Danh mục Chủ Nhật, 29/09/2024

Tiêu điểm \

Khán giả Việt có đang chiều hư nghệ sĩ? 

20:00 20-06-2024
Sau nhiều bê bối về đời tư, nhiều nghệ sĩ vẫn “ngang nhiên” hoạt động nghệ thuật, nhận được nhiều sự tin tưởng của khán giả. Điều đó đặt ra câu hỏi: Liệu khán giả Việt có đang quá dễ dãi với nghệ sĩ? 

Đăng hình bán khoả thân lên mạng xã hội, ngoại tình, bỏ đói con, nghi ngờ sử dụng chất cấm,... thật khó để nghĩ rằng tất cả những từ ngữ trên, lại được dùng để miêu tả về một người nghệ sĩ với nhiều sáng tác hay, được giới trẻ yêu thích. Nhắc đến Thắng, cựu thành viên của Ban nhạc Ngọt, người ta không chỉ nhớ đến anh qua âm nhạc, mà nhắc nhiều hơn cả là những bê bối đời tư tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Vũ Đinh Trọng Thắng - cựu thành viên Ban nhạc Ngọt gây nhiều tranh cãi về đời tư. (Ảnh: Cổ Động) 

Người nghệ sĩ xưa nay vẫn luôn được coi là “khuôn vàng thước ngọc” trong mắt công chúng, là hình mẫu lý tưởng để công chúng nhìn theo, song có lẽ không phải ai cũng “giữ được mình” trong giới giải trí đầy bon chen. Mang trong mình giá trị đạo đức suy đồi, nhân cách xuống thấp, thế nhưng rất nhiều những người nghệ sĩ như thế vẫn đang hoạt động nghệ thuật, vẫn nhận được nhiều tình cảm và sự tin tưởng của người hâm mộ, làm không ít người đặt ra câu hỏi: Liệu khán giả có đang quá dễ dãi với người nghệ sĩ hay không? 

Trên thực tế, câu chuyện về sự dễ dãi, chóng quên của khán giả đối với nghệ sĩ “lệch chuẩn” chưa bao giờ là một chủ đề mới, xong lại đáng để bàn luận hơn bao giờ hết, bởi ngày càng nhiều những nghệ sĩ trẻ bộc lộ sự xuống cấp về đạo đức, nhân cách độc hại, thậm chí làm mất đi những giá trị đẹp đẽ vốn có của hai từ “nghệ sĩ".

Nhìn lại một năm trước đây, mạng xã hội bùng nổ trước thông tin nữ ca sĩ Hiền Hồ vướng scandal hẹn hò với một người đàn ông đã có gia đình, phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Tại thời điểm đó, trước làn sóng chỉ trích của dư luận, nữ ca sĩ tạm ở ẩn một thời gian, cụ thể là nửa năm, áp dụng những phương thức quen thuộc là “xin lỗi rồi thoát tội", tung ra sản phẩm mới, vẫn được nhiều khán giả đón nhận. Có lẽ Hiền Hồ cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì khán giả đã quên đi những sai lầm của cô trong quá khứ, hay đến chính khán giả có lẽ cũng coi đây không phải một vấn đề to tát vì họ thậm chí không nhớ, mình đã từng cương quyết thế nào với những bình luận trên mạng xã hội yêu cầu “phong sát" nữ nghệ sĩ. 

Hiền Hồ vẫn “thản nhiên” hoạt động nghệ thuật sau scandal "anh em nương tựa". (Ảnh: FB Hiền Hồ) 

Gần đây nhất, câu chuyện về nữ rapper Tlinh (Nguyễn Thảo Linh) gây nên nhiều tranh cãi trong công chúng. Nổi tiếng đi cùng với tai tiếng có lẽ chính là cụm từ đúng nhất để miêu tả nữ rapper này. Từ những phát ngôn vạ miệng khó hiểu đến những bê bối tình cảm cá nhân, gần đây nhất là màn trình diễn trong trang phục cắt siêu ngắn, tết tóc hai bên nhưng thể hiện vũ đạo nhạy cảm không phù hợp, gợi đến xu hướng tiêu cực tình dục hoá trẻ em. Tuy nhiên sau tất cả những xuống cấp đạo đức chấn động ấy, Tlinh vẫn là một trong những gương mặt nghệ sĩ đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp âm nhạc, được khán giả trẻ đón nhận theo cách “nghe nhạc không nghe đời tư". Có lẽ, lý do khiến những nghệ sĩ như Tlinh vẫn chưa thực sự nhìn nhận được những ảnh hưởng tiêu cực từ các hành động của mình trước công chúng, chính là vì khán giả Việt vẫn đang  quá bao dung, chiều “hư” nghệ sĩ Việt. 

 Tlinh gây nhiều tranh cãi vì trang phục biểu diễn nhạy cảm. (Ảnh: @heyiman_._.)

Ở Trung Quốc, công chúng rất khắt khe với hình tượng nghệ sĩ. Năm 2019, mạng xã hội Trung Quốc rúng động khi diễn viên hạng A Trịnh Sảng bị bắt vì trốn thuế. Chưa đầy ba năm sau, ca sĩ Ngô Diệc Phàm - cựu thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng EXO cũng bị bắt vì tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, cùng bê bối sử dụng chất kích thích. Tất cả sự nghiệp lụi tàn trong phút chốc, không những phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải đi tù, bồi thường thiệt hại, những nghệ sĩ này đánh mất cả tình yêu thương, sự ủng hộ của khán giả, hình ảnh bị hạn chế, cấm sóng thậm chí phong sát để không thể quay trở lại con đường nghệ thuật được nữa. Cái giá phải trả cho một hành động phi đạo đức nghệ sĩ, quả thực quá đắt so với những gì họ đã kiếm được trước đây. 

Trở lại với nước ta, Bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ được Bộ Văn Hoá Thể thao và Du lịch ban hành ngày 13/12/2021, đã chỉ ra những chuẩn mực ứng xử cho nghệ sĩ, người của công chúng đối với đối tượng nghề nghiệp, đồng nghiệp, khán giả. Chuẩn mực ứng xử dành cho nghệ sĩ đã được thiết lập, song có lẽ cần thiết hơn cả phải là một bộ quy tắc ứng xử dành cho khán giả, quy định những quyền của khán giả đối với nghệ sĩ, mà hơn hết là quyền được từ chối tiếp nhận sản phẩm nghệ thuật đến từ những nghệ sĩ “lệch chuẩn". Đã đến lúc khán giả Việt thể hiện trách nhiệm với chính bản thân mình, với những sản phẩm nghệ thuật mình tiếp nhận, với những nghệ sĩ mà mình yêu thích một cách khắt khe hơn, có chọn lọc hơn. 

Dẫu biết ai cũng có quyền được thể hiện cái tôi cá nhân và những cảm xúc của mình trước mỗi sự việc trong đời sống, dù là nghệ sĩ hay bất cứ ai thì cũng đều là con người, song một khi đã là người của công chúng, đã sống bằng tình yêu thương của khán giả, những người nghệ sĩ thời đại mới thật sự cần tìm cách giữ mình, để giữ lại được tình yêu và sự tin tưởng của khán giả. 

Phương Linh, Mai Hương

Phản hồi