Đây là hoạt động bên lề của Hội thảo Di sản Văn hóa sống và phát triển bền vững, thuộc khuôn khổ dự án Di sản Văn hóa. Chương trình hướng đến sự phát triển đồng đều của cộng đồng người, đồng thời nghiên cứu những cách thức sử dụng văn hóa địa phương để cải thiện cuộc sống của mọi người trên khắp thế giới.
Tới đây, khách tham quan được chiêm ngưỡng các di sản văn hóa của cộng đồng người Ba Na và người Chăm tại bốn làng: Mơ H’ra & K’Giang (cộng đồng Ba Na) ở tỉnh Gia Lai và Bàu Trúc & Mỹ Nghiệp (cộng đồng Chăm) ở tỉnh Ninh Thuận như: nghệ thuật làm gốm truyền thống, dệt thổ cẩm và âm nhạc dân tộc.
Thông qua các tư liệu đa phương tiện: hình ảnh và âm thanh, du khách có thể khám phá được các đặc điểm độc đáo của hai cộng đồng người, cũng như tinh thần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của họ.
Bạn Hoàng Mai Ngọc (21 tuổi) chia sẻ: “Mình là người yêu thích nghệ thuật, nhất là các tác phẩm mang hơi hướng truyền thống dân tộc. Mình thích không gian yên bình ở đây bởi nhờ đó mình có thể cảm nhận rõ nét hơn những gì ban tổ chức và các tác giả muốn truyền tải thông qua các tác phẩm. Là con người Việt Nam mình cảm thấy những chương trình như thế này rất ý nghĩa. Nó giúp chúng ta có thêm hiểu biết về đất nước, lịch sử và các văn hóa dân tộc".
Hoạt động của chương trình cũng nằm trong khuôn khổ UK/Viet Nam Season 2023, đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh – Việt Nam và 30 năm Hội đồng Anh có mặt tại Việt Nam.
“Kết nối Di sản” giới thiệu các kết quả của Chương trình Di sản Văn hóa hướng đến sự Phát triển đồng đều. Đây là một chương trình nghiên cứu hành động kéo dài 5 năm do Hội đồng Anh thực hiện. Chương trình sử dụng những cách tiếp cận sáng tạo giúp cộng đồng có thể hưởng lợi từ sự bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa địa phương. |
Phản hồi