Danh mục Thứ Ba, 30/04/2024

Tiêu điểm \

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận: Dạy tằm dệt lụa, bắt sen nhả tơ

17:58 16-04-2024
Huấn luyện những “người thợ đặc biệt” tự dệt chăn tơ, biến tơ cuống sen thành chất liệu dệt khăn, dệt áo... nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận ở thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đã khơi dậy và nâng tầm nghề dệt lụa cổ truyền Việt Nam.

Phóng viên (PV): Cơ duyên nào khiến bà bắt đầu và gắn bó với nghề ươm tơ, dệt vải?

Nghệ nhân Phan Thị Thuận: Được sinh ra tại mảnh đất nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm từ những năm 1030, cho đến bây giờ đã có nhiều thay đổi, người ta không trồng dâu, nuôi tằm nhiều như ngày trước. Phần cũng vì nhiều nhà máy công nghiệp mọc lên, đa dạng các công việc khác để người dân ở đây có thể thay đổi hay chọn làm những cái gì dễ hơn. Thế nhưng với tôi thì tuyệt đối không thể bỏ nghề được, bởi vì nghề này đã đi cùng gia đình tôi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Giờ đây, tôi vẫn luôn đau đáu với việc giữ và phát triển nghề truyền thống.

PV: Trong khoảng thời gian nghề bị thất thế trước những đổi mới của thời đại, động lực đâu để bà quyết tâm theo đuổi và giữ gìn nghề?

Nghệ nhân Phan Thị Thuận: Đó là cái nghề thủ công truyền thống của các cụ để lại, tôi luôn trăn trở, phải làm thế nào để biến cái thủ công phát triển nghề truyền thống thành một hệ công nghiệp, có những hệ tự động và thợ như những chiếc máy công nghiệp, thì lúc đó, tôi nghĩ ngay đến con tằm. Nó có quy luật nhất định của nó, tôi nghĩ nó như là “vị thần” hay những “người thợ đặc biệt”. Ngày xưa các cụ có câu: “Con tằm ăn dâu nhả vàng”, tức là con tằm nó ăn lá dâu và nhả ra các sợi tơ vàng, từ các sợi tơ vàng đó lại có thể dệt ra được rất nhiều sản phẩm để sử dụng, tạo bao nhiêu công ăn việc làm cho mọi người. Đó là cái tài sản mà con tằm cho mình, chúng tôi được dạy phải biết tôn trọng và gìn giữ chính cái tài sản đấy. 

PV: Thưa bà, bà gọi tằm với một cách trân quý là những “người thợ đặc biệt”, vậy việc huấn luyện những “người thợ” ấy giúp ích gì cho bà so với phương pháp truyền thống? 

Nghệ nhân Phan Thị Thuận: Đây cũng chính là điều tôi rất mong nhiều người nông dân áp dụng thành công. Để họ có thể chủ động được công việc của họ và giúp giảm được chi phí nhân công. Việc để con tằm nhả tơ trên mặt phẳng so với cách làm truyền thống đã giúp quy trình dệt giảm đi hẳn 10 lần chứ không phải chỉ giảm 1-2 lần các công đoạn. Nếu lấy tơ từ con tằm tạo kén theo tự nhiên, thì quá trình đó sẽ vô cùng dày công, phải trải nhiều công đoạn. Tất cả đều đòi hỏi những người thợ chuyên nghiệp và những người có tâm mới làm ra sản phẩm đẹp được.

Thế nên tôi mới nghĩ đến để cho con tằm làm thợ. Để con tằm đan ra ngay mặt phẳng như thế thì đã lược bỏ được rất nhiều công đoạn. Tôi có thể tìm một người thợ giỏi, có tay nghề cao nhưng chưa chắc họ sẽ gắn bó với công việc này lâu dài. Những “người thợ đặc biệt” của tôi thì khác, tôi chăm sóc nó tốt thì nó khỏe mạnh, nó cho tôi nhiều tơ. Đó là một người thợ trung thành, không bao giờ bỏ tôi...

