Danh mục Thứ Năm, 21/11/2024

NEWS \

“Ma trận” quảng cáo sản phẩm kém chất lượng trên nền tảng TikTok

18:33 12-11-2023
Mặc dù TikTok có chính sách quản lý mặt hàng, song biến tướng "câu view" bán hàng nhái, kém chất lượng vẫn xuất hiện tràn lan gây hoang mang đến người tiêu dùng.

Vấn nạn quảng cáo “lố”

Việc mua hàng qua các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là TikTok Shop (một gian hàng được tích hợp trên nền tảng TikTok) đang trở thành xu hướng. Tại đây, các thương hiệu, người có sức ảnh hưởng có cơ hội quảng cáo sản phẩm thông qua video hoặc bán hàng trực tuyến. 

Thực tế, trên TikTok ngày càng xuất hiện nhiều nội dung quảng cáo sai sự thật. Người bán thì tung hô chất lượng sản phẩm mà người mua không biết rõ điều đó có xác thực không, thứ thu hút họ đầu tiên là giá thành rẻ. Từ đó, dẫn đến hiện tượng nhiều chủ kênh lợi dụng lòng tin của người theo dõi, làm những nội dung bán hàng không rõ nguồn gốc.

Hot TikToker Yona Cươn (Đinh Thị Cương, 2004) với 6,4 triệu người theo dõi đã vướng vào tranh cãi quảng cáo và bán sản phẩm sữa tăng cân Yarmy Milk không đảm bảo chất lượng. Tại phiên livestream, Yona Cươn rao bán 2 hộp sữa chỉ với 139.000 VNĐ so với giá gốc 999.000 VNĐ. Cô khẳng định với người xem, đây là thực phẩm hỗ trợ tăng cân, an toàn cho người mang thai và trẻ em. 

Người tiêu dùng đặt nghi vấn về nguồn gốc sữa tăng cân mà Yona Cươn bán. (Ảnh: Chụp màn hình)  

Bên cạnh việc không rõ xuất xứ, nhiều người sau khi sử dụng có các triệu chứng như đau đầu, thấy mệt trong người,… Điều này đặt ra nghi vấn, liệu sản phẩm này có thực sự tốt cho sức khỏe người tiêu dùng hay không. Chị Lưu Giang (20 tuổi) người đã sử dụng sản phẩm cho biết: “Ban đầu, mình cũng thấy lên cân. Uống được 1 tuần đầu thì thấy bị thèm ăn, 2 tiếng là đói. Sau đấy thì người bị mệt hơn bình thường, rồi thấy trướng bụng, khó tiêu”.  

Mạng xã hội là không gian mở, tạo cơ hội cho việc quảng cáo và bán hàng online. Tận dụng điều này, nhiều TikToker sản xuất hàng loạt các video với hình thức khác nhau nhằm khẳng định vị trí của sản phẩm trên thị trường mà không có sự bảo đảm từ cơ quan quản lý có thẩm quyền. 

Thời gian qua, cộng đồng mạng xôn xao chuyện kênh “Chuyện Nhà Linh Bí” quảng cáo sản phẩm Nhật Bản quá trớn. Chủ kênh này lồng ghép sản phẩm vào các video cuộc sống thường ngày, cho rằng đây là “sản phẩm số 1 Nhật Bản, được các mẹ Nhật tin dùng”. Tuy nhiên, nhiều người phát hiện ra những gì người bán khẳng định là sai sự thật, không có giấy tờ chứng nhận từ cơ quan quản lý. 

TikToker "Chuyện nhà Linh Bí" đã phải lên tiếng xin lỗi (bên trái), gỡ tất cả nội dung quảng cáo "Thạch canxi số 1 Nhật Bản" (bên phải). (Ảnh: Chụp màn hình)

Cẩn trọng khi tiếp cận thông tin 

Trước thực trạng quảng cáo sản phẩm kém chất lượng trên nền tảng TikTok, nhiều bậc cha mẹ không khỏi lo lắng khi con mình mua phải những mặt hàng đó. Cô Đinh Hoài (42 tuổi, Hà Nội) bộc bạch: “Cô không hiểu vì sao các bạn dám mua những sản phẩm mà không kiểm chứng thông tin thật kỹ. Thực phẩm chức năng hay sữa bán trên Tik Tok có chắc sẽ đạt tiêu chuẩn, đảm bảo sức khoẻ của bạn?”. 

Danh mục sản phẩm bị hạn chế (cần được phê duyệt) và không được hỗ trợ bởi TikTok Shop  bao gồm: thực phẩm bổ sung và sữa công thức trẻ em, thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân,… Tuy nhiên, trong các nội dung đăng tải, người dùng vẫn có thể bắt gặp tràn lan những quảng cáo sản phẩm chưa đạt chuẩn theo Cục An toàn thực phẩm trực thuộc Bộ Y tế. Điều này khiến người dùng đặt nghi vấn về cách quản lý trên thực tế của TikTok đang được diễn ra như thế nào?

 Tràn lan những kênh bán hàng chưa có kiểm chứng, đánh giá an toàn của Bộ Y tế. (Ảnh: Chụp màn hình)

Chị Phạm Oanh (22 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: “Mình nghĩ nhiều người cũng sẽ giống mình, không chú ý đến danh mục sản phẩm hạn chế bán của TikTok. Chính bạn bè mình cũng mua phải những sản phẩm kém chất lượng được thổi phồng lên tít mây xanh trong các phiên bán trực tuyến”. 

Vào cuối tháng 10, Công An tỉnh Thanh Hoá đã thu giữ hơn 4.000 thùng thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng với hơn 100 mã hàng, 60.000 sản phẩm và hàng nghìn vỏ bao bì giả phục vụ bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội của 4 nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh. 

Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm khi còn nhiều cơ sở chưa được điều tra. Nếu cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý chặt chẽ, người tiêu dùng vẫn có thể mua phải những sản phẩm kém chất lượng trên nền tảng mạng xã hội. Trước thực tế đó, người dùng cần phải cẩn trọng trước các chiêu trò quảng cáo quá đà về công dụng sản phẩm. 

Chân dung 4 nghi phạm cùng sản phẩm bị  thu giữ ước tính giá trị lên đến 10 tỷ đồng. (Ảnh: Internet) 

PGS.TS. Nguyễn Văn Dững (giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đặc biệt nhấn mạnh cách thức tiếp cận thông tin của người dùng mạng xã hội trong thời đại công nghệ số. Ông cho rằng, không có biện pháp nào chủ động hơn việc người tiêu dùng là những người “kiểm định” thông thái. Họ cần biết nói không, quay lưng với những địa chỉ “to còi”, “dẻo miệng” nhưng rao bán toàn những sản phẩm kém chất lượng. Bởi, những địa chỉ cung cấp dịch vụ online không tuân thủ đạo đức thì khó ngăn chặn, mà cần sự quay lưng của khách hàng, cộng đồng.  

Điều 34, Chương III, Mục 1, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định một số mức xử phạt đối với hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo: 

- Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định. 

- Phạt tiền 60 - 80 triệu đồng và buộc cải chính thông tin: Quảng cáo không đúng/gây nhầm lẫn về số lượng, giá, công dụng, chất lượng, bao bì, kiểu dáng, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, thời hạn bảo hành hoặc khả năng kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ,…

Nguyễn Lê Nhật Mai - Báo In K41

Phản hồi