Danh mục Thứ Bảy, 23/11/2024

Tiêu điểm \

"Bare minimum mondays" - Giảm thiểu lo âu hay "để dành" áp lực?

23:05 12-06-2023
Một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội tâm lý học Mỹ (APA) chỉ ra rằng áp lực liên quan đến công việc đang ngày càng gia tăng. Trong đó ngày thứ hai được cho là ngày mà người lao động căng thẳng nhất trong tuần. Có lẽ vì thế mà khái niệm Bare minimum mondays ra đời.

Xu hướng làm việc mới nổi.

Ngày Thứ hai đầu tuần từ lâu đã là một nỗi ám ảnh với nhiều người. 

Chị Hồng Minh, một nhân viên công sở chia sẻ: “Thú thực thì Thứ hai là một ngày đáng sợ đối với mình. Bởi vì vừa mới nghỉ ngơi cuối tuần xong nên mình luôn cảm thấy chưa sẵn sàng quay lại làm việc.” 

Nắm bắt được tâm lý chung này, xu hướng “Bare minimum Mondays” được tạo ra nhằm giúp ngày Thứ hai trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu hơn.

“Bare minimum Mondays” được được kết hợp giữa "bare minimum" - tối thiểu, và "monday" - ngày thứ Hai. Toàn bộ cụm từ có thể hiểu là Ngày Thứ hai tối thiểu. Khái niệm này mang ý nghĩa thay vì dồn toàn bộ công sức để làm việc nhiệt huyết vào ngày thứ Hai, ta sẽ chỉ hoàn thành công việc ở mức vừa đủ để hạn chế những áp lực và nguy cơ kiệt sức diễn ra vào đầu tuần. Đồng thời, đây cũng là một xu hướng được cho rằng sẽ giúp người lao động tận hưởng trọn vẹn hai ngày nghỉ cuối tuần khi không cần phải lo lắng về việc quay trở lại đi làm vào đầu tuần. Từ việc không làm việc quá “năng suất” vào ngày thứ hai, người lao động có thể “để dành” năng lượng và bước vào một tuần mới tràn đầy hứng khởi.

Bàn về Ngày thứ hai tối thiểu, ABC News nói rằng xu hướng này đang đại diện cho "sự hội tụ của các xu hướng thời đại dịch". Cụ thể, trong đại dịch, ranh giới giữa công việc và giải trí bị xóa nhòa khi người lao động có thể làm việc theo khung giờ tự do ở chính ngôi nhà của mình cũng như thoải mái thực hiện các hoạt động cá nhân khác. Thế nên khi trở lại văn phòng, nhiều người cảm thấy thất vọng, chán nản vì phải chấp hành theo những yêu cầu và nguyên tắc làm việc quen thuộc.

Bare minimum mondays được biết đến nhiều hơn qua tài khoản @itsmarisajo trên TikTok (nguồn Internet) 

Marisa Jo Mayes (29 tuổi) là người khởi xướng xu hướng này. Tính đến nay cụm từ #BareMinimumMondays đã thu hút gần 3 triệu lượt xem trên Tiktok. Trong một bài phỏng vấn với Insider, Mayes đã miêu tả cách cô ấy quan tâm đến bản thân hơn trong ngày thứ hai tối thiểu: “Tôi sẽ đọc một vài thứ, viết nhật ký hoặc làm một vài việc nhà. Ngoài ra tôi dành ra 2 giờ không công nghệ, bao gồm không kiểm tra email và chỉ làm những thứ tôi muốn làm để cảm thấy tốt nhất khi bắt đầu một ngày mới.”

Có thật là sau “thứ hai”, ngày mai sẽ làm việc hiệu quả hơn?

Người ta thường nói “đầu xuôi thì đuôi lọt”, vậy ngay từ đầu tuần đã làm việc nhẹ nhàng, giữ sức thì liệu những ngày tiếp theo sự hứng khởi trong công việc có được tăng lên hay không?

Việc áp dụng Ngày thứ hai tối thiểu tức là người lao động sẽ chỉ làm những công việc đơn giản, dễ dàng và đồng nghĩa rằng họ sẽ phải để lại những công việc còn tồn đọng cho các ngày tiếp theo hoặc là giao lại cho những người khác. 

Trong một khảo sát gần đây của trang Real Research, nhiều người tỏ ra quan ngại với xu hướng làm việc mới này. Cụ thể 21,69% lo ngại xu hướng có thể dẫn đến trì hoãn và giảm năng suất, trong khi 13,65% cho rằng năng suất giảm có thể tác động tiêu cực đến cả tuần làm việc. Ngoài ra còn một số ý kiến khác như khả năng bỏ lỡ cơ hội (11,98%), lãng phí thời gian (10,90%) và không hoàn thành đúng thời hạn (11,92%). 

Bạn Minh Phương - Content Creator cho rằng việc áp dụng xu hướng này có thể khiến nhiều người cảm thấy mất động lực, lơ là trong việc hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng và ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Đồng thời theo quan điểm cá nhân, Minh Phương nghĩ rằng việc này có thể khiến căng thẳng tăng dần theo ngày vì bạn chưa thể hoàn thành được công việc ngay trong ngày đầu tiên làm việc.

