Danh mục Thứ Hai, 01/07/2024

Tiêu điểm \

Ẩm thực bền vững: Xu hướng tất yếu của thời đại

21:35 18-05-2024
Khi xã hội chú ý hơn tới vấn đề bảo vệ môi trường, ẩm thực cũng dần biến chuyển theo hướng hòa hợp hơn với thiên nhiên. Xu hướng ẩm thực bền vững từ đó ra đời để đáp ứng nhu cầu này.

Bước ngoặt ẩm thực bền vững

Nền công nghiệp ăn uống hiện nay đang có không ít ảnh hưởng tới vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Xu hướng ẩm thực bền vững xuất hiện như một giải pháp cho thực trạng này.

Một trong những ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt nhất của nền công nghiệp ăn uống là vấn đề lãng phí thực phẩm. Theo báo cáo chỉ số chất thải thực phẩm (2021) của UNEP - Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, ước tính cho thấy 8-10% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu có liên quan đến thực phẩm không được tiêu thụ.

Bên cạnh đó, một lý do nữa khiến xu hướng ẩm thực bền vững ngày càng được nhiều người lựa chọn theo đuổi là bởi những lợi ích thiết thực cho môi trường và sức khỏe con người.

Thùy Dương (20 tuổi, Hà Nội) cho rằng ẩm thực bền vững, bao gồm chế độ ăn chay, là một giải pháp xanh giúp nâng cao sức khỏe: “Dù chỉ mới theo phương pháp ăn chay cách đây mấy tháng, tuy nhiên mình đã cảm nhận được những thay đổi rõ rệt. Mình ngủ ngon hơn, ăn ngon hơn, tinh thần cũng bớt uể oải, khả năng tập trung được nâng cao. Do vậy, mình quyết định sẽ gắn bó lâu dài với chế độ ăn này”.

Thùy Dương cho rằng ăn chay là giải pháp xanh giúp nâng cao sức khỏe. (Ảnh: NVCC) 

Đề cao giá trị của ẩm thực bền vững, Thùy Dương cho biết đã gợi ý gia đình và bạn bè thử trải nghiệm chế độ ăn chay, ăn lành mạnh trong một khoảng thời gian để theo dõi những thay đổi tích cực của bản thân. Có thể thấy, ẩm thực bền vững giờ đây không chỉ dừng lại ở một sự lựa chọn, mà đã trở thành nhu cầu của nhiều người với mong muốn nâng cao sức khỏe bản thân.

Theo Báo cáo Chỉ số Tetra Pak 2023, người tiêu dùng hiện đang cân nhắc nhiều đến vấn đề bảo vệ môi trường, bên cạnh chăm sóc sức khỏe cá nhân khi mua thực phẩm. Khảo sát cho thấy, giờ đây, mọi người quan tâm đến thực phẩm lành mạnh khi có tới 70% số người được khảo sát cho rằng, các việc sản xuất các thực phẩm không nên gây hại đến môi trường; đồng thời, 54% sẵn sàng thay đổi chế độ ăn uống để góp phần giảm phát thải.

Cũng xuất phát từ nhu cầu này, mô hình kinh doanh “farm to table” (nghĩa là “từ trang trại đến bàn ăn”) được nhiều nhà hàng áp dụng như một giải pháp đảm bảo phục vụ đồ ăn sạch sẽ, lành mạnh tới các thực khách.

Mô hình kinh doanh “farm to table” - từ trang trại đến bàn ăn. (Ảnh: luxuo) 

Những nhà hàng tuân theo mô hình “farm to table” sẽ có trang trại riêng để tự sản xuất các loại thực phẩm như: rau, thịt bò, phô mai… hoặc mua trực tiếp từ các nhà sản xuất mà không thông qua các bên bán buôn khác. Cốt lõi của mô hình này cho phép thực khách biết rõ thực phẩm hôm nay đến từ đâu và chất lượng thế nào, từ đó tin tưởng và an tâm hơn về độ sạch sẽ của các đồ ăn, thức uống được nạp vào cơ thể.

