Danh mục Thứ Hai, 01/07/2024

Tiêu điểm \

Độc đáo nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lào

11:36 19-05-2024
Nhiều năm qua, phụ nữ dân tộc Lào ở xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã duy trì, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, thêu, may trang phục truyền thống, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc.

Người phụ nữ dân tộc Lào bên khung cửi. (Ảnh: Phương Nam) 

Xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) không chỉ được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc hùng vĩ, thơ mộng mà còn mang đậm văn hóa bản sắc của nhiều dân tộc. Đặc biệt, nghệ thuật dệt thổ cẩm với những kỹ thuật tinh xảo là một trong những nét văn hóa đặc sắc được các phụ nữ dân tộc Lào giữ gìn và bảo tồn.

Nghề dệt truyền thống dân tộc Lào chứa đựng sắc thái văn hóa riêng. Vì vậy việc bảo tồn và truyền dạy một số công đoạn trong nghề dệt truyền thống của dân tộc Lào như: trồng bông, xé sợi, nhuộm màu… là rất quan trọng để tạo ra được một sản phẩm đẹp mắt, chất lượng tốt, thuận lợi khi sử dụng, có giá trị cao.

Khung cửi, con thoi và các sợi chỉ là những vật dụng phụ nữ dân tộc Lào dệt nên những sản phẩm độc đáo. (Ảnh: Phương Nam) 

Để sản xuất ra một sản phẩm thổ cẩm không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế mà còn là sự đầu tư tâm huyết và kỳ công. 

Bước thứ nhất là tách hạt bông (ỉu phải). Khi đã có hạt bông thì cần phải có dụng cụ tách hạt (ỉu phải) để lấy bông, người ta tách bông ra khỏi vỏ hạt bông, thường công đoạn này cũng mất nhiều thời gian; dụng cụ để tách hạt bông được chế tác thủ công, phần chân được lắp ráp hình chữ T, ở 2 đầu chữ T được ghép 2 thanh gỗ nhỏ dài khoảng 50cm, bản rộng khoảng 6cm, dày khoảng 3cm tạo thành chạc giống càng xe đạp; cách đầu trên của càng khung dụng cụ tách hạt bông khoảng 10cm có luồn 2 thanh gỗ dài khoảng 25cm được làm tròn, giữa 2 thanh gỗ tròn được luồn một thanh gỗ tròn khác dài khoảng 30cm liền với tay quay có tác dụng khi cho hạt bông người ta quay tay quay để hút hạt bông cho bông tách ra khỏi vỏ.

Bước thứ hai là bật bông (công phải). Bông đã được tách ra khỏi vỏ thì tiến hành bật bông cho tơi xốp, dụng cụ dùng để bật bông được chế tác đơn giản gồm cung bật bông (công tháp phải), lấy một cần tre nhỏ dài khoảng 01m làm gần giống như chiếc cung, dây cung bật bông thường được làm bằng sợi cây gai bện nhỏ, khi sử dụng họ sử dụng một đoạn tre nứa nhỏ để bật dây cung cho đều. Thúng đựng bông (xốn) có tác dụng để bật bông và không để bông bay bụi.

Để dệt được thổ cẩm cần có khung cửi, con thoi, các sợi chỉ đa dạng sắc màu và quan trọng nhất là một nghệ nhân lành nghề. (Ảnh: Phương Nam) 

Bước thứ ba là vê bông (lọ phải). Bông đã được làm tơi xốp, thì tiến hành vê bông thành các gòn bông (lọ phải) to bằng ngón tay trỏ, dài khoảng 40cm, khi bông đã được vê hết thì chuyển sang bước tiếp theo.

Bước thứ tư là xe sợi (phắn phải). Đây là công đoạn tách từ gòn bông để tạo thành sợi, họ sử dụng dụng cụ xe sợi để quay lấy sợi cho khỏi rối tạo thành cuộn chỉ sợi (náy phải)

Bước thứ năm là quay sợi (pia phải). Khi đã có đủ các quận chỉ sợi thì quay sợi (pia phải) để tạo quận sợi có vòng to rồi đem quận sợi đi giặt (tốp nặm) và đun hồ để ngâm sợi và đem phơi khô; họ sử dụng 02 cây tre dài để luồn vào trong các quận sợi, một cây để treo lên giống như sào phơi quần áo, cây treo thả xuống để cho quận sợi được căng ra…

Những họa tiết được thêu dệt một cách tỉ mỉ. (Ảnh: Phương Nam) 

Bước thứ sáu là lắp quận sợi (công quặng) và quay quận chỉ (phiến lót). Sau khi thu sợi rồi tiến hành cho từng quận vào “công quăng” có tác dụng cho sợi không bị rối, họ sẽ tách lấy một đầu dây sợi nối vào lõi chỉ và sử dụng công cụ quay cuốn thành quân chỉ sợi (phiến lót); thường phải có khoảng 30-40 quận chỉ sợi thì mới đủ để làm một xấp vải (cọn phải).

