Khi một bộ phim đóng máy, khoảng 95% vật liệu được sử dụng trong quá trình làm phim bị chuyển ra bãi rác. Bên cạnh số rác thải khổng lồ, ngành công nghiệp điện ảnh còn sản sinh ra một lượng khí carbon cao kỷ lục, gây ô nhiễm nguồn nước, phá huỷ hệ sinh thái tự nhiên nơi được chọn làm bối cảnh phim… Điều này đã góp phần biến ngành công nghiệp làm phim và truyền hình trở thành ngành công nghiệp gây ô nhiễm thứ 2 trên thế giới (theo bảng xếp hạng các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất trên thế giới năm 2006).
Từ câu chuyện làm phim bền vững trên thế giới
Đối mặt với những thách thức về môi trường, phong trào làm phim xanh ra đời như một điều tất yếu. Thông qua các hành động đơn giản như tái sử dụng chai lọ hoặc lập ra các đội “nhặt rác”, nhiều nhà sản xuất phim đang dần biến những điều không thể thành có thể để tiến tới một ngành công nghiệp điện ảnh bền vững cũng như tôn trọng hệ sinh thái của những nơi được chọn làm địa điểm quay phim.
Hiện nay trên thế giới, nhiều hãng phim và truyền hình đã có những sáng kiến trong lĩnh vực phát triển bền vững, có thể kể đến như: Universal Pictures, Walt Disney Pictures, Warner Bros.,... Ví dụ trong “The Amazing Spider-Man 2”, 49,7 tấn vật liệu được dùng để quyên góp hoặc tái sử dụng, 193.000 chai nước nhựa dùng một lần được tiết kiệm và 52% tỷ lệ chuyển đổi từ các bãi rác. Quá trình sản xuất không chỉ giảm lượng rác thải mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng bằng cách quyên góp 5.862 bữa ăn cho những nhà tạm trú tại địa phương. Đồng thời cũng giúp khôi phục, trồng cây ở Công viên East River tại New York, một trong những địa điểm quay phim đã bị hư hại trong cơn bão Sandy. Đoàn làm phim cũng đã “chiêu mộ” hẳn một nhà quản lý sinh thái để giám sát, thực thi và ghi lại các hoạt động bền vững trên trường quay.
Cùng với các giải pháp của chính phủ nhằm thúc đẩy việc bảo vệ môi trường, điện ảnh xanh đang được nghiên cứu và áp dụng ngày càng nhiều trong nền công nghiệp nghe nhìn. Nhiều cuộc thi, dự án hướng tới thông điệp “phim xanh - môi trường đẹp” đã được phát động trên toàn thế giới. Năm 2017, Liên minh Châu Âu đã khởi động dự án “Green Screen” (Màn ảnh xanh), có thời hạn 5 năm và kinh phí 2,2 triệu euro. Dự án khuyến khích các công ty sản xuất phim và truyền hình, các nhà cung cấp áp dụng biện pháp xanh, đào tạo nhân viên và tạo việc làm mới liên quan đến làm việc bền vững. Năm 2022, dự án đã được đề cử tại lễ trao giải “Maker & shakers AWARDS” với hạng mục Sustainability Award Category (Hạng mục Giải thưởng Bền vững).
Tại Việt Nam, nhiều nhà sản xuất phim nỗ lực để sản xuất những bộ phim có nội dung xanh, nhằm góp phần giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng và tổ chức phi chính phủ cũng dành sự quan tâm và hỗ trợ cho việc phát triển dòng phim đặc biệt này. Cuộc thi Phim ngắn “Màn ảnh xanh” gây được sự chú ý với những người yêu điện ảnh và quan tâm tới môi trường. Đây là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Chiến dịch “Màn ảnh xanh Việt Nam: Đường đến phát triển bền vững” mà Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) phát động vào tháng 1/2022.
Đến “Vượt thành Axima” cùng nhóm bạn trẻ yêu điện ảnh tại Việt Nam
Người trẻ là một trong những nhóm đối tượng rất quan tâm và ủng hộ dòng phim xanh tại Việt Nam. Đặc biệt là những người trẻ có ý thức bảo vệ môi trường, họ thường tìm kiếm những sản phẩm phim có nội dung thân thiện với môi trường để truyền tải thông điệp và tác động đến ý thức cộng đồng.
