Danh mục Thứ Hai, 25/11/2024

Tiêu điểm \

Ấn tượng cô gái GenZ với đam mê hát Xẩm

20:55 20-06-2024
Cô gái GenZ Nguyễn Thị Huyền chia sẻ về tình yêu hát Xẩm từ thuở nhỏ và mong muốn lan tỏa bộ môn nghệ thuật truyền thống tới người trẻ.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã tròn 10 năm kể từ khi cô gái trẻ Nguyễn Thị Huyền (2001) quyết định theo đuổi hát Xẩm. Bên cạnh công việc là nhân viên marketing cho 1 khách sạn Quốc tế tại Hạ Long, Huyền còn là thành viên của câu lạc bộ Xẩm 48h. Giữa cơn bão của những dòng nhạc hiện đại, cô gái Ninh Bình vẫn giữ vững một tình yêu son sắt với xẩm và chưa bao giờ có ý định từ bỏ loại hình dân ca truyền thống này. 

Cô gái trẻ Nguyễn Thị Huyền trong một tiết mục hát xẩm. (Ảnh: NVCC) 

Cơ duyên nào đã đưa Huyền đến với xẩm và “phải lòng” bộ môn này? 

Cơ duyên để xẩm đến với tôi cũng rất tình cờ. Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Đây là vùng đất mà cố nghệ nhân Hà Thị Cầu sinh sống.

Năm 2014, khi cụ mất được 1 năm, tôi đang học lớp 8, vào ngày 20-11 trường tôi tổ chức văn nghệ. Thầy giáo dạy âm nhạc đã phát động phong trào dựa theo phong trào của huyện Yên Mô lúc bấy giờ, đó là lớp nào có hát xẩm thì sẽ được cộng điểm. Hồi đó lớp tôi là lớp chọn lại rất năng nổ trong các hoạt động tập thể. Thế nhưng tôi là học sinh duy nhất xung phong đi học môn đó, khi tham gia thì lớp học ở dưới huyện, tôi được gặp thêm các anh chị, thầy cô dạy hát xẩm. Họ đã hỗ trợ tôi rất nhiều để hoàn thành tiết mục.

Sau lần biểu diễn đợt 20-11, tôi chính thức được gửi đi học ở lớp hát xẩm huyện Yên Mô. Lớp hát xẩm này được trích từ quỹ của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, cô giáo đứng lớp là cô Kim Ngân, mỗi xã chỉ được cử 2 bạn đi học thôi và tôi may mắn là một trong 2 bạn đó. Cứ thế tôi gắn bó với xẩm đến giờ. 

Là một bạn trẻ GenZ được sinh ra trong cái thời mà những dòng nhạc trẻ lên ngôi như rock, pop, ballad… Vậy ở một dòng nhạc khá xưa cũ như xẩm, điều gì khiến nó trở nên đặc biệt đối với Huyền? 

Tôi vẫn yêu thích những dòng nhạc trẻ, thuộc nhiều bài hát, yêu thích nhiều ca sĩ. Tuy nhiên tại sao tôi lại thích hát xẩm, đầu tiên là do nó gắn liền với quê hương của người cố nghệ nhân tôi yêu thích - cụ Hà Thị Cầu. Tiếp đến là tôi được gặp và quen biết nhiều anh chị trong nghề, học hỏi từ họ nhiều điều. Cuối cùng là do những giá trị mà nó mang lại.

Xẩm có giá trị cả về nghệ thuật và lịch sử. Cái thời mà chưa có thông tin liên lạc thì hát xẩm trở thành phương thức liên lạc kết nối mọi người, những câu hát mang được đi muôn nơi. Hay nội dung mà những bài hát xẩm truyền đạt cũng rất ý nghĩa như bài “Xẩm Thập ân” nói về công ơn cha mẹ. Tình yêu xẩm đã ăn sâu vào con người tôi và tôi luôn mong muốn phát triển, giữ gìn nó. 

Xẩm được đánh giá là một thể loại âm nhạc khó, Huyền có thể chia sẻ về hành trình luyện tập hát xẩm để có được những kết quả như hiện tại? 

