Danh mục Chủ Nhật, 29/09/2024

Tiêu điểm \

Mặt trái của mạng xã hội đối với nhận thức của người trẻ về lịch sử

00:36 22-06-2024
Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ. Đây là nơi giao lưu, kết nối và chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là việc lan truyền thông tin sai lệch, trong đó có những thông tin thiếu kiểm chứng, sai lệch về lịch sử Việt Nam.

Góc khuất tiềm ẩn rủi ro thông tin sai lệch

Không khó để bắt gặp những bình luận, bài đăng trên mạng xã hội thể hiện sự thiếu hiểu biết, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Nhiều bạn trẻ dễ dàng tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng, những lời đồn thổi thiếu căn cứ, dẫn đến những phát ngôn sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của cộng đồng.

Một số ví dụ điển hình, trên mạng xã hội thường có xuất hiện các phát ngôn với nội dung gây công kích, tranh cãi như: phủ nhận chiến thắng lịch sử của dân tộc, đánh giá sai lệch về vai trò của các anh hùng dân tộc, hoặc xuyên tạc sự thật về các sự kiện lịch sử quan trọng... Những phát ngôn này không chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết về lịch sử mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với quá khứ, đối với công lao của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước. 

 Phát ngôn phủ nhận chiến thắng lịch sử dân tộc. (Ảnh: Reddit)

Xuyên tạc về vai trò của sự kiện lịch sử. (Ảnh: TikTok) 

Bôi nhọ hình ảnh nhân vật lịch sử. (Ảnh: TikTok) 

Nguyên nhân do đâu?

Mạng xã hội là môi trường mở, thông tin được lan truyền nhanh chóng và rộng rãi, khó kiểm soát. Trong thời đại bùng nổ thông tin,việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không phải nguồn thông tin nào cũng đáng tin cậy. Nhiều trang mạng, kênh thông tin không chính thống thường xuyên đăng tải những thông tin sai lệch, câu view, câu like, khiến người đọc dễ bị lầm tưởng và hiểu sai về lịch sử.

Điều này tạo điều kiện cho thông tin sai lệch dễ dàng lan truyền và gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Một số cá nhân, tổ chức có mục đích xấu cố tình tạo ra và lan truyền thông tin sai lệch để gây hoang mang, chia rẽ dư luận, thậm chí là kích động bạo lực, gây mất ổn định xã hội.

Nhiều người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, thiếu kiến thức về lịch sử và kỹ năng kiểm chứng thông tin, dễ dàng tin vào những thông tin sai lệch được chia sẻ trên mạng. Tiến sĩ sử học Vũ Đức Liêm cho rằng: “Sự đa dạng hoá thông tin khi mà mỗi cá nhân, mỗi nhóm đều là một kênh thông tin, đã dẫn tới hình thành các “ý tưởng” mới đa dạng. Đặc biệt, các “ý tưởng” này gây ảnh hưởng như vậy là vì các bạn trẻ không tiếp cận thông tin bài bản về lịch sử”.

Tiến sĩ Vũ Đức Liêm. (Ảnh: Internet) 

Cần tỉnh táo trước thông tin trên mạng

Những phát ngôn sai lệch về lịch sử trên mạng xã hội có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Khi tiếp cận với các thông tin sai lệch, người đọc, người xem dễ bị nảy sinh ra sự nghi ngờ, nghi vấn với lịch sử đất nước. Thậm chí, nhiều người thiếu hiểu biết sẽ dễ dàng tin vào các thông tin chưa được kiểm chứng, hay theo hiệu ứng đám đông chia sẻ, lan truyền những thông tin sai lệch. 

Từ đó dẫn đến gây chia rẽ, mâu thuẫn trong xã hội. Những phát ngôn sai lệch về lịch sử có thể kích động lòng thù hận, tạo ra sự bất hòa giữa các nhóm người, các thế hệ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định và phát triển của đất nước. Ngoài ra, nó còn làm suy yếu sức mạnh mềm của đất nước. Lịch sử là một phần quan trọng của văn hóa dân tộc. Khi lịch sử bị xuyên tạc, bóp méo, hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Cần cẩn trọng trước các thông tin sai lệch về lịch sử trên mạng xã hội. (Ảnh: Internet) 

Để ngăn chặn tình trạng này, các bạn trẻ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng chống xuyên tạc lịch sử trên mạng xã hội. Thế hệ trẻ cần trang bị kiến thức lịch sử vững chắc, tích cực học tập lịch sử từ các nguồn đáng tin cậy như sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, bảo tàng, di tích lịch sử… Đối với các hoạt động trên trường, lớp, cộng đồng, các bạn trẻ có thể tham gia các câu lạc bộ, nhóm học tập, các cuộc thi, tọa đàm về lịch sử; hay tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về lịch sử như các buổi nói chuyện, triển lãm, chiếu phim... để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của lịch sử.

 Các bạn trẻ tham quan di tích nhà tù Hoả Lò. (Ảnh: Internet)

Một số TikToker xây dựng nội dung lịch sử chất lượng. (Ảnh: TikTok) 

Đặc biệt, các bạn trẻ cần sử dụng mạng xã hội một cách tỉnh táo. Luôn kiểm tra tính xác thực của thông tin trước khi chia sẻ trên mạng xã hội, chỉ chia sẻ những thông tin đã được kiểm chứng từ các nguồn đáng tin cậy. Tích cực báo cáo, phản bác các thông tin xuyên tạc, sai lệch về lịch sử trên mạng xã hội.

Các bạn trẻ cần có trách nhiệm trong việc lựa chọn thông tin để tiếp cận và chia sẻ trên mạng xã hội. (Ảnh: Internet) 

Mạng là ảo, nhưng hậu quả là thật. Người trẻ có trách nhiệm quan trọng trong việc chọn lọc thông tin cũng như bảo vệ sự thật lịch sử trên không gian mạng. Bằng sự hiểu biết, lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm, các bạn trẻ có thể góp phần ngăn chặn những thông tin sai lệch, xuyên tạc, đồng thời lan tỏa những giá trị lịch sử tốt đẹp của dân tộc đến với cộng đồng. 

Linh Nga - MĐT K41

Phản hồi