Danh mục Thứ Bảy, 23/11/2024

Tiêu điểm \

Đẩy mạnh việc thực hiện phân loại, tái chế rác thải sinh hoạt

16:18 21-06-2023
Việc xử lý rác thải đang trở thành thách thức lớn tại Việt Nam. Nhiều người dân vẫn chưa ý thức rõ về vấn đề phải phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đúng quy định, gây ra tình trạng ô nhiễm, lãng phí tài nguyên thiên nhiên

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã được ban hành nhằm quy định về trách nhiệm của các hộ gia đình, cá nhân phải phân loại rác thải vào từng loại thùng chứa rác hoặc đúng nơi tập trung rác thải; giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được phân loại đến nơi được quy định. 

Rác thải vứt bừa bãi, chưa phân loại, xử lý đúng quy định

Luật có hiệu lực thực thi từ ngày 1/1/2022, nêu cao trách nhiệm về bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng, xử phạt những trường hợp chưa phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định, không giữ gìn không gian công cộng. 

Tuy nhiên ghi nhận tại địa bàn Hà Nội, nhiều khu vực vẫn chưa nghiêm khắc xử lý những trường hợp xả rác không đúng quy định. Người dân vẫn chưa phân loại rác thải sinh hoạt đúng cách, chỉ để chung vào một chỗ rồi vứt vào thùng chứa rác, thậm chí là để ngay trên lòng đường. Thói quen đổ rác thải bừa bãi ven đường, ao hồ,... vẫn còn diễn ra, việc này không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây ra nhiều tác hại cho môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tại khu vực quận Hà Đông (Hà Nội), mặc dù có thùng chứa rác những người dân vẫn xả rác xuống lòng đường. Lối đi vỉa hè của dân tràn ngập rác thải sinh hoạt không được phân loại mà để chồng chất lên nhau. 

Khu vực sông, hồ gặp tình trạng ô nhiễm do rác thải chưa được xử lý vứt bừa bãi, gây tắc nghẽn cống nước, nước sông đen kịt bốc lên mùi khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Nước rỉ rác phát sinh từ các bãi chôn lấp sẽ thấm vào nguồn đất, mạch nước ngầm gây ô nhiễm đất và nước. Rác thải không phân loại và thu gom đúng cách có thể trôi dạt ra ngoài sông, biển,... Ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và môi trường sống của nhiều sinh vật đang sinh sống tại môi trường xung quanh. Nhiều loài sinh vật đã chết vì ăn phải rác nhựa hoặc bị mắc kẹt trong rác thải bỏ ra môi trường.

Trao đổi với P.V, anh N.V Hưng (Hà Đông) chia sẻ: “Tình trạng vứt rác xuống sông đã diễn ra từ rất lâu. Đi qua lúc nào cũng ngửi thấy mùi hôi, thối bốc lên. Nhiều người dân sinh sống quanh đây đều phải chịu cảnh ô nhiễm, rác ngổn ngang trên đường đi. Mấy hôm trời nắng nóng thì mùi càng khó chịu hơn, nhưng tình trạng xả rác vẫn không được chấm dứt hoàn toàn”.

Theo số liệu thống kê từ Bộ tài nguyên và Môi trường thì Việt Nam có đến 90% lượng rác thải chưa được xử lý đúng cách và chỉ có 10% còn lại là được mang đi tái chế. Mặc dù luật bảo vệ môi trường 2020 đã quy định về việc xử phạt với những trường hợp chưa có trách nhiệm phân loại chất thải rắn sinh hoạt, xả rác không đúng nơi quy định, nhưng nhiều nơi vẫn chưa thật sự nghiêm túc thực hiện, chưa có nhiều địa phương ban hành quy định phân loại rác tại nguồn theo Luật. Nghị định 45 đã ban hành năm 2022 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính nếu không phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên việc thực hiện giám sát và xử phạt còn nhiều khó khăn do thiếu nhân lực và thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng. 

Chị N.T.Mai là công nhân vệ sinh môi trường, hàng ngày chị phải đi thu gom rác từ sớm và kết thúc khi trời tối. Chị Mai cho biết: “Làm công việc này nhiều năm, tôi nhận thấy nhiều hộ gia đình chưa biết phân loại rác đúng cách nên họ thường để chung các loại rác thải. Mỗi lần thu gom rác xong tôi phải phân loại rác có thể tái chế riêng, rác hữu cơ, vô cơ riêng”. 