Với tôi hát xẩm dễ hơn hát chèo. Hồi còn đi học lớp cô Kim Ngân, mỗi tuần sẽ có 2-3 buổi học vào cuối tuần. Cô dạy từng câu một, sau đó chúng tôi hát lại, trong xẩm còn có nhịp phách, tập gõ phách nội, phách ngoại. Tôi thấy mình cũng có năng khiếu, tôi học rất nhanh và hát theo y hệt. Có những bài dài 2-3 trang giấy, tôi lên trên mạng tải về và đeo tai nghe, nghe đi nghe lại. Để theo xẩm vừa phải kiên trì vừa phải chăm chỉ. Kiên trì là phải theo đến cùng, lớp học của tôi cũng có nhiều bạn nghỉ giữa chừng và khi lớp học kết thúc cũng có nhiều bạn không theo nữa. Chăm chỉ là phải ôn lại nhiều lần, nhuần nhuyễn, một câu hát vang lên cũng phải biết đó là bài nào, mỗi làn điệu phải ăn sâu vào trí nhớ, vào máu.

Ngày xưa tôi chỉ có 1 đôi sênh bằng tre tự tập luyện trong phòng. Bố tôi và một số họ hàng không thích tôi theo nghề này, hỏi tôi rằng tại sao lại học một môn nghệ thuật ít người theo như vậy. Còn mẹ tôi lại ủng hộ hết mình, miễn không ảnh hưởng đến việc học. Trước những ý kiến không đồng tình, tôi mặc kệ thôi, quan trọng là mình thấy thích và muốn theo đuổi. Thế nhưng tôi vẫn rất tự ti, đến những năm cấp 3 mới dám đứng hát trước người thân. 

Huyền theo xẩm cũng đã được 10 năm, hành trình nào cũng có những khó khăn, vậy trong hành trình của mình, những khó khăn mà Huyền từng trải qua là gì? 

Nói về khó khăn thì đối với tôi có 2 giai đoạn. Đó là giai đoạn mới bắt đầu học, tôi học được 2 khóa ở huyện thì không được đi học nữa, tôi cũng không biết nguyên nhân. Sau này tôi quen được thầy Đào Bạch Linh truyền nhân cuối của cụ Hà Thị Cầu nhưng thầy lại ở tận Hải Phòng.

Giai đoạn thứ hai là năm năm 2017 khi tôi học lớp 10, tôi quyết tâm học đàn nhị, đàn nhị khó kéo, tôi chỉ biết vài làn điệu cơ bản mà tôi vốn có bàn tay dễ ra mồ hôi lại nhỏ và yếu nên khi kéo đàn hay bị bết rít. Học đàn nhị trong hát xẩm khác với học cảm âm trong các trường âm nhạc. Cuối cùng tôi từ bỏ học đàn nhị, chỉ biết đánh trống và chơi sênh. Rồi tôi trở nên tự ti, tự hỏi bản thân là liệu mình có hát được không, mình có tố chất không hay mình chỉ hát cho vui. Hồi đấy cứ ai nói gì động đến giọng của mình là tôi lại khóc. Sau này tôi gia nhập nhóm Xẩm 48h, được các anh chị giúp đỡ cả về kỹ năng lần tinh thần mới khiến tôi tự tin hơn. 

Nguyễn Thị Huyền (thứ 2 từ phải qua) trình diễn hát xẩm với nhóm Xẩm 48h. (Ảnh: NVCC) 

Đứng trước những khó khăn, có bao giờ Huyền muốn từ bỏ xẩm không? Điều gì đã giữ chân Huyền ở lại với xẩm? 

Tôi chưa từng muốn từ bỏ xẩm bởi đâu phải từ bỏ là xong, vốn liếng của mình vẫn còn đó. Bản thân tôi muốn theo đuổi đến cùng .Mỗi tuần tôi vẫn dành thời gian đi tập, tập để chỉn chu, để không quên nhịp điệu. Tôi theo xẩm không phải để đạt được những danh xưng quá lớn như nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú hay nghệ sĩ dân gian mà tôi chỉ muốn học cho chính bản thân, vì niềm yêu thích của bản thân.

Bây giờ mọi người đã đón nhận cái nghề này của tôi nhiều hơn. Bà ngoại rất thích nghe tôi hát, thỉnh thoảng tôi về trình diễn cho làng mình nghe. Họ không đặt cho tôi những câu hỏi như nghề này có phát triển hay không mà hiện tại nó còn là xu hướng của thời đại, mình phải bảo tồn, giữ gìn nó. 

