Danh mục Thứ Hai, 25/11/2024

Tiêu điểm \

Giữ gìn nét đẹp văn hoá 700 năm tuổi của làng gốm Bát Tràng

23:37 23-11-2023
Làng gốm Bát Tràng tọa lạc tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội và là một trong những làng nghề có bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử. Những năm gần đây, Bát Tràng luôn đổi mới để duy trì truyền thống và phát triển du lịch với những mô hình độc đáo.

Người dân Bát Tràng với việc giữ gìn làng nghề truyền thống

Trong sản xuất và đời sống, người dân nơi đây rất có ý thức bảo vệ nghề nghiệp. Các công đoạn sản xuất được chuyên môn hoá và phân công cho từng nhóm người. Trước đây, Bát Tràng có tục lệ trai gái trong làng lấy nhau, hoặc con trai có thể lấy vợ làng ngoài, nhưng con gái không được lấy chồng làng khác, vì sợ để lộ bí quyết nghề nghiệp. Bí quyết nghề nghiệp được bảo vệ chặt chẽ, chỉ truyền cho nam giới và phải là con cháu mình. 

Theo thống kê của Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng, 90% thanh niên tại đây biết làm gốm. Tham quan một vòng quanh làng có thể rất dễ nhận thấy là hầu như nhà nào cũng làm gốm. Nếu không trực tiếp làm gốm thì họ mở cửa hàng, bán online, buôn sỉ,.....

Tìm đến xưởng sản xuất gốm của gia đình chú Trần Tuấn, có thể thấy hiện nay quy trình làm gốm thủ công vẫn được duy trì rất tốt với nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. “Chú làm gốm đến nay đã được 30 năm, trước thì bố chú làm sau thì truyền lại cho chú làm đến bây giờ. Mức thu nhập cũng không phải cao nhưng được làm nghề mình yêu thích là vui rồi" - chú Tuấn chia sẻ.

Cơ sở sản xuất gốm ngay tại nhà của chú Tuấn. (Ảnh: Đỗ Ngọc) 

Mỗi chiếc bình gốm ra đời đều trải qua các công đoạn cực kỳ tỉ mỉ, cẩn thận như lấy đất cao lanh về nhào, vuốt lên sản phẩm, phơi, vẽ hoa văn rồi phủ men, nung,... Quá trình sản xuất thủ công tuy vất vả, tốn thời gian hơn so với các quy trình sản xuất hàng loạt nhưng lại cho ra đời được những sản phẩm gốm rất độc đáo, sáng tạo.

Công đoạn vẽ hoa văn, phối màu cho sản phẩm đòi hỏi đầu óc sáng tạo, sự khéo tay. (Ảnh: Đỗ Ngọc) 

Phát triển mạnh hoạt động du lịch làng nghề

Nhắc đến làng gốm Bát Tràng người ta thường sẽ nghĩ ngay đến Bảo tàng gốm Bát Tràng. Nơi đây gây ấn tượng mạnh bởi lối kiến trúc đẹp mắt, có sự kết hợp giữa phong cách thiết kế hiện đại và xưa cũ. Bảy xoắn ốc khổng lồ lấy ý tưởng từ những bàn xoay gốm chính là kiến trúc tổng thể của bảo tàng. Nhìn từ xa, khách tham quan sẽ dễ dàng cảm nhận sự mềm mại, độc đáo và bắt mắt của những đường cong bên ngoài toà nhà.

Kiến trúc độc đáo của Bảo tàng gốm Bát Tràng. (Ảnh: Đỗ Ngọc) 

Bảo tàng gốm Bát Tràng là nơi trưng bày nhiều sản phẩm gốm sứ được chế tác một cách tỉ mỉ, cẩn thận. (Ảnh: Đỗ Ngọc) 

Trước đây, khi đến Bát Tràng, khách chỉ được quan sát các nghệ nhân trong tạo tác sản phẩm gốm sứ. Thời gian gần đây, “sân chơi” gốm đã được thành lập để phục vụ nhu cầu trải nghiệm nghề, gây ấn tượng mạnh với công chúng. 

Tại đây, để tham gia hoạt động “thử làm nghệ nhân”, khách chỉ cần chi trả số tiền là 10.000 đồng/lần. Sau khi nặn, hình gốm sẽ được nung sơ. Nếu muốn có sản phẩm gốm hoàn thiện, khách tham quan có thể tiếp tục với hành trình trải nghiệm “vẽ trang trí sản phẩm”, chi phí của công đoạn này là 25.000 – 30.000 đồng. 

Mô hình trải nghiệm làm gốm được rất nhiều các bạn trẻ yêu thích. (Ảnh: Đỗ Ngọc) 

Theo chú Trần Tuấn, mỗi nghệ nhân, thợ giỏi ở Làng nghề Bát Tràng đều là một mắt xích quan trọng trong sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Chính họ đã gìn giữ “ngọn lửa nghề” suốt nhiều năm qua, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia để ngọn lửa trong các lò nung và “ngọn lửa” tình yêu với nghề gốm truyền thống không bao giờ tắt. 

Đỗ Ngọc - Báo in K41

Phản hồi