Cuộc đời con tằm là một vòng tuần hoàn, nếu không nuôi nó, không khai thác nó thì nó cũng sẽ chết, vậy tôi nghĩ phải làm cách nào tốt nhất để tận dụng một cách thông minh và triệt để nhất. Khi mà tôi phát hiện và nghiên cứu thành công phương pháp này, tôi cảm thấy rất mãn nguyện và tự hào vì tôi đã tìm ra một hướng mới để góp phần giữ nghề truyền thống cho dân tộc Việt Nam. 

Tôi là người đầu tiên thử nghiệm phương pháp này. Mà là người đầu tiên nên từ lúc bắt đầu, không ai ủng hộ tôi làm việc này, thậm chí có người đã cho rằng tôi dở hơi, vì họ chưa biết được lợi ích của nó. Thế nên làm việc gì cũng phải sáng suốt lựa chọn và thật là kiên trì.

PV: Theo chia sẻ của bà, thời gian đầu thử nghiệm, bà nhận phải những ý kiến tiêu cực và không ai tin bà có thể thành công. Chắc hẳn đó là một quãng thời gian khó khăn đối với bà, vậy bà đã có những bài học hay kinh nghiệm để có thể hiện kiên trì thực hóa những ý tưởng độc đáo của mình?

Nghệ nhân Phan Thị Thuận: Từ khi các cụ để lại cho tôi cái nghề thì tôi theo bố, theo mẹ làm từ bé. Tôi học được từ biết bao nhiêu người, từ những người cẩn thận đến người cẩu thả, từ người chăm làm đến kẻ lười biếng, từ cái người khổ nhất đến người giàu nhất,... tôi quan sát và học hỏi ở họ, xem họ có những tố chất gì, họ làm như thế nào và từ đó tôi đúc kết ra kinh nghiệm.

Năm tôi 18 tuổi, tôi làm kế toán thống kê ngành dâu tằm cho hợp tác xã nông nghiệp xã Phùng Xá. Lúc ấy, tôi đã tự tin rằng nghề này sẽ nuôi sống rất nhiều người và tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương. Vì để tạo nên những thành phẩm lụa đạt chất lượng thì cần phải chú trọng ngay từ nguyên liệu đầu vào, từ trong mỗi công đoạn sản xuất. Từ lá dâu sạch, sẽ nuôi được con tằm tốt và từ con tằm tốt, sẽ cho ra những sợi tơ bền. Từ cái đấy, tôi rút ra kinh nghiệm cuộc sống luôn phải có những cái trình tự khắt khe, nghiêm ngặt. Chúng ta phải tự cho mình sự nghiêm túc thì chúng ta sẽ có tất cả.

PV: Được biết, ngoài nổi tiếng với tơ tằm thì bà còn là người Việt đầu tiên dệt thành công vải từ tơ sen, vậy cảm hứng từ đâu để bà bắt đầu “mối duyên” với tơ sen như thế?

Nghệ nhân Phan Thị Thuận: Tôi có các sản phẩm từ tơ sen và tơ tằm. Với tơ tằm, tôi coi con tằm như “vị thần”, còn về tơ sen thì tôi nghĩ nó cũng vô cùng đặc biệt. Sen được hình thành, thanh lọc từ lòng đất, từ trong cuống sen mà sợi tơ sen đưa lên nuôi cơ thể của cả hoa sen như mạch máu nuôi cơ thể con người. Do đó, hoa sen có được màu sắc, có được hạt, có được mùi thơm là nhờ vào sợi tơ này. Hơn nữa, sen còn là “quốc hoa” là loại hoa trang trọng, tôn nghiêm. Đáng lẽ cuống sen là thứ thường bị vứt đi, nhưng tôi nghĩ khi biết tận dụng, lấy được sợi tơ trong cuống sen thì sẽ tạo thêm được việc làm cho người lao động, góp phần vào bảo vệ môi trường và tạo ra một chất liệu mới cho nghề dệt đó là dệt lụa tơ sen.

PV: Giữa dệt vải từ tơ tằm với dệt vải từ tơ sen không biết có khác nhau nhiều không thưa bà? 

