Bạn Thu Minh (sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Mình đã sống ở chung cư này gần hai năm, vấn đề trật tự ở đây luôn được đảm bảo, cho tới khi có một nhóm tân sinh viên chuyển vào bên cạnh phòng mình. Ngày nào các bạn cũng nô đùa, nói chuyện rất lớn tiếng, đặc biệt là vào lúc 2h-3h00, rất ảnh hưởng tới thời gian nghỉ ngơi của mình”.
Anh Sơn (26 tuổi, Hà Nội) cho biết thời gian gần đây có nhiều bạn trẻ chuyển vào khu chung cư anh đang sinh sống, không chỉ gây ồn ào vào khoảng thời gian nghỉ ngơi của mọi người mà còn không giữ gìn không gian sống chung. Nhiều bạn không chỉ xả rác bừa bãi dưới tầng để xe mà còn để xe không đúng nơi quy định, khiến người đi sau phải dắt xe cho các bạn vì không còn chỗ trống để xe.
“Mình có góp ý với các bạn ấy nhiều lần rồi, mà các bạn ấy không rút kinh nghiệm. Nhiều lần mình mời cả ban quản lý tòa nhà tới giải quyết mà chỉ yên tĩnh được 1-2 ngày thôi, mấy ngày sau các bạn ấy lại làm ồn như trước” - Thảo Vân (sinh viên năm 3 Đại học Hà Nội) cho biết.
Tuy nhận được nhiều phản ánh tiêu cực đến từ người dân sống trong khu chung cư về tình trạng các bạn sinh viên chuyển tới gây mất trật tự và ảnh hưởng không gian sống chung, song ban quản lý toà nhà vẫn chưa có những phương án giải quyết triệt để vấn đề này.
Việc các bạn sinh viên gây mất trật tự nơi không gian sống chung để lại nhiều hậu quả tới sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của mọi người xung quanh. Những cư dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của vấn đề làm ồn trong thời gian dài sẽ không còn đủ năng lượng cho một ngày dài học tập và làm việc vì không được nghỉ ngơi đủ, không thể tập trung giải quyết công việc hay ôn tập cho những kì thi quan trọng ngay tại chính căn nhà của mình.
“Mình thì vừa phải đi học vừa phải đi làm cả ngày nên việc các bạn ấy làm ồn từ khuya tới sáng rất ảnh hưởng tới năng suất làm việc ngày hôm sau của mình” - Thảo Vân cho biết thêm.
Người dân trong tòa nhà cho biết ban quản lý cũng có nhắc nhở và cảnh cáo sẽ phạt tài chính cá nhân gây mất trật tự, tuy nhiên các bạn đều hầu như là tân sinh viên, chưa có việc làm ổn định nên quản lý tòa nhà chỉ mới dừng lại ở việc nhắc nhở, khiến tình trạng này vẫn chưa được dứt điểm.
Bên cạnh việc tập trung cải thiện cơ sở vật chất để phục vụ nhu cầu của các bạn sinh viên, các chủ nhà trọ, ban quản lý chung cư cũng cần quan tâm hơn tới vấn đề đảm bảo trật tự an ninh và chất lượng cuộc sống của những người dân xung quanh, hạn chế những rủi ro không đáng có giữa những mọi người trong khu chung cư.
Phản hồi