Khi áp lực cản bước tiến
Ngày 28/6 tới đây, các sĩ tử sẽ chính thức bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2023. Chỉ còn hơn 10 ngày để các em hoàn thiện lượng kiến thức và chuẩn bị sẵn cho mình một tâm lý vững vàng để “vượt vũ môn” một cách xuất sắc.
Với Vũ Vân Anh (học sinh lớp 12, Hà Nội), thời điểm “chạy nước rút” là khoảng thời gian khá áp lực của cô bạn vì thời gian biểu dày đặc:“Thời khóa biểu trên trường của em từ đầu tuần đến cuối tuần chi chít đều chỉ có Toán và Văn, cứ 3 tiết Toán rồi lại đến 2 tiết Văn… Cứ lặp đi lặp lại vòng luẩn quẩn như vậy trong 6 ngày 1 tuần. Vì thế, em cứ bị loanh quanh trong những luồng kiến thức đó”. Ngoài ra, peer pressure - áp lực đồng trang lứa cũng là tâm lý chung của Vân Anh và các sĩ tử khác: “Em cảm thấy những bạn xung quanh có trình độ khá cao, đặt nguyện vọng vào các trường top đầu..Em cũng tự hỏi chính mình tại sao bản thân không đạt đc kết quả cao hơn mà lại chỉ dừng lại trong phương án an toàn của mình. Nhiều khi em cũng tự nghĩ rồi tự gây áp lực cho bản thân” - Vân Anh chia sẻ thêm.
Không chỉ Vân Anh, bạn Hà Duy Anh (học sinh lớp 12, Quảng Ninh) cũng đang gặp áp lực với vòng quay điểm số của mình:“Em thấy khá áp lực với điểm số môn Toán của mình đặc biệt là sau kỳ thi thử vừa rồi, điểm đang khá đuối so với tưởng tượng của bản thân em. Ngoài ra, môn Sử cũng là một trong những môn tổ hợp mà em thấy lo vì lượng kiến thức quá dày, chỉ còn hơn 10 ngày nữa sợ cũng không đủ thời gian để chúng em ôn được hết”.
Đối mặt với muôn vàn những lý do dẫn đến áp lực tâm lý, các bạn học sinh tự nhận thấy bản thân đang gặp những vấn đề về sức khỏe và tinh thần: “Em cho rằng việc mình áp lực thì người bị ảnh hưởng đầu tiên chính là bản thân em. Em nhận ra trong suốt khoảng thời gian học lớp 12 và ôn thi là ‘“học tài thi phận’” nhưng điều khiến mình thắng người khác là ở tâm lý trong phòng thi” - Vân Anh cho biết.
Duy Anh cũng tâm sự:“Việc áp lực ảnh hưởng đến sức khỏe của em khá lớn vì tâm lý của mình không vững thì không chỉ hoạt động tinh thần suy yếu mà cả hoạt động thể chất cũng không thể nào vận hành một cách trơn tru được. Em là người thường xuyên học đêm và hay suy nghĩ nhiều nên có lúc thúc ép bản thân quá. Điều đó đôi khi khiến em thấy mình không còn năng lượng để học tập”.
Vượt qua trở ngại, vươn tới đỉnh cao
Để các sĩ tử thoát khỏi tình trạng trên, cần kịp thời thực hiện các biện pháp giúp giải tỏa áp lực, căng thẳng tâm lý. Đặc biệt, phải ưu tiên cho các biện pháp chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần và xây dựng một môi trường học tập lành mạnh.
Đối với Vân Anh, em lựa chọn giải pháp thay đổi môi trường học tập. Cô bạn chia sẻ: “Khi gặp áp lực và cảm thấy chán học, thay vì chỉ ngồi ở lớp hay ở nhà thì em thường tìm kiếm những không gian thoáng đãng hơn như quán cà phê hay thư viện. Việc thay đổi không gian học khiến em thoải mái hơn trong quá trình ôn thi”.
Bên cạnh đó, Vân Anh cũng bật mí thêm về giải pháp tạm ngừng việc học từ 15 - 20 phút để hít thở sâu và đi đâu đó để giải toả tâm trạng ức chế khi không thể tiếp nhận kiến thức. Điều này nhằm giảm áp lực nên não bộ, tạo khoảng trống để não bộ xử lý thông tin tốt hơn.
Duy Anh cũng tiết lộ: “Nên dành ít nhất 5 - 10 phút để nghỉ ngơi giữa các tiết học. Tốt nhất là nên có một giấc ngủ ngắn khoảng 20 phút để thư giãn đầu óc, giảm căng thẳng tâm lý và giảm tải kiến thức tiếp thu vào”.
Mỗi người đều có các đặc điểm riêng biệt về mặt tâm lý và thể chất. Vì vậy, khi áp dụng các biện pháp nhằm giảm căng thẳng, cải thiện sức khoẻ và giải tỏa áp lực tâm lý, các bạn học sinh cần tìm ra những biện pháp phù hợp và hiệu quả nhất đối với bản thân. Không nên quá lạm dụng hay tuyệt đối hoá bất kỳ phương pháp nào, sao cho việc ôn tập đạt được hiệu quả cao nhất.
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, hành trình “vượt vũ môn” của các sĩ tử sẽ chính thức khép lại. Vân Anh và Duy Anh hi vọng bản thân và các bạn thí sinh khác sẽ dành hết nỗ lực của mình trong 13 ngày còn lại. Chuẩn bị một tâm lý thật vững vàng, bình tĩnh, tự tin bước vào phòng thi để kết quả không khiến ta phải hối tiếc.
Phản hồi