Danh mục Thứ Hai, 25/11/2024

Tiêu điểm \

Nhìn nhận thực tế, tiếp tục nâng cao chất lượng của xe buýt Hà Nội để thu hút hành khách

23:06 01-12-2023
9 tháng đầu năm 2023, vận tải công cộng Hà Nội mới đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu đi lại của hành khách, đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này.

Thực trạng xe buýt Hà Nội hiện nay

Tại buổi tọa đàm “Xe buýt thủ đô cần làm gì để nâng cao chất lượng” diễn ra vào ngày 17/11, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay mạng lưới xe buýt Hà Nội có 154 tuyến đang hoạt động, 132 tuyến trong đó là trợ giá, tổng số lượng phương tiện vận hành lên tới 2000 xe (13% là xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch), sản lượng hành khách 9 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 350 triệu lượt, tăng 58,9% so với cùng kì năm ngoái.

Cũng theo ông Phương, kết quả khảo sát mức độ hài lòng của hành khách trên ứng dụng Busmap Hà Nội chỉ ra tỉ lệ khách hàng hài lòng với Vinbus là 90%, xe buýt truyền thống là xấp xỉ 80%. Đây là số liệu trực quan cho thấy hành khách đang ngày càng có thiện cảm hơn với xe buýt.

Chị Hoài Linh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ sự hài lòng về xe buýt: “Mình thấy so với mức giá tiền thì chất lượng phục vụ của xe buýt hiện tại tương đối tốt. Ngày càng có thêm nhiều tuyến buýt và trạm dừng để phục vụ cho người dân."

Xe buýt đón trả khách tại một điểm dừng trên đường Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh: Gia Minh) 

Xe buýt còn nhiều vấn đề gây bức xúc

Mặc dù số lượng hành khách tăng đáng kể, song xe buýt Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 19,5% nhu cầu đi lại của người dân, ông Thái Hồ Phương nói thêm: “Mức tăng này chưa đạt kì vọng, để hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2025 xe buýt sẽ đáp ứng 30 - 35% nhu cầu còn gặp rất nhiều thách thức và khó khăn."

Quả thực không hề dễ dàng để đạt được mục tiêu nêu trên nếu như không xử lí triệt để những vấn đề tồn đọng của xe buýt. Nếu dành thời gian đọc qua những trang fanpage hay các hội nhóm về xe buýt, không khó để bắt gặp những phản ánh tiêu cực của hành khách. Nội dung mà họ phàn nàn chủ yếu là thái độ không đúng mực của nhân viên phục vụ; xe phóng nhanh vượt ẩu, bỏ điểm dừng hay phải chờ quá lâu,...

Một phản ánh tiêu cực về xe buýt trên mạng xã hội. (Ảnh: Chụp màn hình)

Chị Bích Ngân (Hà Nội), một người thường xuyên đi xe buýt chia sẻ: “Đầu tiên là vấn đề phân bổ các điểm dừng. Một số xe buýt chuyên đi qua các nơi có lượng khách đông như trường học, bệnh viện khi vào giờ cao điểm thường xuyên bị quá tải khách, tới điểm đỗ chậm hơn 15 - 30 phút so với dự kiến. Vấn đề tiếp theo là thái độ phục vụ của tài xế và phụ xe chưa chuẩn mực. Một số người có thái độ trịch thượng, bất lịch sự hay thậm chí thiếu tôn trọng đến hành khách, đặc biệt là người lớn tuổi. Cuối cùng là về chất lượng cơ sở vật chất, xe của nhiều tuyến đã quá cũ, ghế, cửa lên xuống hay tay nắm ọp ẹp."

Chị An Hà, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội lại có góc nhìn tích cực hơn đối với xe bus: “Không phải xe nào cũng tệ, có xe phục vụ rất tốt nhưng cũng có xe không, gây cảm giác khó chịu cho khách hàng. Nếu tốt rồi thì tôi muốn họ tiếp tục phát huy, còn chưa tốt thì nên có những biện pháp từ nhắc nhở đến răn đe ý thức phục vụ của từng nhân viên”.

Giải pháp nào để nâng cao chất lượng xe buýt Thủ đô?

Ông Thái Hồ Phương cho biết những giải pháp thu hút hành khách mà Trung tâm Quản lí Giao thông công cộng Hà Nội đã, đang và sắp thực hiện là tái cấu trúc mạng lưới xe buýt như: sắp xếp điều chỉnh lại các điểm dừng đỗ, chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu xăng dầu sang nhiên liệu sạch và điện, đưa vào sử dụng các phương tiện cỡ nhỏ, xây dựng các làn đường ưu tiên cho xe buýt; thực hiện chuyển đổi số trên dịch vụ vận tải công cộng như thí điểm thẻ vé xe buýt điện tử và xu trên một số tuyến xe buýt từ cuối tháng 11, thành lập các kênh đánh giá chất lượng dịch vụ trực tiếp và gián tiếp; cải thiện chế độ đãi ngộ cho công nhân lái xe và nhân viên phục vụ xe buýt để nâng cao thái độ phục vụ.

Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt. (Ảnh: Transerco) 

Để thuận lợi hiện thực hóa được những giải pháp trên, các cơ quan ban ngành cần có sự hỗ trợ, chung tay của hành khách và của toàn xã hội. Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus Nguyễn Công Nhật nhận định: “Muốn xe buýt đi nhanh hơn, dịch vụ hấp dẫn hơn cần những ưu tiên về cơ chế chính sách, từ trợ giá, ưu tiên về hạ tầng... Nhưng để đạt được điều đó, cần sự đồng hành của cộng đồng, cần những giải pháp đồng bộ."

Gia Minh - Báo In K41

Phản hồi