Dám nghĩ, dám làm
Trong khi đa số các cuộc điều tra về săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã đều do cơ quan chức năng hoặc các nhà báo có tuổi nghề cao thực hiện, thì một vài bạn trẻ vẫn không ngần ngại bước vào công cuộc nguy hiểm này. Thảo Ly, Nguyễn Liễu và Như Ý là nhóm sinh viên vừa đoạt Giải A Báo chí Thắp sáng 2022 - 2023 với loạt 4 bài báo điều tra về hoạt động buôn bán rùa trái phép.
Tiến hành điều tra khắp 4 tỉnh thành của Việt Nam, nhóm đã lên kế hoạch chặt chẽ từ trước và tiếp cận đến những địa điểm nơi rùa quý hiếm bị mua bán. Trong quá trình điều tra, mỗi bạn phải đóng nhiều vai khác nhau nhằm tạo được lòng tin ở các “con buôn”, bởi nếu có một chút sai lầm nào xảy ra khi tác nghiệp thì hậu quả có thể là bị phát hiện, đe doạ, hay thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Bạn Thảo Ly - một trong những người trực tiếp thực hiện 4 bài báo chia sẻ: “Tìm hiểu trên mạng xã hội, cả nhóm đã tình cờ phát hiện rằng, hầu như các hội nhóm gắn mác “yêu rùa”, “bảo vệ rùa” đều là những nơi buôn bán nhộn nhịp, tràn lan các loài rùa cảnh, rùa quý hiếm của “những tay chơi rùa thứ thiệt”.
Mong muốn nói lên sự thật để không còn “người mua, kẻ bán” động vật hoang dã là động lực khiến các bạn có thể đi đến những nơi nguy hiểm, lấy được nhiều thông tin quan trọng. Đã từng gặp phải tình huống suýt bị lộ thông tin, hay thấy một quán thịt rùa được mạo trang kín kẽ, nhưng điều các bạn quan tâm không phải là an nguy của bản thân, mà là cảm thấy “may” vì đã điều tra đúng đối tượng, “may mắn là đúng nơi cần đến” để công cuộc điều tra được tiến hành thuận lợi.
Những dự án “ngày đêm”
Các tổ chức, mạng lưới bảo vệ môi trường và động vật hoang dã có quy mô từ nhỏ đến lớn cũng được triển khai nhiều hơn ở khắp các tỉnh thành Việt Nam. Với nhiều hình thức khác nhau như tọa đàm, triển lãm, chạy marathon vì động vật,... các hoạt động đều có sự chung sức của đông đảo các bạn trẻ.
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) là một trong những cái tên nổi bật về hoạt động bảo vệ môi trường và động vật hoang dã. Ở đây, các bạn trẻ hoạt động với chiến lược “thật” liên quan đến pháp luật.
Bạn Huyền Trang - một cán bộ Truyền thông của ENV chia sẻ: “Ở ENV trung bình hàng ngày nhận hơn 10 cuộc gọi về động vật hoang dã. Chúng mình cũng là người trực tiếp làm việc với các cơ quan về pháp luật”. Trên thực tế, nhiều cuộc gọi báo cáo đến đường dây nóng của ENV đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vụ việc sai trái về săn bắt động vật hoang dã.
Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” (VMHNĐS) - “mái nhà chung” nơi diễn ra nhiều sự kiện kết hợp với chuyên gia về môi trường và động vật hoang dã cũng là một dự án nổi trội với sự tham gia tích cực của thế hệ trẻ. Đặc biệt, các bạn đã sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok để lan tỏa một cách sáng tạo các dự án như tọa đàm, các buổi triển lãm,...
Với công cuộc bảo vệ loài quý hiếm, không công việc nào là thừa
Bạn Như Ý, đồng tác giả của loạt 4 bài báo điều tra về buôn bán rùa trái phép chia sẻ rằng: “Mọi thứ bị phá thì rất nhanh, nhưng công cuộc bảo tồn thì lâu dài, khó để thực hiện hơn. Mỗi chúng ta đều nên giữ gìn và có trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã. Bạn có thể tham gia từ những việc nhỏ nhất như lan tỏa, tuyên truyền hay đơn giản là báo cáo khi gặp hành động xấu”.
Nhiều dự án của ENV và VMHNĐS nhắm đến đối tượng không chỉ là người trẻ mà còn là trẻ em và cả người lớn. Từ tờ giấy cam kết không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã được “chu du” khắp 9 tỉnh thành Việt Nam, đến những dự án với quy mô “khủng” hơn theo thời gian, các bạn đều tâm niệm rằng “Sự thành công của đến từ những điều nhỏ nhất”.
Là thế hệ được tiếp cận với nguồn tri thức phong phú, có cơ hội được tự do theo đuổi lĩnh vực mình đam mê, các bạn trẻ đã, đang và sẽ làm tốt hơn để đạt được mục tiêu lớn lao cho công cuộc bảo vệ động vật hoang dã, giúp vấn đề này ngày càng đến gần hơn với mỗi người, từ đó tạo nên những thay đổi theo hướng tích cực.
Phản hồi