Danh mục Thứ Tư, 03/07/2024

Tiêu điểm \

Tân Triều (Hà Nội): Đa làng nghề, nhiều phát thải

14:05 18-05-2024
Xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội được biết đến là một địa phương đa làng nghề. Qua nhiều năm, nơi này vẫn chờ những giải pháp tối ưu để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí do quá trình sản xuất các sản phẩm làng nghề.

Cùng ăn, cùng ở với ô nhiễm

Thôn Triều Khúc, xã Tân Triều có nghề làm chổi lông gà, lông vịt cổ truyền tại Hà Nội. Tại các cơ sở thu gom lông vũ, mùi hôi phát tán lên khiến người dân sống xung quanh cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Đi dọc đường khu vực xóm Cầu - nơi có các cơ sở chuyên thu gom lông gà, lông vịt; bất kỳ ai cũng sẽ cảm thấy choáng váng, buồn nôn, phải bịt mũi, bịt mồm vì không chịu nổi mùi bốc lên. Ngoài ra, bụi bẩn, lông thừa cũng xuất hiện rải rác khắp đường làng ngõ xóm. Dù đã phơi lông gà, vịt ở trong cơ sở sản xuất, không bày la liệt ngoài đường đi nhưng chỉ cần một cơn gió nhẹ là đám bụi lông ấy sẽ bay khắp nơi, không thể kiểm soát. 

 Mọi ngõ ngách và khu đất trống trong làng được người dân tận dụng để phơi lông vũ. (Ảnh: Công Minh)

 

Bà Nguyễn Thị Đan (50 tuổi, chủ hộ sản xuất và kinh doanh chổi lông gà) tại thôn Triều Khúc cho biết, hiện nay số hộ còn làm nghề này không nhiều vì hiệu quả kinh tế thấp và ảnh hưởng đến sức khỏe. “Trong quá trình thu gom và phân loại, lông gà, lông vịt chưa rửa sạch, mùi hôi bốc lên từ nhà tôi gây ảnh hưởng tới hàng xóm. Nhưng vì đã chọn làm nghề thì đành chấp nhận, giờ mà bỏ nghề cũng chưa biết làm gì, mà kinh tế chưa chắc khá khẩm hơn” - bà Đan tâm sự. 

Ngoài nghề thu gom lông vũ làm chổi, áo, chăn gối,... xã Tân Triều có khoảng gần 300 hộ dân hành nghề thu gom, tái chế nhựa. Các chai, lọ, đồ phế liệu được người dân thu mua từ khắp nơi. Sau đó phân loại, làm sạch, phơi khô và đem vào máy, xay thành hạt nhựa để tái chế thành những sản phẩm nhựa mới. Tuy nhiên, theo Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, các hạt vi nhựa phát sinh trong quá trình đốt cháy nhựa có ảnh hưởng tới sự phát thải khí thải và gây hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng tiêu cực đến biến đổi khí hậu. 

Máy nghiền và tạo hạt nhựa tại làng nghề đều đã cũ và không được bảo trì thường xuyên, tạo ra mùi nhựa khi chế biến. (Ảnh: Công Minh)  

 

Cùng với đó, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Viện khoa học và kỹ thuật môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) năm 2020 về sự phát thải tại Tân Triều: Hoạt động tái chế nhựa sơ cấp phát sinh 137kg CO2/tấn hạt nhựa phế liệu. Hoạt động tái chế thứ cấp phát sinh 387,67 kg CO2/tấn sản phẩm nhựa. Bên cạnh ý nghĩa tích cực, các hoạt động tái chế nhựa là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng tới môi trường sống và sức khoẻ của con người nơi đây.

Đáng chú ý, xã Tân Triều hiện đang có một bãi tập kết rác lớn với đủ loại rác thải chất đống. Ngay gần khu dân cư, bãi rác phát ra mùi hôi thối và gây mất mỹ quan môi trường. Người dân địa phương cho biết, vào những hôm thời tiết thay đổi, họ phải chịu đựng mùi phân hủy kinh khủng của rác thải bốc lên. 

Chị Phạm Thanh Thảo (23 tuổi, sinh sống tại xã Tân Triều) cho biết: “Dù sống trong khu làng nghề nhưng gia đình tôi không phải là cơ sở sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn phải hít bụi bẩn và mùi thối sống qua ngày. Nhà mình ở đây mà khu này nó thế thì cũng đành chịu chứ cũng chẳng có cách giải quyết nào". 

Mòn mỏi tìm giải pháp tối ưu

Tuy xã Tân Triều có nhiều làng nghề khác nhau nhưng việc sản xuất của người dân đều là tự phát, manh mún theo từng hộ gia đình. Để hạn chế khí độc, mùi hôi ảnh hưởng tới dân cư xung quanh, các hộ làm nghề thu gom lông vũ và xay xát nhựa bao kín xưởng bằng những tấm lợp tôn. Trên thực tế, điều này chưa phải là cách thức hiệu quả để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại đây. 

Người dân chỉ rào chắn nơi sản xuất bằng những mái tôn sơ sài nên không giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm. (Ảnh: Công Minh)  

 

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã bố trí quỹ đất, nhằm phục vụ di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên điều này không tạo ra những thay đổi đáng kể. Bên cạnh đó, dù huyện Thanh Trì cũng đã có dự án quy hoạch làng nghề ở xã Tân Triều, nhưng đến nay vẫn chậm triển khai do thiếu vốn, công tác quy hoạch còn chậm, chưa đồng bộ, việc đền bù, giải phóng mặt bằng chưa đạt tiến độ đề ra.

Theo phản ánh của ông T.V.C (nhân viên kho xưởng tái chế): “Sinh sống bằng nghề này đã lâu, chẳng có ai quản lý, hướng dẫn nên tôi cứ làm. Chính quyền cũng chưa sát sao chính sách quy hoạch làng nghề hay đưa giải pháp phù hợp để người dân như tôi góp phần bảo vệ môi trường. Thế nên, bao lâu nay, đâu vẫn hoàn đấy, không khí, nguồn nước, đất đai trong làng vẫn cứ ô nhiễm”. Khi người dân còn bị động, chờ chỉ đạo của các cấp chính quyền, vấn đề ô nhiễm sẽ khó có những chuyển biến tích cực.

“Hiện nay, Nhà nước đã ban hành các nghị định, thông tư, quy chế, luật cụ thể về môi trường làng nghề. Tuy nhiên, để giảm phát thải và cải thiện môi trường làng nghề, các cá nhân, tập thể cần phải thực hiện nghiêm túc, chỉn chu. Đồng thời, công tác quản lý môi trường của chính quyền địa phương cũng cần sát sao hơn nữa” - ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhấn mạnh phương pháp hỗ trợ làng nghề Tân Triều hướng đến mục tiêu “xanh hóa”.

Trước tình hình này, việc thay đổi thái độ thờ ơ từ chính những người dân trong làng để giảm phát thải, ô nhiễm là điều cấp bách. Rác thải, nước thải, đồ phế liệu cần được tìm cách đầu tư xử lý, không thể đổ thẳng ra môi trường. Mỗi người dân phải thay đổi thói quen gây hại đến môi trường, không được chấp nhận sống chung với tình trạng ô nhiễm, vì cơ mắc các bệnh liên quan đến môi trường nhiễm bẩn là rất cao là nguyện vọng của hầu hết người dân sinh sống tại làng.

Nhóm sinh viên Báo Phát thanh K41

Phản hồi