Từ lợi ích cá nhân đến cộng đồng

Yếu tố bền vững là một giải pháp cho những ai đang tìm kiếm lối ăn uống dinh dưỡng phù hợp và an toàn cho sức khỏe cá nhân. 

Nhìn nhận thực phẩm hữu cơ như một liệu pháp giảm cân lành mạnh, Thu Hiền (25 tuổi, Hà Nội) cho biết sau 6 tháng qua bản thân đã cải thiện sức khỏe cũng như đạt được cân nặng mong muốn: “Thực đơn hằng ngày chủ yếu bổ sung nhiều chất xơ, giảm đường và hạn chế các món chiên rán. Gạo thì mình cũng đổi sang dùng loại gạo lứt để phù hợp hơn với chế độ ăn của mình. Nhờ có ẩm thực bền vững, mình đã có lộ trình cụ thể hơn trong chế độ dinh dưỡng cá nhân”.

Không chỉ riêng Thu Hiền, theo một báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, cứ 3 thì 2 người tiêu dùng Việt hiện nay đang có xu hướng lựa chọn sản phẩm hữu cơ để cân bằng dinh dưỡng và cải thiện sức khỏe.

Đáp ứng nhu cầu này, nhiều dự án xanh đã được thành lập nhằm xây dựng một cộng đồng người Việt cùng sống xanh, ăn xanh. Cũng là người theo đuổi phương pháp ẩm thực bền vững, Bà Đinh Thị Hải Yến - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thương mại chế biến thực phẩm Sạch Từ Tâm cho biết sức khỏe luôn là tiêu chí hàng đầu trong quá trình sản xuất thực phẩm của dự án, các sản phẩm của Sạch Từ Tâm đều được làm từ các nguồn nguyên liệu như thảo dược, hữu cơ hoặc sinh học. Và quy trình sản xuất đảm bảo không chất phụ gia, không chất bảo quản, không mì chính, không phẩm màu và không hương liệu. 

Bà Đinh Thị Hải Yến khẳng định sức khỏe là yếu tố cốt lõi trong ẩm thực. (Ảnh: NVCC)

“Đứa con gái thứ hai của tôi, từ nhỏ cháu đã bị bệnh đường ruột, nên tôi khá quan tâm đến vấn đề thực phẩm sạch. Năm 2016, thị trường thực phẩm khá “nóng” bởi xuất hiện hàng loạt các trường hợp thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém an toàn, dẫn đến nhiều vụ ngộ độc. Chính điều này đã thôi thúc tôi phải tạo ra những sản phẩm an toàn để đảm bảo cho sức khỏe của cộng đồng”, bà Đinh Thị Hải Yến chia sẻ thêm.

Yếu tố bền vững trong ẩm thực còn giúp gìn giữ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Qua Chuỗi cung ứng Thực phẩm Sạch Từ Tâm, bà Yến còn mong muốn nhân rộng mô hình thực phẩm xanh nhằm phát triển xu hướng ẩm thực bền vững và tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng.

Có thể thấy, ẩm thực bền vững là một xu hướng thiết yếu bởi nhiều giá trị nó mang lại cho sức khỏe và cộng đồng. Làm sao để phát huy những giá trị của xu hướng này sẽ tiếp tục là câu chuyện được bàn luận nhiều trong tương lai.

Theo Liên Hợp Quốc, ẩm thực bền vững là việc các hoạt động liên quan đến ăn uống, ví dụ như nông nghiệp, đánh bắt cá hoặc chế biến thực phẩm, diễn ra theo hướng không lãng phí tài nguyên thiên nhiên và có thể tiếp tục được thực hiện trong tương lai mà không gây phương hại đến môi trường cũng như sức khỏe con người. 

Thêu Vũ - MĐT K41

Phản hồi