Trên hành trình của mình hẳn là Huyền đã trải qua nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, Huyền có thể chia sẻ về sân khấu đầu tiên Huyền được thể hiện đam mê của mình trước khán giả và cảm xúc lúc đó như thế nào?  

Lần đầu tiên tôi được trình ở một sân khấu lớn là chương trình kỉ niệm Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới năm 2014. Chúng tôi là nhóm xẩm đầu tiên và duy nhất biểu diễn ở cổng chào Tràng An. Chúng tôi đã luyện tập rất nhiều, lần đầu tiên tôi được hát trước mọi người, lúc đó tôi mới học lớp 9. Chương trình được phát sóng trực tiếp toàn Ninh Bình trong 2 tiếng. Tôi tự hào lắm vì tôi không nói gì cả nhưng được gia đình, bạn bè nhận ra trên truyền hình. 

Vậy đâu là điều giá trị nhất mà Huyền nhận được khi kiên trì theo đuổi xẩm? 

Đối với tôi, tất cả mọi thứ đến với mình đều là vô giá. Tôi được học làn điệu , nhạc cụ dân gian, gặp gỡ các nghệ sĩ gạo cội, được chứng kiến họ yêu xẩm như thế nào, ăn ngủ với xẩm như thế nào. Đặc biệt, những anh chị trong nhóm Xẩm 48h thực sự đã trở thành những người thân của tôi, đi đâu chúng tôi cũng nghĩ đến nhau.

Đến bây giờ, thậm chí có nhiều người yêu quý tôi vì dám đi ngược lại với số đông, gìn giữ bộ môn nghệ thuật dường như bị thất truyền. Vì vậy, xẩm đã mang đến cho tôi nhiều giá trị quý giá về cuộc sống, con người. 

Trong xã hội hiện đại, ngày càng có nhiều loại hình nghệ thuật mới mẻ, hấp dẫn ra đời, vậy làm sao để các bạn trẻ biết đến những loại hình truyền thống nhiều hơn và phát huy chúng tốt hơn? 

Đây là điều mà chúng tôi vẫn luôn trăn trở. Cái này thì phải thực hiện từ từ, dần dần. Nhóm Xẩm của tôi cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như kết hợp với chương trình “Xe buýt 2 tầng”, quảng cáo xẩm qua mạng xã hội, làm marketing. Quan trọng là những người hát xẩm phải luôn thổi hồn mới cho nó, cập nhập bài thơ, bài hát theo thời đại biến tấu với xẩm, tếu táo một chút cũng được. Từ ngữ trong bài xẩm phải thân thiện, gần gũi với người trẻ vì các cụ ngày xưa hay dùng lời cổ, từ Hán Việt khi hát.

Ví dụ như ca sĩ Hà Myo kết hợp nhạc điện tử với xẩm, đó cũng là một cách mang xẩm đến gần hơn với người trẻ. Tuy nhiên dù biến tấu như thế nào vẫn phải giữ được nguồn gốc của nó. Có một số người bảo hát xẩm là “nghề ăn xin” vì khi biểu diễn bao giờ cũng có một cái thau đằng trước, không diễn trong nhà nhiều hay phải mua vé như những chương trình ca nhạc, thường xướng ở sân đình, góc chợ. Thế nhưng, cái thau đó thực chất là để mọi người hướng tiền vào, không phải cho và diễn ở ngoài trời là một nét đẹp truyền thống của xẩm. Vì vậy khi người trẻ tìm hiểu về xẩm mà chỉ biết đến cái ngọn mà không biết đến cái gốc thì không bảo tồn được. 

Cảm ơn Nguyễn Thị Huyền về những chia sẻ! 

Câu lạc bộ "Xẩm 48h" nằm trong nhóm Chèo 48h - một dự án Giáo dục văn hóa nghệ thuật cổ truyền đến với công chúng hiện đại (đặc biệt là giới trẻ) thông qua các hình thức tiếp cận gần gũi, sáng tạo, được hình thành từ năm 2014 sau khi giành Giải nhất cuộc thi “ Ý tưởng tôi 20”. Ra đời muộn hơn dự án Chèo 48h 2 năm, câu lạc bộ Xẩm 48h hoạt động với mô hình lớp học trải nghiệm, thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm. Câu lạc bộ Xẩm 48h có thể coi là một đại diện ưu tú nhất cho thế hệ trẻ gắn bó với hát xẩm. 
Trịnh Ly

Phản hồi