Sau khi tốt nghiệp phổ thông, NSNA Trần Hồng khi ấy mới chỉ là một chàng thanh niên trẻ, đã tham gia bộ đội như bất kì chàng thanh niên nào thời kỳ những năm 1967 - 1968. Sau khi vào chiến trường được hai năm, ông được cử đi học khóa báo chí dài hạn đầu tiên ở Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và làm việc tại báo Quân đội nhân dân. Nhưng từ bấy cho đến nay, cũng chỉ có ông mới là người chụp được nhiều hình ảnh nhất, đẹp nhất về cuộc đời của một vị Tổng tư lệnh đáng kính. Gia tài hình ảnh đồ sộ “ghi chép” lại cuộc đời Đại tướng của NSNA Trần Hồng lên đến gần 2000 bức ảnh, cùng với một số cuộc triển lãm về vị tướng huyền thoại của dân tộc.
Trong căn phòng làm việc bé xíu mà chật ních những bức ảnh to, nhỏ, từ treo trên tường cho đến đóng khung để bàn. Những tấm ảnh chụp tướng Giáp xếp thành hàng chục tệp ngay ngắn, được người nghệ sĩ ấy để trong thùng cất giữ cẩn thận. Nhưng nổi bật là bức thư nhỏ, ghi vài lời khen ngợi trước đây Đại tướng từng tặng cho ông. “Đại tướng viết rất nghệ thuật, rất ý tứ văn thơ”, NSNA Trần Hồng ngắm nhìn lá thư, trầm ngâm.
Dù đã có nhiều năm rong ruổi từ chiến trường, chiến khu cho tới nơi sinh hoạt hàng ngày để lưu giữ hàng trăm tấm ảnh về Đại tướng, song NSNA Trần Hồng lại không cho rằng đó là cơ duyên trời định: “Nhiều người nghĩ tôi may mắn nhưng tôi lại không cho rằng như vậy, may mắn chỉ đến với những ai yêu nghề. Đó cũng là sự bền bỉ, nỗ lực, cố gắng mà tôi theo đuổi để ghi lại những hình ảnh về Đại tướng”.
Trong suốt hành trình theo chân Đại tướng từ những ngày dầm mưa tầm tã trên miền núi Cao Bằng, cho đến những ngày bình dị trong căn nhà riêng ở Hoàng Diệu, nghệ sĩ Trần Hồng đã có không ít những kỉ niệm đáng nhớ cùng người mà ông đã dành cả đời để “theo đuổi sự nghiệp” ấy. Có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô tình hỏi ông: “Quân hàm của cậu sao cũ thế?”. Ông chột dạ, sợ Đại tướng chê mình chậm tiến bộ hay có khuyết điểm gì rồi nên mới không được thăng cấp quân hàm, vì vậy mà quân hàm cũ. Mất vài giây trấn tĩnh, NSNA Trần Hồng mới đáp: “Thưa Đại tướng, tôi đeo quân hàm này (Trung tá) đã hơn 7 năm. Đồng chí Vũ Đạt, thủ trưởng ảnh các phóng viên báo Quân đội nhân dân cũng thế. Đồng chí ấy từng chiến đấu ở Quảng Trị, tốt nghiệp Đại học Báo chí xuất sắc, được tặng thưởng Huân chương Lao Động. Năm nào anh em chúng tôi cũng có bằng, giấy khen… Thưa Đại tướng, phóng viên ảnh báo Quân đội nhân dân rất yêu nghề, nhưng cũng rất bức xúc…” Chưa kịp dứt lời, Đại tướng đã hỏi ngay: “Vì sao?”, lúc này, ông mới e dè: “Dạ thưa Đại tướng, cấp trên quy định: Các phóng viên ở báo Quân đội nhân dân hoàn thành nhiệm vụ có thể phong hàm Đại tá, phóng viên ảnh trần (cao nhất) là Trung tá. Tôi thấy không công bằng”. Bằng nét mặt bình thản, Đại tướng mới gọi ông ngồi gần lại, bằng giọng rất Quảng Bình: “Từ chiến sĩ lên Trung tá ít nhất 10 lần cậu được phong quân hàm, thế là cậu tiến bộ hơn tớ”. Đại tướng cười vang, đứng dậy đút tay túi quần, đi vài bước ngoái lại cười hóm hỉnh: “Tớ duy nhất chỉ một lần được phong quân hàm năm 37 tuổi, không thắc mắc thì thôi”.
Và NSNA Trần Hồng có lẽ cũng khó có thể quên được, một ngày đông tháng 12 năm 1995, khi ông tổ chức buổi triển lãm về chân dung người mẹ Việt Nam tại số 45 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đại tướng đứng giữa phòng mà hỏi ông: “Đồng chí Trung tá, phóng viên báo Quân đội nhân dân nói cho tôi biết. Trong triển lãm này đồng chí thích nhất ảnh nào?”. Ông đáp: “Dạ thưa Đại tướng, tôi thích tất cả. Vì tất cả là của tôi ạ!”. Nhưng ngừng trong chốc lát, dưới ánh nhìn trìu mến của Đại tướng, ông mới tiếp lời: “Và tôi chịu trách nhiệm đến tận cùng từng bức ảnh ạ”. Lúc này, Đại tướng mới cười vang, khen ngợi: “Đúng là phóng viên báo Quân đội nhân dân có khác!”.
Sau khi Đại tướng qua đời, với tấm lòng tri âm, người nghệ sĩ ấy đã miệt mài chọn lọc 103 bức ảnh (tượng trưng cho 103 tuổi hạc của Đại tướng) theo từng chủ đề khác nhau, xuất bản thành cuốn “Tôi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Cuốn sách ấy không chỉ là “người ký giả” hồn cốt của lịch sử, mà còn là một tác phẩm báo chí - nghệ thuật đầy đặc sắc và độc đáo, lưu dấu mãi với thời gian. “Trong loạt ảnh ấy tôi tâm đắc nhất là những hình ảnh hồi Đại tướng còn sống tại căn nhà số 30 phố Hoàng Diệu (Hà Nội). Khác với những hình ảnh đầy chất lính, cái tôi muốn thể hiện hơn cả là những hình ảnh của ông đời thường. Những lúc ông đánh đàn pi-a-nô, ngồi thiền, tập dưỡng sinh, viết nhật ký, được con cháu vây kín xung quanh…”, NSNA Trần Hồng chia sẻ.
Có một lần nhân dịp 50 năm kể từ khi tốt nghiệp tại Trường Tuyên huấn Trung ương, NSNA Trần Hồng đã đem cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - những khoảnh khắc còn mãi” để chúc thọ thầy giáo cũ, với lời nhắn đầy hóm hỉnh: “Hôm nay sau 50 năm em mới trở lại nộp bài tốt nghiệp cho thầy”. Cuốn sách là tập hợp 100 bức ảnh về Người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam trong những phút đời thường mà ông đã dày công lưu giữ. Với sự tài hoa trong từng lăng kính mà sau này Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã liên hệ với Đại tá, Nhà báo, Nghệ sĩ Trần Hồng để bày tỏ mong muốn được lưu trữ những bức hình quý giá ấy.
Những khoảnh khắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ không chỉ hiện hữu trong những tấm ảnh, mà còn được trân quý qua từng dòng kí ức của người nghệ sĩ nhiếp ảnh nhiệt thành ấy. Để cho đến bây giờ, trên đầu giường ông vẫn còn một bức ảnh sử dụng kỹ thuật xóa phông cũ được phóng to. Một bức ảnh đen trắng có hình Đại Tướng Võ Nguyên Giáp mờ mờ, treo trên tường đã lâu…
Phản hồi