“Em chẳng bằng ai…”
Trong căn phòng trọ rộng 12m2, Huyền (18 tuổi, sống tại TP.Tuyên Quang) ngồi co mình bên bàn học. Vội ăn chiếc bánh mì rồi lại tiếp tục “chiến đấu” với xấp đề cương trước mặt, em đang gấp rút ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Bên cạnh chồng tài liệu là một lọ thuốc an thần đã vơi đi quá nửa. Đây không phải lọ đầu tiên mà em sử dụng kể từ khi theo học tại một ngôi trường cấp 3 “có tiếng” của tỉnh.
Vừa trò chuyện với PV, Huyền vừa khóc: “Lúc nào cũng có một áp lực vô hình đè nặng lên em vì học trong một lớp mà các bạn đều đi thi học sinh giỏi các cấp, có những bạn đã được tuyển thẳng vào Đại học. Chưa có ai so sánh em với họ đâu nhưng tự em cảm thấy bản thân thật thất bại vì em chẳng bằng ai. Đi học xa nhà, phải thuê trọ, không biết tâm sự cùng ai cộng thêm áp lực học hành khiến em mất ngủ triền miên và phải tìm tới thuốc an thần”.
Huyền kể, mỗi ngày, ngoài giờ học trên lớp và sinh hoạt cá nhân, em dành toàn bộ thời gian để tự học tại nhà. Mặc dù rất cố gắng nhưng kết quả học tập vẫn không được như em mong đợi. Nhìn vào những tấm huy chương, bằng khen của các bạn cùng lớp khiến cô gái 18 tuổi không khỏi chạnh lòng và thất vọng về bản thân.
Khác với Huyền, bạn Trịnh Thị Thu Trang, sinh viên năm 2 tại một trường đại học ở Hà Nội lại vô cùng tự tin về thành tích học tập của mình. Cô gái 20 tuổi kỳ nào cũng dành học bổng và xếp loại xuất sắc. Thế nhưng, điều khiến Trang tự ti với bạn bè xung quanh đó là về ngoại hình của bản thân.
“Đối với con gái như mình thì vẻ bề ngoài vô cùng quan trọng. Các bạn học của mình ai cũng xinh đẹp, nhiều bạn còn làm mẫu ảnh hoặc đi chụp quảng cáo cho các nhãn hàng. Trong khi đó, mình không có chiều cao, khuôn mặt chẳng có nét gì đặc biệt, lại không biết cách trang điểm nên nhiều lúc tủi thân lắm, cứ soi gương lại khóc” - Trang tâm sự.
Mặc cảm về ngoại hình, Trang dần trở nên khép mình hơn. Khi tới lớp hoặc bất cứ nơi đông người nào, bạn thường chọn những chỗ ngồi khuất tầm nhìn vì lo sợ người khác sẽ đánh giá vẻ bề ngoài của mình. Trang nói thêm: “Có những lúc quá áp lực khi không được xinh đẹp và có vóc dáng cân đối như các bạn nữ khác nên mình không ăn uống được gì, từng có thời điểm mình bị tụt 4kg trong 2 tuần vì chuyện này”.
Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, áp lực đồng trang lứa là việc một cá nhân chịu ảnh hưởng của những người cùng một nhóm xã hội. Bản thân họ gánh trên vai một áp lực vô hình rằng phải thay đổi giá trị, hành vi và thái độ để phù hợp với chuẩn mực của nhóm đó.
Trên mạng xã hội Facebook, không khó để bắt gặp các bài đăng của những bạn trẻ gen Z chia sẻ về áp lực của bản thân họ từ chuyện học tập, ngoại hình cho tới công việc, địa vị, tiền bạc… Mẫu số chung của những bạn trẻ này là đều lấy hình mẫu của người khác để làm thước đo cho mình. Và khi bản thân không đạt được những điều như người khác làm được, họ cảm thấy thất vọng về chính mình.
Áp lực đồng trang lứa không hẳn lúc nào cũng xấu
Ngoài công việc chính là học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền với hai chuyên ngành Kinh tế chính trị và Báo Truyền hình, chị Lê Quý Anh (24 tuổi) sống tại Hà Nội còn đang giữ vai trò Uỷ viên Ban Chấp hành Quận đoàn Thanh Xuân, Bí thư Đoàn phường Thanh Xuân Trung. Sở dĩ Quý Anh làm nhiều việc vì muốn bản thân không ngừng cố gắng để có thêm kinh nghiệm, tích lũy được những vốn sống giá trị.