Nghệ nhân Phan Thị Thuận: Về quy trình dệt thì nó không khác nhau, nhưng khi chúng ta dệt cái sợi tơ sen với sợi tơ tằm thì nó có khác nhau một chút. Tơ tằm được dệt nhờ vào lực từ miệng con tằm, tơ rút ra từ ruột con tằm, sau đó mình sẽ cho sợi tơ vào máy ươm, nhờ động lực của máy tơ sẽ se vào nhau. Còn sợi tơ sen thì nhẹ nhàng, tạo cảm giác sợi tơ rất mảnh mai, phải nương tựa vào nhau. Nên khi dệt lụa tơ sen phải đặc biệt chú trọng, từ kết cấu máy dệt làm sao để nó thật phù hợp. 

Bà Thuận hướng dẫn cách lấy tơ sen từ thân sen. (Video: Mai Thanh)

PV: Có thể thấy, tơ sen mang rủi ro khá cao vì sợi tơ mỏng và sen thì có tính thời vụ. Vậy không biết vì sao lúc đầu bà lại lựa chọn tơ sen để phát triển?

Nghệ nhân Phan Thị Thuận: Tôi muốn sản phẩm của Việt Nam phải thật độc đáo, đặc biệt không đâu có được, hơn nữa con người Việt Nam nổi tiếng cần cù, sáng tạo, kiên nhẫn nên tôi nghĩ mình sẽ phát triển sự độc đáo ấy bằng chính những gì gần gũi nhất, gắn bó với nông dân, nông thôn nhất. Tôi muốn cho mọi người thấy có thể tận dụng và phát triển thân sen bằng nhiều cách thay vì xem nó là đồ bỏ đi.

PV: Được biết, quá trình sản xuất tơ sen rất phức tạp, cần thực hiện qua nhiều bước thủ công và chia làm nhiều giai đoạn khác nhau. Vậy, với sự kì công nhường ấy, giá thành của tơ sen sẽ dao động trong khoảng bao nhiêu?

Nghệ nhân Phan Thị Thuận: Tùy theo trọng lượng kilogram trên sợi tơ và nhân công sẽ ra giá thành sản phẩm. Nếu 1 mét vải lụa tơ sen đủ độ bền, độ dai để có thể may áo dài đẹp thì sẽ tầm 30 triệu. Là khoảng trên 100 triệu cho một chiếc áo dài làm từ 100% tơ sen. Khi mặc, lụa tơ sen làm người ta cảm thấy có một cái khí chất khác thường, làm cho họ thấy mình vừa mềm mại, vừa mạnh mẽ hơn.

PV: Nhiều người cho rằng lụa tơ sen chỉ dành cho “giới thượng lưu”, bà có đồng ý với quan điểm trên không?

Nghệ nhân Phan Thị Thuận: Hiện tại, các sản phẩm từ tơ sen của tôi được chia thành nhiều phân khúc với mức giá khác nhau để có thể phù hợp với nhiều tệp khách hàng. Ví dụ như có những sản phẩm nhỏ như chỉ thêu vào cổ áo hoặc là một cái nơ buộc tóc, vòng tay may mắn... Miễn là đối với mỗi sản phẩm, khách hàng cảm thấy yêu mến, trân trọng sợi tơ sen. 

PV: Nhiều người khi nhắc đến lụa, người ta sẽ nghĩ ngay đến làng lụa Vạn Phúc ở Hà Đông, vậy bà nghĩ lụa Mỹ Đức có điểm gì đặc biệt hơn so với lụa Vạn Phúc?

Nghệ nhân Phan Thị Thuận: Làng lụa Vạn Phúc thì họ không phải trồng dâu, nuôi tằm, không ươm tơ, dệt lụa mà họ sẽ chỉ dệt thôi. Hơn nữa, Vạn Phúc cũng nằm ở vị trí cửa ngõ thủ đô, vì vậy, họ sẽ có nhiều người tới mua hàng hơn và cứ như thế, dần dần tạo nên danh tiếng lụa Vạn Phúc. Còn với thương hiệu lụa Mỹ Đức, tôi luôn quan niệm rằng, đã là người Việt Nam thì phải ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Do đó, khi xây dựng thương hiệu, tôi muốn lụa Mỹ Đức phải là một thương hiệu thuần Việt, tự sản, tự tiêu. Nếu chúng ta cứ dựa vào việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài thì đấy chính là chúng ta đang tiêu thụ hàng cho họ, đang làm giàu cho họ chứ không phải làm giàu cho đất nước mình.

