Hành trình xây dựng dự án VAPs
VAPs (Vietnam’s Autism Project) là mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ, do anh Nguyễn Đức Trung sáng lập. Mục tiêu của dự án là tạo công ăn việc làm để những người tự kỷ có thể nuôi sống bản thân bằng chính sức lao động của mình, từ đó tạo ra giá trị cho cộng đồng.
Những ngày mới bắt đầu, anh Trung gặp không ít trở ngại vì nhiều người cho rằng người tự kỷ không thể làm việc được. Tuy nhiên, vốn xuất thân là một người làm kinh tế, cùng với tình yêu thương dành cho các bạn tự kỷ, anh Trung vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ của mình.
Để đạt được thành công như hiện tại, anh dành không ít thời gian để tìm hiểu về các mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ trên thế giới. Đồng thời, anh nghiên cứu độc lập về đặc điểm của người tự kỷ và môi trường thực tiễn tại Việt Nam. Ngoài việc nghiên cứu trên sách vở, anh còn trực tiếp liên hệ với gia đình có con tự kỷ, lắng nghe chia sẻ của phụ huynh và quan sát sinh hoạt thường ngày của các bạn để hiểu rõ hơn.
Anh Trung cho hay: “Các nước trên thế giới họ đã có những dự án thí điểm tạo việc làm cho người tự kỷ nhưng ở Việt Nam thì chưa. Các bạn tự kỷ chưa có niềm tin vào chính mình, gia đình chưa có niềm tin vào con cái, còn xã hội thì coi họ như là một gánh nặng”.
Những điều đó đã tạo động lực cho anh xây dựng mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ (VAPs) tại Việt Nam. Thông qua dự án, anh Trung mong muốn mô hình có thể khiến cộng đồng có cái nhìn tích cực hơn về người tự kỷ.
Chia sẻ về những khó khăn Khi làm việc với những bạn tự kỷ anh Trung tâm sự: “Ngoài việc có kiến thức về chuyên môn là chưa đủ. Bởi với những bạn tự kỷ phải cần sự thấu hiểu và kiên nhẫn. Nếu như người bình thường mình có thể chỉ dẫn một lần là nhớ thì đối với các bạn tự kỷ thì luôn cần phải sát sao”.
Mô hình kinh tế đạt hiệu quả
Sau 6 năm triển khai, dự án đạt được những thành tựu nhất định. Hiện tại mô hình bao gồm: nhà hàng, siêu thị, hiệu sách… Tất cả đều được vận hành bởi các bạn tự kỷ. Các công việc đều được thiết kế phù hợp với khả năng và sở thích của từng người, giúp họ phát huy tối đa năng lực của mình.
Hiện tại, công ty có tổng cộng 8 nhân sự đều là các bạn mắc chứng tự kỷ. Mỗi ngày, VAPs chỉ nhận từng nhóm khách nhỏ dưới 10 người, có lịch hẹn trước để đảm bảo phục vụ được tốt nhất. Hầu hết khách hàng sau khi tới đây đều quay trở lại, cũng như giới thiệu thêm bạn bè đến trải nghiệm.
Chị Ngọc - một thực khách tham gia trải nghiệm ở VAPs chia sẻ: “Chị cũng là một phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ. Khi con dần lớn lên chị cũng muốn tìm cho con môi trường hoạt động để hòa nhập hơn. Đến nay thì chị cũng đã biết dự án được khoảng 3 năm, đây cũng không biết là lần thứ bao nhiêu chị quay trở lại tham gia trải nghiệm tại VAPs”.
Khác với nhiều mô hình hướng nghiệp dành cho người tự kỷ trên thế giới, tại VAPs, anh Trung cho biết đây là dự án kinh doanh có lợi nhuận nhằm tạo việc làm bền vững cho những người tự kỷ. Tại hệ thống, lương của những người tự kỷ được tính theo sản phẩm, ai cũng được "làm thật, ăn thật". Các bạn nhân viên ở đây cũng có môi trường làm việc chuyên nghiệp, có lương thưởng, chế độ đãi ngộ rõ ràng, có quyền và nghĩa vụ với công việc được giao.
Có một điều vô cùng đặc biệt là công ty của anh không nhận tiền hỗ trợ hay ủng hộ từ bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Mọi người muốn ủng hộ thì tham gia trải nghiệm sử dụng dịch vụ trả phí.
“Khi sáng lập dự án tôi cũng mong đó là cầu nối để kết nối các bạn tự kỷ với các doanh nghiệp. Bởi chỉ khi họ nhìn thấy họ mới tin đây là sự việc có thật. Vì vậy, việc mô hình phát triển và lan tỏa đến nhiều người biết hơn sẽ tạo thêm nhiều cơ hội dành cho các bạn tự kỷ”, anh Trung chia sẻ thêm.
Dự án đi vào hoạt động tạo cơ hội cho người tự kỷ được giao lưu, tiếp xúc với nhiều người khác, giúp họ nâng cao khả năng hòa nhập cộng đồng. Khi làm việc trong môi trường bình thường, người tự kỷ có cơ hội học hỏi cách ứng xử, giao tiếp với người khác, đồng thời, được rèn luyện tính tự lập, trách nhiệm…
Trong thời gian sắp tới, anh Trung chia sẻ mong muốn dự án được nhân rộng trên 63 tỉnh thành để từ đó mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng cho các bạn tự kỷ được hoà nhập và được cống hiến như một người bình thường.
Võ Ngân Giang
6/15/2024 4:52:04 PM
Mình muốn xin liên hệ và tham gia hoạt động của nhóm. Làm thês nào để kết nối với anh Trung? Giang 0912523868