Danh mục Thứ Sáu, 20/09/2024

Tiêu điểm \

Podcast chửi thề: xu hướng độc hại mới trên mạng xã hội 

17:37 09-12-2023
Xa rời đời sống thực, thời gian gần đây, mang danh “chữa lành”, podcast với nhiều từ ngữ văng tục, chửi bậy đang trở thành trào lưu xấu trên TikTok. Đây là thực trạng đáng lo ngại trong giới trẻ hiện nay. 

Lượt tiếp cận lên đến hàng trăm nghìn người

Vài năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, điển hình là TikTok đã và đang làm thay đổi thói quen tiếp cận nguồn thông tin của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ lứa tuổi GenZ. Trong số đó, những video podcast chữa lành với nhiều từ ngữ “văng tục” - một hình thức truyền tải thông tin dưới dạng âm thanh đang nổi lên và trở nên phổ biến trên mạng xã hội.

Tháng 8/2023, một video với tiêu đề “Đơn giản thôi Podcast truyền động lực số đầu tiên” được đăng tải trên TikTok đã thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ. Video bắt đầu với một giọng đọc ấm áp nhưng kết thúc hai câu đầu tiên, Podcast xuất hiện những từ ngữ “phản cảm”. Đáng ngạc nhiên, video có tới gần 180 nghìn lượt yêu thích, 7.5 nghìn bình luận, hơn 17.3 nghìn tài khoản đã lưu lại video và gần 32 nghìn lượt chia sẻ. 

Không những vậy, rất nhiều người dùng Tiktok khác đã sử dụng lại âm thanh đó để tạo trend. Người xem cũng tỏ ra hào hứng với nhiều bình luận khen ngợi như: “Thích podcast chill như này”, “Nghe xong yêu đời hẳn”, “Thô nhưng mà vẫn chill”. Đây là vấn đề rất đáng báo động về chuẩn mực văn hóa, đạo đức. 

Những bình luận dưới một video podcast với rất nhiều từ ngữ nói tục, chửi bậy. (Ảnh: Chụp màn hình)

Anh Nguyễn Bá Khải (cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Bản thân tôi nghĩ rằng việc sử dụng những từ ngữ tục tĩu, chửi bậy để đưa vào những sản phẩm podcast mang danh ‘chữa lành’ trong các video TikTok là một việc làm phản cảm. Theo tôi, một sản phẩm có nội dung chữa lành phải là những sản phẩm có sức truyền cảm hứng, hướng con người ta tới cái đẹp, tới giá trị chân, thiện, mỹ, giúp mọi người nhận thức về những điều đúng đắn, vượt lên được những tổn thương tâm lý, thúc giục hành động sống và sống tích cực”. 

Theo anh Khải, với một số nhà sáng tạo nội dung đặc biệt là các bạn GenZ hiện nay có suy nghĩ sử dụng các từ nói bậy, chửi tục, tiếng lóng để giúp "gần gũi hoá" sản phẩm của mình với công chúng. Nhiều nhà sáng tạo nội dung đã lạm dụng điều này khi nói 1 câu thì có tới 3 từ chửi bậy, tục tĩu xuất hiện. 

Anh Khải nhấn mạnh: “Chúng ta dù làm gì, với mục đích gì đều cần đảm bảo tính đúng đắn, tính phù hợp với văn hoá, tính giáo dục trong 1 sản phẩm truyền thông”. (Ảnh: NVCC) 

Bạn Phương Anh (thường trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: "Tình trạng gen Z nói tục, chửi bậy hiện nay là rất phổ biến, đặc biệt là trên Tiktok. Hàng loạt content xuất hiện với nhiều từ ngữ ‘thô thiển’ tạo thành một thói quen xấu và lệch lạc. Nhiều khi lướt mạng xã hội, nghe được những từ ngữ của các bạn Gen Z, mình cũng phải ngỡ ngàng với việc sử dụng ngôn ngữ của các bạn ấy”.

Chị Quỳnh Liên (sinh sống tại Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có 2 con nhỏ, các cháu cũng đều đang ở độ tuổi phát triển và cũng thỉnh thoảng có dùng mạng xã hội. Tôi không ủng hộ cách sử dụng ngôn ngữ của một số bạn trẻ hiện nay vì đấy không chỉ thể hiện sự thiếu văn hoá của người sử dụng mà còn làm mất đi sự đẹp đẽ về ngôn ngữ của cả một dân tộc. Tôi cũng thường xuyên nhắc nhở con mình là phải xem những trang lành mạnh và thực sự giúp ích cho bản thân”.

Cần thay đổi văn hoá ngôn ngữ trên mạng ảo

Bởi sự tiện ích và dễ dàng sử dụng, Tiktok đã và đang phát sinh nhiều tác động tiêu cực đến môi trường mạng Việt Nam. Nền tảng mạng xã hội này xuất hiện không ít sản phẩm độc hại, chưa qua sàng lọc, có nội dung không phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên, trẻ em.

Bạn Đinh Diễm Quỳnh (sinh viên Học viện Bưu chính Công nghệ Viễn thông) bày tỏ quan điểm: “Sự phát triển của mạng xã hội là khách quan nhưng tiếp nhận như thế nào là tùy thuộc vào chủ quan mỗi người. Những gì chia sẻ trên mạng xã hội là sự phản ánh con người, tính cách, lối sống của bạn. Vì vậy, khi tham gia mạng xã hội, mỗi người trẻ nên là một người dùng thông minh, có văn hóa, rèn cho mình cách ứng xử, tương tác thật chuẩn mực”.

Bạn Đinh Diễm Quỳnh cho rằng việc sử dụng ngôn ngữ mạng như "con dao hai lưỡi", có thể dẫn đến việc giới trẻ sử dụng chệch hướng. (Ảnh: NVCC) 

Với cách thức đăng tải dễ dàng, những người trẻ thoải mái sáng tạo và đẩy nội dung lên tài khoản của mình mà không qua một bên phê duyệt nào. Bởi vậy, thời gian gần đây, TikTok xuất hiện rất nhiều video podcast mang danh “chữa lành” lên đến hàng trăm nghìn lượt yêu thích. 

“Sẽ thật nguy hiểm khi các sản phẩm chứa nội dung phản cảm như thế lên xu hướng, nhiều người xem trong đó có thế hệ trẻ, đặc biệt là trẻ em. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới tư duy sử dụng ngôn ngữ của người trẻ”, anh Khải nhấn mạnh.

Trước vấn đề này, anh Khải đề xuất: “Công chúng cần tẩy chay, phản hồi đối với các sản phẩm ‘rác’, các sản phẩm tục tĩu, đồi trụy, sai lệch văn hoá được phát hành, phát sóng công khai. Các nhà sáng tạo nội dung cũng cần có trách nhiệm đối với cộng đồng khi thực hiện tác phẩm. Theo đó, họ cần sáng tạo nội dung trong khuôn khổ pháp luật, văn hoá, giữ gìn những nét đẹp văn hoá, tôn vinh những câu chuyện đẹp gần gũi từ cuộc sống, chia sẻ những điều tích cực bằng những văn phong chuẩn mực, hình ảnh đẹp và tình cảm chân thành”.

Linh Chi - Báo In K41

Phản hồi