Danh mục Thứ Năm, 19/09/2024

Tiêu điểm \

Bảo tàng Hà Nội trưng bày chuyên đề chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam

20:21 21-11-2023
Chiều 21/11, tại Bảo tàng Hà Nội diễn ra lễ khai mạc trưng bày các chuyên đề: “Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê”; “Lịch sử hình thành trái đất thông qua bộ sưu tập hiện vật hoá thạch”; “Tinh hoa làng nghề Việt qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại”.

Tham dự buổi khai mạc gồm có PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia cùng các nhà nghiên cứi và sinh viên của nhiều trường đại học. 
Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, buổi trưng bày là dịp để Bảo tàng Hà Nội giới thiệu bộ sưu tập vũ khí Ngọc Khánh gồm 111 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận công nhận Bảo vật Quốc gia tại Quyết định số 41/QĐ-TTg (đợt 11, năm 2022). 

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà phát biểu khai mạc. 

Tại buổi lễ, GS, Viện sĩ, Ngô Xuân Bính chia sẻ: “Buổi trưng bày là cơ hội phục dựng lại tinh thần yêu nước và tinh thần đại đoàn kết của dân tộc ta trong suốt khoảng thời gian chống giặc ngoại xâm, qua đó khẳng định hồn thức của một quốc gia phải gắn liền với truyền thống và khí chất".

Các đại biểu cắt băng khai mạc chương trình.  

Triển lãm trưng bày với chuyên đề “Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê” giới thiệu đến công chúng hơn 200 hiện vật, hình ảnh, tài liệu về Giảng Võ trường- nơi đào tạo quan võ và binh linh cho triều đình và các loại hình vũ khí thời Lê. 
“Triển lãm không chỉ giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, thể hiện sức sáng tạo, chính sách võ bị của các triều đại phong kiến mà qua đó còn cho thấy tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của nhân dân ta, một pháo đài bất khả xâm phạm, sức mạnh toàn dân đã đánh bại mọi kẻ thù”, Giám đốc Đà khẳng định.

Các hiện vật vũ khí trong bộ sưu tập thời Lê.  

Cũng trong sự kiện, chuyên đề “Tinh hoa làng nghề Việt qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại” đã tập trung giới thiệu 10 làng nghề tiêu biểu: Làng nghề đậu bạc Định Công, thêu Khoái Nội, mây tre đan Phú Vinh, điêu khắc Nhân Hiền, khảm trai Chuôn Ngọ, nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, lược sừng Thụy Ứng, gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh dân gian Hàng Trống. Tất cả đều được thể hiện thông qua góc nhìn thiết kế sáng tạo của nhóm sinh viên đến từ 09 trường đại học của Việt Nam. 

Hiện vật về nghề “Khảm trai Chuôn ngọ” được trưng bày tại triển lãm.  

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng giới thiệu tới khán giả bộ trưng bày “Lịch sử hình thành trái đất thông qua bộ sưu tập hiện vật hóa thạch” với những mẫu vật có giá trị cao về mặt lịch sử và khoa học giúp tái hiện lại một vùng đất cổ sinh, từ đó kiến tạo nên không gian dành cho những người yêu thích cổ sinh vật học và hóa thạch. 

Các hiện vật về hệ thực vật Trias muộn Nori-ret của Việt Nam.  

Hoàng Hiệp - Phạm Duyệt

Phản hồi