Dường như Ngày thứ Hai tối thiểu chỉ có khả năng khắc phục vấn đề tạm thời còn hậu quả kéo theo là tạo ra hiệu ứng dây chuyền khiến người lao động phải làm việc quá sức trong thời gian còn lại của tuần.

 “Bare minimum mondays” nên hay không nên?

Nhiều nhà tâm lý học và người làm công tác nhân sự nhận định “Bare minimum mondays” không phải là một phương pháp hiệu quả và bền vững. Nó sẽ chỉ là một cơ chế đối phó, giúp ta bớt ghét công việc của mình hơn.

Hơn thế nữa xu hướng làm việc này không dành cho tất cả các ngành nghề, đặc biệt là các lĩnh vực đòi hỏi cường độ làm việc liên tục và năng suất mỗi ngày trong tuần đều ngang nhau, ví dụ như những người làm trong Truyền hình hay làm giáo viên, bác sĩ... Các chuyên gia về lao động cũng cho rằng Bare minimum mondays không thiết thực với phần đông người lao động làm việc tại các công sở, do họ phụ thuộc thời gian và công cụ làm việc vào các công ty. Bản thân Marisa người tạo ra xu hướng cũng công nhận rằng lý do cô có thể thực hành Bare minimum mondays là bởi cô làm việc tự do, chưa có gia đình, và hoàn toàn có thể làm việc tại nhà, trong khi nhiều người không có điều kiện để làm như vậy.

Hồng Giao (MC/BTV tại VTV) chia sẻ quan điểm về “Bare minimum Mondays”: “Mình nghĩ xu hướng này chỉ nên được áp dụng với những người có tính kỷ luật cao trong công việc. Bởi nếu ngày thứ hai đã làm việc thư thái thì những ngày sau đó bắt buộc phải làm việc nghiêm túc và hiệu quả hơn. Ngoài ra việc phổ biến “Bare minimum Mondays” có khả quan hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như văn hóa công ty, doanh nghiệp hay là phong cách làm việc của từng cá nhân.”  

Đồng thời, với kinh nghiệm từng làm trưởng nhóm phòng Marketing tại một công ty, Hồng Giao cũng luôn mong muốn mọi người trong nhóm của mình sẽ cùng ngồi lại vào ngày thứ hai để đánh giá, nhìn nhận về các kết quả làm được trong tuần vừa rồi từ đó có thêm động lực bắt đầu tuần mới. Vì vậy, né tránh ngày thứ hai chưa chắc đã là một giải pháp lý tưởng. Thay vào đó, Hồng Giao đề xuất mọi người có thể thực hiện tăng cường ngày Chủ nhật thay vì giảm thiểu ngày Thứ hai - tức là nghỉ ngơi hiệu quả trong 2 ngày cuối tuần để có đủ năng lượng bắt đầu làm việc trong ngày thứ hai. 

Những bất lợi của Ngày thứ hai tối thiểu không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của cá nhân người lao động mà còn tác động không hề nhỏ đến “lợi nhuận và sự duy trì của công ty” - theo Joe Galvin - Giám đốc nghiên cứu của Vistage (tổ chức cố vấn và huấn luyện CEO lớn nhất thế giới dành cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp).

Để đảm bảo được hiệu quả công việc và hạn chế những áp lực thì cần có sự phối hợp giữa cả người lao động và các nhà lãnh đạo. (nguồn ảnh Internet) 

Để có thể hạn chế những nhược điểm của “Ngày Thứ hai tối thiểu” nhân viên và những người lãnh đạo công ty, doanh nghiệp cần trao đổi với nhau để tạo ra một môi trường làm việc hài hòa. Các nhà lãnh đạo có thể quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của nhân viên bằng cách bổ sung những ngày nghỉ phục hồi năng lượng, các khoảng nghỉ giữa giờ, các hoạt động giải trí ngoài giờ… Cùng với đó, nhân viên cũng cần có trách nhiệm đáp ứng các yêu cầu của công việc bằng khả năng tốt nhất của mình, chủ động lên kế hoạch và hoàn thành công việc. Đó chính là những yếu tố tiên quyết cần đảm bảo nếu muốn thực hiện Ngày thứ hai tối thiểu một cách hiệu quả và phù hợp.

Những việc làm giúp ngày Thứ hai không còn “đáng sợ”

Nghỉ ngơi, thư giãn tối đa trong 2 ngày cuối tuần

Lên kế hoạch trước cho ngày Thứ hai

Dành ra khoảng 10p đọc một cuốn sách yêu thích cùng một tách cà phê trước khi làm

Ăn sáng đầy đủ

Bắt đầu ngày mới bằng một bài nhạc bạn thích

30 phút đi bộ / chạy bộ/  yoga 

Tự chiêu đãi bản thân một món ngon sau khi hoàn thành công việc

 

Hà Linh

Phản hồi