Danh mục Thứ Ba, 30/04/2024

Tiêu điểm \

Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa đậm nét người Việt

11:50 06-06-2022
Khu di sản Hoàng thành Thăng Long uy nghi giữa lòng Hà Nội trong suốt 14 thế kỷ qua, chứng kiến và ghi dấu những đổi thay về văn hóa qua các thời kỳ lịch sử của cả dân tộc.

Khu di sản Hoàng thành Thăng Long nằm trên con đường Hoàng Diệu với diện tích vùng đệm là 108 ha và diện tích vùng lõi là 18,395ha, bao gồm: Khu di tích thành cổ Hà Nội (số 19C Hoàng Diệu, Điện Bàn, Ba Đình, Hà Nội) và Khu di tích khảo cổ (số 18 Hoàng Diệu, Điện Bàn, Ba Đình, Hà Nội) 

Khu di tích tích thành cổ Hà Nội bắt đầu khởi nguồn từ thời kì tiền Thăng Long (thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê và được phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn.  

 

Hoàng thành Thăng Long - số 19C Hoàng Diệu, Điện Bàn, Ba Đình, Hà Nội.

Thăng Long - Hà Nội chịu ảnh hưởng văn hóa từ nền văn hóa phương Đông, phương Tây, của chủ nghĩa thực dân và các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc sau Chiến tranh thế giới thứ II. Với bề dày 1000 năm lịch sử, di tích vẫn mang nhiều dấu ấn giá trị văn hóa sâu đậm trong quá trình giao thoa, chịu ảnh hưởng từ các tác động nội, ngoại cảnh. Đặc biệt khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là bộ phận quan trọng nhất, phản ảnh sinh động về lịch sử phát triển lâu đời của Kinh thành Thăng Long - Kinh đô Đại Việt qua nhiều bằng chứng về khảo cổ tìm được. Dù có nhiều đổi thay theo thời gian và biến cố lịch sử nhưng phải khẳng định di tích ở Hoàng thành mang tầm quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích đô thị cổ, trung, cận, hiện đại của nước ta. Một số di tích được khai quật và giữ gìn tới thời điểm hiện tại có thể kể đến như Kỳ Đài, Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu... cùng với các di vật khảo cổ, cổ vật trên mặt đất và dưới lòng đất. Đồng thời, những nét mỹ thuật, văn hóa từ các di tích mỹ thuật, kiến trúc từ thời Lý trở đi và trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa với các quốc gia trên thế giới đã làm cho khu di tích Hoàng thành Thăng Long là một trong những di sản văn hóa lớn nhất của dân tộc Việt Nam và mang tầm vóc của thế giới.

Hoàng thành Thăng Long - địa điểm không thể bỏ qua khi tới Hà Nội. 

Đến thăm quan Hoàng thành Thăng Long, được hòa mình vào không gian văn hóa - lịch sử nơi đây, bạn Phí Thị Khánh Huyền (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Mình rất thích không khí khi bước vào Hoàng thành Thăng Long, mặc dù thời tiết ngoài trời khá nóng nhưng có nhiều cây to, nên vô cùng mát mẻ và dễ chịu. Điều làm mình cảm thấy ấn tượng nhất khi đến Hoàng thành Thăng Long đó chính là có rất nhiều di vật làm bằng đá, đất nung tinh xảo từ nhiều thời kỳ, rất đẹp và còn khá nguyên vẹn. Là một người yêu thích lịch sử nước nhà, vì vậy khi đến Hoàng thành, được ngắm nhìn những dấu tích văn hóa cổ xưa sót lại được trưng bày đó khiến mình cảm thấy vô cùng xúc động và thêm tự hào về văn hóa của dân tộc mình.” 

Được khai quật vào tháng 12 năm 2002, nằm bên ngoài khuôn viên của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích khảo cổ tại số 18 Hoàng Diệu có tổng diện tích là 4,53 ha. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều dấu tích nền móng của các công trình gỗ và nhiều di vật có giá trị và tuổi đời lớn. Hơn nữa, nơi đây còn tìm được minh chứng quan trọng của nhiều loại hình di vật cung điện xưa ẩn sâu dưới lòng đất. Ngoài ra khu tích còn phát hiện nhiều đồ dùng, vật dụng của các nước như: Nhật Bản, Tây Á,... thể hiện quá trình tiếp biến văn hóa của Thành Thăng Long.

 

Khu di tích khảo cổ - số 18 Hoàng Diệu.

“Đây là lần đầu tiên mình tới Hoàng thành Thăng Long. Nơi đây rất rộng, không khí thoáng đãng mang cho mình cảm giác yên bình vô cùng. Mình không chỉ được tham quan, tìm hiểu về các di tích, cổ vật trưng bày thể hiện văn hóa đặc trưng của từng giai đoạn thời kỳ của nước ta bên trong khu di tích thành cổ Hà Nội mà còn được tham quan khu di tích khảo cổ. Mình quan sát được thấy có khá nhiều các di vật cổ, dấu tích kiến trúc cổ truyền của Việt Nam được khai quật dưới lòng đất mang cho mình cảm giác thích thú, bồi hồi khó tả”, bạn Minh Thư (Hải Phòng) chia sẻ.

Những giá trị văn hóa đậm nét nơi Hoàng thành đã mang tới cho công trình kiến trúc độ Hoàng thành Thăng Long trở thành một trong những di sản văn hóa lớn nhất Việt Nam đồng thời mang tầm vóc của quốc tế khi được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (2010).

Hoàng thành Thăng Long nơi lưu giữ, chứa đựng những giá trị văn hóa khổng lồ trong quá trình biến đổi và phát triển từ các triều đại phong kiến cho tới nay đã phần nào khẳng định sức sống mãnh liệt, bền bỉ của một nền văn hóa lâu đời đậm nét bản sắc của người Việt. 

Mai Quỳnh - Báo in K40

Phản hồi