ không chỉ làm công việc của mình, mà còn trao gửi yêu thương, sự đồng cảm và niềm vui cho những người cao tuổi. Đó là những “người bạn đồng hành” thực sự trong hành trình cuối đời.

Nhật Hà - Phương Linh

Phản hồi