Với chủ đề “Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững”, cuộc thi phim ngắn “Màn ảnh Xanh” được đánh giá là một hành động thiết thực, cụ thể và ý nghĩa, góp phần bảo vệ môi trường thông qua những tác phẩm điện ảnh, tạo sân chơi cho những nhà làm phim quan tâm tới lĩnh vực xanh. Cuộc thi đã ghi nhận nhiều sản phẩm chất lượng, chứa đựng tinh thần và thông điệp sâu sắc, trong đó có nhóm bạn trẻ đến từ Hà Nội với tác phẩm làm từ rác “Vượt thành Axima”. Đây là tác phẩm đầu tay của nhóm các bạn trẻ trong Sở thú Studio, kể về hành trình đi cứu mầm cây của Max và một con nhện trong bối cảnh trái đất không còn mặt trời.
Được đánh giá cao về ý tưởng, thông điệp cùng quá trình sản xuất độc đáo, “Vượt Thành Axima” đã xuất sắc giành giải Ba chung cuộc tại cuộc thi “Màn Ảnh Xanh”. Sở Thú Studio cũng đã giới thiệu bộ phim đến đông đảo khán giả vào ngày 16/10/2022 tại Hà Nội. Chia sẻ với phóng viên, đạo diễn Khuê Nguyễn cho biết, “để hoàn thành bộ phim “Xanh từ ý tưởng đến sản xuất”, ekip đã đi khắp nơi tìm kiếm và chọn lựa các vật liệu như: xốp nhặt từ bãi rác, bã cafe xin lại từ quán, giấy báo hay xỉ than đã dùng từ các quán nướng… Thiết bị quay dựng cũng được đoàn phim tận dụng các “đạo cụ” gắn liền với đời sống sinh hoạt: chổi lau nhà (làm thanh giữ máy quay), bình nước…”
Đoàn làm phim cũng cho biết quá trình làm phim xanh thật sự không hề dễ dàng, đặc biệt với nhóm làm phim sinh viên như Sở Thú Studio “vì là dự án sinh viên nên nhóm cũng gặp khó khăn về tài chính. Nhóm đã hạn chế nhất việc mua đồ mới và đẩy mạnh việc tận dụng phế liệu, tuy kinh phí được tiết kiệm nhưng thời gian thi công lại tốn, phải tỉ mỉ từ khâu chọn lựa vật liệu, làm đồ handmade, cho đến lúc diễn hoạt”. Tuy gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, nhưng nhóm bạn trẻ tin rằng sức mạnh của điện ảnh là sức mạnh lan tỏa và mong muốn tạo ra những bộ phim hay để gieo hạt giống bảo vệ môi trường cho mọi người.
Không dừng lại sau thành công đầu tiên với dòng phim mới lạ ấy, nhóm bạn trẻ quyết định tiếp tục phát triển, cũng như lan tỏa xu hướng làm phim “xanh” đến điện ảnh Việt Nam. Sở Thú Studio đã xây dựng mình là một xưởng phim sản xuất phim hoạt hình tái chế: Tái chế rác thải, sử dụng các vật liệu, thiết bị làm phim thân thiện với môi trường.
Tiềm năng phát triển của dòng phim xanh
Sau buổi giao lưu “điện ảnh xanh, hoạt hình tái chế”, Sở Thú Studio đã nhận được nhiều tình cảm, sự ủng hộ từ phía khán giả và những bạn trẻ quan tâm đến môi trường. Bản tin “Các bạn trẻ “Hà Nội” biến rác thành phim hoạt hình” được thực hiện bởi Việc Tử Tế VTV24 đã đạt 17 nghìn lượt tương tác cùng nhiều bình luận phản hồi tích cực.
Đánh giá về xu hướng làm phim xanh, nhiều bạn trẻ thể hiện sự thích thú và mong muốn phương thức sản xuất này được phát triển mạnh mẽ. “Là một người đam mê phim ảnh, mình cũng có tìm hiểu đến khâu hậu kỳ và sản xuất của các bộ phim. Mình cực kỳ bất ngờ khi biết được sự lãng phí và ô nhiễm sau khi đóng máy của các đoàn làm phim để lại cho môi trường. Nên lúc biết điện ảnh xanh trở thành xu hướng mới của ngành công nghiệp điện ảnh, mình khá mong chờ. Đặc biệt là khi ở Việt Nam cũng đã có nhiều người bắt đầu phát triển theo hướng làm phim bền vững như này” - Bạn Khải An háo hức chia sẻ.
Có thể thấy, với những ưu điểm vượt trội và trên hết là sự thân thiện với môi trường, điện ảnh xanh được kỳ vọng sẽ là xu hướng làm phim bền vững và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Phản hồi