Kỳ công nghề ướp trà sen
Không phải ngẫu nhiên mà trà sen Tây Hồ trở thành một thức quà nổi tiếng của Hà Nội. Trà sen quý bởi đó sự hòa quyện hoàn hảo giữa hương vị đậm đà của chè Tân Cương (Thái Nguyên) với hương thơm nhẹ nhàng tinh khiết của gạo sen Bách Diệp - loại sen có đến hàng trăm cánh, hương thơm đằm hơn sen các vùng khác.
Sinh ra trong gia đình có 7 đời gắn bó với nghề ướp trà sen, anh Ngô Kiều Hưng bộc bạch: “Để có được những chén trà ngát hương sen, công việc đầu tiên là hái sen vào sáng sớm khoảng từ 4 đến 5 giờ. Những người hái sen phải tính toán tỉ mỉ làm sao để sen được cắt về vào thời gian có hương vị thơm nhất trong ngày”.
Theo kinh nghiệm xưa truyền lại, sáng sớm chính là thời điểm sen ngâm mình sau một đêm ngậm sương và tỏa ra hương thơm ngào ngạt nhất. Sau đó, người làm trà nhanh chóng tách nhị hoa (hay gạo sen) khỏi bông sen rồi dùng để ướp trà. Việc lấy gạo sen bông hoa là công đoạn khó nhất. Nghệ nhân phải nhanh tay, khéo léo sao cho “túi hương” không bị vỡ nát, bay mất hương thơm.
Hiện nay, có nhiều cách ướp trà nhưng để có được hương vị thơm ngon nhất nên ướp theo cách truyền thống. Đầu tiên, người thợ ướp trà với chính những cánh hoa sen nhỏ trong hai ngày. Người ta tách trà khỏi cánh sen, đem sấy khô rồi mới bắt đầu ướp. Cứ mỗi 1 cân chè phải dùng 2 lạng gạo sen cho một lần ướp. Ướp xong lại đem sấy khô sau đó ướp tiếp lần hai. Vì hương sen chỉ thoang thoảng, nên để hương sen ngấm sâu vào búp trà, các công đoạn phải lặp đi lặp lại đến bảy lần mới xong.
Anh Hưng cho biết: “Để ướp được 1 kg chè thành phẩm, cần từ khoảng 2000 bông hoa trở lên. Không có gì đáng ngạc nhiên khi 1 kg chè sen Quảng An có giá 8 đến 10 triệu đồng”.
Với trà sen ướp xổi, nghệ nhân cho trà khô vào bên trong những búp sen, sau đó bọc lá sen vào bông hoa và khéo léo dùng lạt buộc lại ở cuống hoa, để từng búp chè đều được gói gọn trong hương sen thơm thoảng. Bông trà tiếp tục được cắm trong nước khoảng 2 ngày và bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng dần. “Trà có hương thanh mát, dịu nhẹ của sen. Dù đã pha nhiều lần, vị trà đã nhạt bớt và nước đã trắng hơn nhưng hương sen vẫn còn cảm nhận được rõ rệt”- anh Nguyễn Hữu Thịnh (Quận Cầu Giấy) thường xuyên sử dụng trà sen cho hay.
Giữ gìn nghề truyền thống
Thưởng thức trà sen phải tinh tế và tỉ mỉ mới có thể cảm nhận hết cái tinh khiết, an yên ở từng chén trà. Trà sen quý cũng chính ở sự công phu, kỳ công của những người nghệ nhân làm trà. Để lưu giữ nét đẹp của trà sen trong văn hóa thưởng trà, tháng 7 năm 2012, trà ướp sen hồ Tây bằng phương pháp thủ công từ hàng trăm năm mang thương hiệu Chè sen Quảng An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ tổng hợp Quảng An.
Ngày nay, đời sống kinh tế xã hội phát triển, kéo theo sự du nhập của những thức uống mới, vì thế mà nghề ướp trà sen cũng trải qua không ít thăng trầm. Những năm gần đây, vùng nguyên liệu làm trà sen trở nên khan hiếm, giá hoa bị đẩy lên cao khiến người làm trà gặp nhiều khó khăn, không ít gia đình đã phải chuyển nghề khác. Anh Hưng cho biết thêm: “Do thời tiết bây giờ không được như ngày xưa nữa, môi trường nước cũng ngày càng bị ô nhiễm nên số lượng hoa sen quanh hồ cũng ngày càng ít”.
Cùng với đó, phương pháp làm thủ công tạo nhiều áp lực khiến thế hệ trẻ theo nghề cha ông không nhiều. Đã có những lúc bông hoa, cánh trà ấy tưởng như bị quên lãng, nhưng những người làm nghề như anh Hưng vẫn kiên quyết giữ cho bằng được một trong những nét văn hóa thanh tao của Thủ đô.
Phản hồi