Bước thứ bảy là dải sợi (khên hú). Chuông khên là dụng cụ để cho các quận chỉ sợi vào, thường là 08 hoặc 10 quận chỉ sợi rồi cầm “chuông khên” kéo sợi dải quanh cột nhà sàn và được chia theo các bậc, tầm khoảng 08-10 bậc dải sợi thì đủ để dệt một xấp vải (cọn phải).

Bước thứ tám là thu sợi (củ phải). Khi đã rải đủ số sợi để dệt một xấp vải thì tiến hành thu sợi cho vào túi to để đựng rồi đem treo vào cạnh khung cửi và tiến hành luồn sợi vào khung cửi để dệt

Công đoạn dệt vải để tạo ra các sấp vải thổ cẩm với hoa văn trang trí tinh xảo. (Ảnh: Phương Nam)

Bước thứ chín là mắc sợi vào khung cửi (ký), dệt vải. Tiến hành luồn sợi vào khung cửi để dệt, họ luồn sợi qua lược dệt (phứm), luồn qua “khau hú”. Khi đã đan xong thì tiến hành dệt vải để tạo ra các xấp vải dệt truyền thống dân tộc Lào.

Từ việc trồng và thu hoạch cây bông, tách hạt bông, bật bông, vê bông cho đến công đoạn cuối cùng của việc mắc sợi vào khung cửi để dệt, mỗi bước đều được thực hiện với sự cẩn thận và đam mê. Để sản phẩm thổ cẩm hoàn thiện thường sẽ mất 15-20 ngày.

Người phụ nữ dân tộc Lào xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên bên những sản phẩm thổ cẩm do chính tay mình làm. (Ảnh: Phương Nam) 

Đồng bào dân tộc Lào thường dệt hoặc thêu nhiều loại hoa văn lên vải thổ cẩm, dùng làm áo, váy, khăn cài chéo. Mỗi nét hoa văn thổ cẩm Lào là nét tinh hoa văn hóa dân gian được chọn lọc, gìn giữ và truyền lại qua nhiều đời, phổ biến nhất là hoa văn, họa tiết cách điệu hình con rồng hai đầu, con chim công hai đầu, con hổ, đôi rắn quấn vào nhau, cây cối, hình chùa tháp nhiều tầng, hình người cưỡi voi… 

Bà Lò Thị Thưởng (nghệ nhân dệt thổ cẩm tại Mường Luân, tỉnh Điện Biên) cho biết: Trước kia ở bản nhiều người làm dệt, khung dệt đa số nhà nào cũng có, nhưng bây giờ chỉ còn vài người làm vào thời gian rảnh, chủ yếu phục vụ người trong bản. Trong tương lai, rất mong muốn được truyền lại nghề cho con cháu để có thể duy trì và bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của dân tộc.

Ngày nay, thế hệ trẻ trong bản đã phát triển thêm nhiều loại hoa văn, họa tiết thêu trên vải thổ cẩm, hoặc dệt tay, gồm các loại hoa lá, cây cỏ, muông thú trong tự nhiên, làm phong phú, đặc sắc hơn hình tượng trên nền vải dệt.

Các sản phẩm thổ cẩm sau quá trình dệt. (Ảnh: Phương Nam)

 Sự kết hợp tinh tế của màu sắc và chất liệu tạo nên 1 tấm hoa văn đẹp mắt. (Ảnh: Phương Nam)

Hoa văn trên những tấm thổ cẩm không chỉ là những họa tiết mỹ thuật mà còn là những câu chuyện, tâm trạng và triết lý cuộc sống của người Lào. Mỗi họa tiết mang lại một thông điệp sâu sắc, là nguồn cảm hứng không ngừng cho những người nghệ nhân.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm giới thiệu các sản phẩm cho du khách. (Ảnh: Phương Nam)

Dẫu xã hội hiện đại phát triển nhưng những người phụ nữ Lào ở Mường Luân vẫn cần mẫn bên khung cửi, vẫn đều tay đưa những con thoi dệt nên hoa văn độc đáo của dân tộc.

Phương Nam - Báo Ảnh K40

Phản hồi