Danh mục Thứ Hai, 25/11/2024

Tiêu điểm \

Mua sắm online không kiểm soát - Vấn nạn của giới trẻ

18:02 01-12-2023
Mua sắm trực tuyến đã và đang là một lựa chọn hàng đầu cho người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, trong nhiều đợt sale lớn tại những sàn thương mại điện tử, việc chi tiêu cho nhiều món đồ giá thành rẻ đôi khi lại trở thành thói quen xấu gây ra nhiều hậu quả.

Mua sắm “vô tội vạ”

Theo một nghiên cứu của Influencer Marketing Hub (2022), với hơn với 84% Gen Y (nhóm người được sinh vào khoảng thời gian từ 1981 đến năm 1996) nói rằng nội dung từ KOL (những chuyên gia hoặc những người được đánh giá cao và có tiếng nói, tầm ảnh hưởng trong một lĩnh vực, ngành nghề nhất định) thường chi phối đến cách họ tiêu tiền.

Buổi livestream bán hàng trên tiktok shop của các hot tiktoker thu hút hàng nghìn người xem và đem về doanh thu khủng. (Ảnh: Chụp màn hình) 

Nói về sự tác động của KOL đến quá trình đưa ra quyết định mua hàng của mình, bạn Trần Hải Yến (21 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Đôi lúc, lướt MXH và xem được một vài bài post hay video review về sản phẩm nào đó tốt, và được KOL uy tín chia sẻ, mình thường không ngần ngại mà mua ngay để trải nghiệm."

 Hải Yến thường bị thuyết phục bởi “tiếng nói” của những người có ảnh hưởng nên cô bạn chi tiêu nhiều hơn khi xem được các đề xuất từ KOL. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của Internet, mua sắm online cũng trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. Mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần vài cú click chuột là người tiêu dùng đã có thể mua hàng. Cũng vì thế mà nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng tăng. Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023, được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố, ước tính Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người mua sắm hàng hóa trực tuyến hàng tuần ở mức trên 60%, cao hơn mức trung bình toàn cầu 57,6%.  

Sàn TMĐT với giao diện bắt mắt cùng nhiều hình thức thanh toán tiện lợi: thanh toán khi nhận hàng, mua trước trả sau theo kỳ,... (Ảnh: Chụp màn hình) 

Sự tiện lợi trong hình thức thanh toán cùng những ưu đãi đặc biệt là lý do giúp cho shopping online trở thành hình thức mua sắm được nhiều người ưa chuộng. Bạn Nguyễn Thị Cẩm Lệ thường xuyên mua hàng online chia sẻ (20 tuổi, Nam Định): “Mình thường mua sắm trên các sàn TMĐT, khi thấy sản phẩm nào trong giỏ hàng có mã giảm giá, miễn phí vận chuyển thì mình sẽ mua rất nhanh dù cho sản phẩm đó mình chưa dùng đến ngay."

Cẩm Lệ thường đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng khi các sản phẩm được giảm giá. (Ảnh: NVCC) 

Một phút bốc đồng để rồi nhận về nhiều trái đắng

Mua sắm những thứ không thuộc nhu cầu của bản thân khiến nhiều bạn trẻ loay hoay với bài toán chi tiêu. “Mình luôn tự dặn lòng phải chi tiêu cẩn thận, nhưng chưa hết tháng thì mình đã hết tiền. Để cầm cự đến khi có lương, giải pháp của mình là đi vay bạn bè hoặc về quê với bố mẹ. Những lúc như vậy, nhìn lại đống đồ đã mua mình cảm thấy khá hối hận”, bạn Nguyễn Thị Tuyết Trinh (19 tuổi, Hà Nội) tâm sự.

Không chỉ lãng phí tiền bạc vì những món đồ mua không mục đích, nhiều người tiêu dùng trẻ còn lãng phí cả sức khoẻ và thời gian cho những đợt săn đồ giảm giá, chỉ để đổi lại cảm giác hưng phấn khi sở hữu một món đồ mới. Dù biết hậu quả của việc thức khuya song Tuyết Trinh vẫn khó từ bỏ thói quen săn sale lúc nửa đêm: “Biết thức khuya nhiều thì không tốt cho sức khỏe nhưng vào những ngày sale lớn, mình vẫn thường thức đến 2 giờ sáng để mua đồ. Chỉ khi mua được đồ với giá hời nhất thì mình mới cảm thấy vui và yên tâm đi ngủ”. 

Bên cạnh đó, việc mua quá nhiều quần áo, giày dép,… giá rẻ để thoả mãn nhu cầu “sống ảo” mà không tính đến việc sử dụng lâu dài còn tác động xấu đến môi trường. Cơ quan Môi trường châu Âu EEA chỉ ra rằng, việc sản xuất các loại vải tổng hợp như polyester, nylon là một quy trình tiêu tốn nhiều năng lượng và giải phóng khí CO2. Hơn nữa, những loại vải này khi phân hủy sẽ tạo thành vi nhựa gây ô nhiễm đại dương.

Chưa kể đến việc mua hàng qua lời quảng cáo mà không có sự kiểm chứng kỹ càng cũng dẫn đến nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Nói về trải nghiệm mua hàng trên mạng của mình, bạn Hải Yến chia sẻ thêm: “Mới tuần trước, mình có tình cờ xem được video review của một bạn tiktoker về quần ống suông, thấy khá đẹp nên mình cũng đặt mua. Nhưng khi nhận hàng mình thật sự thất vọng vì chất lượng quần quá tệ và đến bây giờ thì chiếc quần ấy vẫn nằm trong góc tủ của mình và chưa được xé mác."

 Theo Yến nhận xét quần bên ngoài có màu đậm hơn trên ảnh, chất vải mỏng, nhiều chỉ thừa và đường may không chắc chắn. (Ảnh: NVCC)

Để không phải nhận những “trái đắng” do hành vi mua sắm bốc đồng, người trẻ nói riêng và người tiêu dùng nói chung nên học cách quản lý tài chính cá nhân, rèn luyện tính kỷ luật đồng thời hiểu rõ, sâu sắc về nhu cầu của bản thân.

“Không nên chi tiêu theo xu hướng mà hãy chi theo ý đồ của mình. Phải giữ bằng được trong thế giới hiện đại này là kỷ luật tài chính. Chỉ có một thái độ đúng trong chi tiêu đó là chi tiêu trên nền tảng tiết kiệm, nó nằm giữa bần tiện và hoang phí, cái gì cần tại sao không tiêu, còn không cần một xu cũng chào.”

Theo Chuyên gia tài chính Lê Thẩm Dương

Huyền Minh - Báo in K41

Phản hồi