PV: Hiện nay, công nghệ ngày càng phát triển, bà có nghĩ đến việc sẽ nhập thêm những máy móc hiện đại từ nước ngoài để hỗ trợ mở rộng sản xuất không?

Nghệ nhân Phan Thị Thuận: Chắc chắn là tôi phải mở rộng sản xuất chứ! Tôi đang tìm kiếm những thế hệ “măng non” ở Việt Nam, những thế hệ sẽ thay đổi các công nghệ giống như tôi đã từng thay đổi con tằm để nó trở thành “người thợ” cho mình. Ước mơ tương lai của tôi là phải phát triển một cách thuần Việt cho đất nước, mình sẽ phải làm giàu từ chính từ đôi chân của mình, trên mảnh đất quê hương của mình. Không nên có suy nghĩ dựa vào các nước khác, chỉ nên nhìn vào cái đổi mới sáng tạo của họ mà học hỏi, mà tích lũy. Sau đó, phải mang trí tuệ của bản thân ra để xây dựng đất nước. 

PV: Theo bà, phải làm thế nào để vừa bảo tồn và phát huy thương hiệu dệt Mỹ Đức, vừa lan tỏa “ngọn lửa nghề” đến với thế hệ trẻ?

Nghệ nhân Phan Thị Thuận: Trước hết, muốn phát huy được nghề dệt truyền thống là mình phải biết yêu: biết yêu quê hương, biết yêu cái nghề mình đang làm. Mình phải dành cho nghề dệt sự trân trọng và cả tôn trọng vì nó không chỉ là một nghề truyền thống đáng quý mà nó còn là một “đại sứ” đại diện cho sự tài hoa của người dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. 

Để nghề dệt Mỹ Đức được bảo tồn và phát triển, tôi mong muốn tất cả các bạn trẻ có thể nhìn vào tấm gương của những thế hệ “mở đường” mà học tập, trau dồi thật chăm chỉ. Từ đó, tìm tòi, sáng tạo ra hướng đi mới, hướng phát triển mới cho nghề dệt Việt Nam. 

Nếu chúng ta biết phát triển đúng đắn, biết cách khai thác từ những tài nguyên gần gũi nhất với nông dân, nông thôn sẽ góp phần giúp người Việt Nam chúng ta ngày càng phát triển. Để làm được điều đó thì phải dựa vào trí tuệ và sức mạnh của giới trẻ. Giống như đoạn thơ “Hạt giống đỏ nảy mầm cho đất nước/ Thành lớp cây xanh vươn dưới mái trường/ Cây cứng cáp bởi qua nhiều giông tố/ Thử sức tàu vượt sóng biển ra khơi” đúng không? Tôi có rất nhiều ước mơ cho các thế hệ tương lai, bởi vì tôi học được từ bố mẹ, từ các cụ là bản thân phải làm một cái tấm gương tốt để cho các em học sinh để cố gắng.

Cảm ơn bà đã dành thời gian tham gia buổi phỏng vấn!

Nghệ nhân Phan Thị Thuận là 1 trong 9 công dân ưu tú của Thủ đô năm 2021. Với những cống hiến to lớn cho nghề dệt vải tơ tằm truyền thống, nghệ nhân đã được vinh danh như danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” do Chủ tịch nước phong tặng; Giải thưởng cho 100 phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước; Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2020 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Giải Nhất sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc Bộ Công Thương trao; Bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;...

Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã đạt giải nhất “Đề tài sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 6” năm 2015 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương xét chọn. Năm 2020, sản phẩm khăn lụa tơ tằm, mền bông tơ tằm của bà được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao của thành phố Hà Nội.

Nhóm sinh viên Báo Phát thanh K41

Phản hồi