Công nhân vệ sinh môi trường đi thu gom và quét dọn rác thải tại các khu dân cư sinh sống, ngoài lề đường.

Tầm quan trọng của việc phân loại rác thải 

Nhiều quốc gia trên Thế giới rất chú trọng về việc phân loại rác thải đúng quy định. Thậm chí nhiều nhà nghiên cứu tại các quốc gia phát triển đã phát minh ra thiết bị xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến, hệ thống robot tự động sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để phân loại rác có thể tái chế, như tại Mỹ, Úc, Nhật Bản,... Trong đó, Nhật Bản được biết đến là một trong những quốc gia xử lý rác thải hiệu quả nhất thế giới. Họ có cách phân loại thu gom rác đáng học tập do có luật chặt chẽ và được giáo dục ngay từ khi còn bé.

 nhat-ban-ivivu-2

Ngôi làng Kamikatsu Nhật Bản không rác thải đầu tiên trên thế giới. Cư dân trên đảo Shikoku (Nhật Bản) đang hướng tới cuộc sống “Không rác thải”. Ảnh: The Government of Japan.

Ở Việt Nam, hiện đã xuất hiện những thùng chứa rác tái chế riêng biệt được đặt ở nơi công cộng, khu dân cư. Điều này góp phần rèn luyện thói quen văn minh, phân loại rác thải sinh hoạt sao cho gọn gàng và tối ưu không gian. Tại Cù Lao Chàm cũng đã triển khai cơ sở phục hồi tài nguyên, là mô hình thí điểm hoạt động phân loại và thu hồi tái chế chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng. 

Thùng chứa rác tái chế đã xuất hiện nhiều hơn ở những nơi công cộng.

Chị Nguyễn Linh – Người đồng sáng lập Tagom (Tổ chức môi trường đồng hành cùng người dân trong việc phân loại rác đầu nguồn) cho biết: “Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, rác tái chế có thể giúp chúng ta bảo tồn sự sống trên Trái Đất; giảm thiểu tối đa lượng rác thải bỏ ra môi trường, từ đó giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường sống và các sinh vật trên Trái Đất. Ở Tagom, có một số lượng cá nhân tích cực trong hoạt động phân loại rác tại nhà, rác được vệ sinh sạch sẽ, phân riêng thành từng nhóm và gửi đến các địa điểm thu gom, tái chế. Trung bình mỗi tháng có 50 đến 60 lượt khách qua gửi rác”. 

 Chị Nguyễn Linh cho rằng cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc phân loại thu gom chất thải rắn, phát triển hệ thống cơ sở điểm thu gom, tái chế tại địa phương. Ngoài ra tăng cường thêm các nguồn lực cộng đồng để chung tay thực hiện, vận hành các điểm thu gom, tái chế rác thải tại địa pphương

Phân loại rác đúng quy định không chỉ giảm được nguồn rác thải gây ô nhiễm ra môi trường mà còn giúp tiết kiệm tài nguyên. Rất nhiều thành phần trong rác nếu phân loại riêng có thể trở thành nguồn nguyên liệu để tái chế thành sản phẩm có giá trị khác thay vì phải khai thác tài nguyên mới hoặc nhập khẩu rác từ bên ngoài. 

Với hệ quả nghiêm trọng từ ô nhiễm môi trường, để giảm thiểu và khắc phục tình trạng này, mỗi người dân cần nâng cao ý thức hơn trong việc gìn giữ không gian sống, thực hiện những hành động nhỏ như bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác thải,… góp phần bảo vệ cho chính bản thân và giữ cho trái đất xanh – sạch – đẹp. 

Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo nghị định này, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Việc xử phạt có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Tại Nhật Bản, người vứt rác bừa bãi sẽ bị phạt tù từ 5 năm trở xuống, đồng thời nộp phạt 10 triệu Yên (2,2 tỷ đồng). Nếu người vi phạm là đại diện pháp nhân của một doanh nghiệp hoặc đoàn thể, mức tiền phạt sẽ tăng tới 300 triệu Yên (64 tỷ đồng)

Ngọc Quỳnh

Phản hồi