“Nhìn bạn bè cùng trang lứa luôn nỗ lực và phấn đấu theo đuổi đam mê, nhiều lúc mình cũng có những áp lực nhất định. Song, thay vì đắm chìm trong những áp lực đó, mình chọn cách đầu tư, bỏ công sức, thời gian nghiêm túc với công việc bản thân đang theo đuổi. Áp lực là thứ cần phải có để mình cố gắng và mình sẽ thản nhiên đối diện, coi nó như một điều tất yếu”, chị Quý Anh nói.
Cô gái 24 tuổi chia sẻ: “Trên lớp thì sẽ có áp lực của học hành, bài vở, còn ở Đoàn phường thì lại áp lực trong việc kết nối nhiều hoạt động xã hội. Tuy nhiên, để chiến thắng những áp lực đó thì mình phải luôn đặt bản thân ở thế chủ động học hỏi, trau dồi kiến thức mới, rèn luyện thêm nhiều kỹ năng mềm để xử lý công việc tốt hơn. Sau này nhìn lại mới thấy bản thân trưởng thành hơn nhiều nhờ những áp lực”.
Cùng quan điểm với Quý Anh, bạn Nguyễn Thành Hiếu (21 tuổi), hiện đang là sinh viên năm 3 tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: “Áp lực là thứ cần phải có nếu muốn thành công”. Hiếu cho hay, bạn có những hoài bão lớn và thường tự tạo áp lực cho bản thân bằng cách nhìn vào thành tích của những bạn bè đồng trang lứa xung quanh để bản thân không ngừng phấn đấu.
“Mình ham việc tới mức sẵn sàng từ bỏ mọi cuộc vui bên ngoài để ngồi lì ở nhà giải quyết công việc. Lắm hôm đang chuẩn bị chợp mắt mà trong đầu lóe lên một ý tưởng gì đó hay ho là lại bật dậy để làm việc. Có đợt mình vừa phải ôn thi, vừa phải giải quyết vài công việc trực tuyến một lúc nên mình đã không ra khỏi nhà suốt 1 tuần lễ, đồ ăn thức uống là toàn đặt mua về thôi”, Hiếu nói.
Với Hiếu, việc đương đầu với những áp lực giúp chàng trai 21 tuổi trở nên cứng cáp hơn. Đứng trước tình cảnh phải xử lý nhiều công việc một lúc, Hiếu học được cách sắp xếp và giải quyết từng công việc sao cho tiến độ được nhanh nhất mà vẫn đảm bảo hiệu suất.
Để áp lực đồng trang lứa không còn tác động tiêu cực
Tiến sĩ, Chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An cho biết, “áp lực đồng trang lứa” vừa có lợi, vừa có hại. Ở mức vừa phải, đây như một động cơ giúp người trẻ phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn để đạt được mục tiêu, nhưng một khi áp lực trở thành gánh nặng, chất lượng cuộc sống của giới trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Chia sẻ về cách giúp người trẻ đối mặt và vượt qua áp lực đồng trang lứa, Tiến sĩ, Chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An đưa ra lời khuyên: “Các bạn trẻ nên dành 15 phút trước khi đi ngủ để tịnh tâm và bạn suy nghĩ xem hôm nay các bạn làm được gì, chúng ta cảm ơn cuộc đời vì điều gì và ngày hôm sau chúng ta sẽ cố gắng hơn, nỗ lực hơn bằng cách nào. Như vậy thì chúng ta mới rõ được là chúng ta sẽ đi đâu, về đâu và có động lực hơn để chinh phục những mục tiêu tiếp theo, chứ không nên cố quá. Đừng thấy bạn mình có ngôi nhà 5 tầng thì mình phải có 6 tầng. Hãy bắt đầu bằng 1 tầng trước rồi dần dần sẽ xây thêm được những tầng trên”.
Bên cạnh những giải pháp khắc phục về tâm lý để loại bỏ ám ảnh đồng trang lứa, các bạn trẻ cũng cần vạch rõ những mục tiêu cụ thể. “Có một kỹ thuật có thể áp dụng đó là lập bảng Todo list gồm 3 cột. Đó là những công việc phải làm, đang làm và đã làm được. Và khi bạn thấy được rằng những công việc mà mình đã hoàn thành nó nhiều, điều đó chứng tỏ rằng nội lực, cái giá trị bản thân của bạn cũng tăng cao. Bạn sẽ có thêm động lực trong cuộc sống, dựa trên những cái áp lực mà mình tự đặt ra cho chính bản thân và chắc chắn rằng phát triển hơn bản thân mình của ngày hôm qua mới là điều thực sự quan trọng”, Tiến sĩ, Chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ.
Phản hồi