Danh mục Thứ Ba, 26/11/2024

Tiêu điểm \

Tái hiện những món ăn thời bao cấp

19:32 18-05-2024
Với mong muốn đưa thực khách ngược dòng thời gian qua các món ăn xưa, nhiều quán ăn đang theo đuổi mô hình kinh doanh đặc biệt lấy cảm hứng từ thời kỳ bao cấp. 

Những món ăn thời bao cấp thường không quen thuộc với nhiều người trẻ, tuy nhiên trong thời kỳ phát triển của đất nước, giai đoạn bao cấp từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1986, hình thức phân phối theo chế độ tem phiếu, sổ, bìa được nhà nước quản lý luôn trong tâm thức của những người lớn tuổi.

Ngày nay, để tái hiện không gian ẩm thực mang âm hưởng mậu dịch, nhiều quán ăn được xây dựng theo mô hình này đã ra đời, thu hút sự quan tâm của nhiều thực khách. 

Cảnh mua bán tại một quầy hàng mậu dịch thời bao cấp. (Ảnh: Báo Hànộimới)  

Điểm đến cho người hoài niệm

Theo báo cáo “Generation Z in 2023” được thực hiện bởi GWI, có tới 17% số bạn trẻ tham gia khảo sát cho biết họ thích nghĩ về quá khứ hơn là tương lai - tỷ lệ này cao hơn 19% so với các thế hệ khác. Điều này phần nào lý giải, dù không sống ở những thế kỷ, thập kỷ trước nhưng thế hệ trẻ vẫn dành nhiều sự quan tâm và muốn tìm hiểu thêm về những giá trị xưa cũ, trong đó có hồi ức về thời kỳ bao cấp. 

Đặc biệt, người trẻ hiện nay thường để tâm nhiều đến lĩnh vực ẩm thực mang lại giá trị truyền thống. Việc những người trẻ vẫn duy trì các tập tục ăn uống truyền thông những món ăn như bánh chưng, xôi, gà… vào các ngày lễ đặc biệt thể hiện việc người trẻ cũng luôn coi trọng và gìn giữ cội nguồn.

Các quán cơm thời bao cấp có những lợi thế nhất định để cạnh tranh với các nhà hàng khác. Với mô hình tái tạo những ký ức thời bao cấp, những nhà hàng này dễ tạo được sự thân thuộc đến với các thực khách lớn tuổi vì phần kí ức đã nằm trong họ.

Dù không sống trong thời kỳ bao cấp, Trương Quỳnh Chi (20 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: “Mình thường xuyên cùng gia đình đến trải nghiệm các quán ăn bao cấp. Các món ăn tại đây cho mình cảm giác thân quen chẳng kém những món ăn ở nhà, sự thân thuộc nơi đây như mình trở về thế kỷ trước”.

Trương Quỳnh Chi thích thú với trải nghiệm những bữa cơm bao cấp. (Ảnh: NVCC) 

Đối với giới trẻ và khách du lịch, việc thưởng thức ẩm thực tại những nhà hàng này là cơ hội để trải nghiệm, tìm hiểu thêm về văn hóa ẩm thực trong những năm đầu phát triển đất nước. 

Được xây dựng và trang trí theo phong cách một ngôi nhà Việt Nam những năm 80 - 90 của thế kỷ trước Cửa hàng Cơm - Cafe Bao Cấp (Ngõ 21, Lê Văn Lương, Hà Nội) mang đến cho thực khách một cảm giác mộc mạc, ấm áp trong không gian xưa. 

Chia sẻ về lý do thành lập cửa hàng Cơm - Cafe Bao Cấp, chị Ngọc Mến, chủ cửa hàng chia sẻ: “Cửa hàng là nơi để thực khách sống chậm lại một chút và hoài niệm về những gì đã trải qua trong quá khứ. Ngoài ra, đây còn là nơi để các bạn trẻ trải nghiệm không gian thời bao cấp lắng đọng và xưa cũ”.

Giá thành cho những món ăn thời bao cấp rơi vào khoảng 40.000 đến 150.000 đồng/món. Với mức giá phải chăng này, nhiều người sẵn sàng chi ra số tiền đó để được trải nghiệm không gian mang đậm dấu ấn của thời kỳ bao cấp cùng các món ăn gắn liền với thế hệ ông bà, cha mẹ.

Không gian Cửa hàng Cơm - Cafe Bao Cấp được trang trí bằng những đồ vật mang nhiều ký ức của thế hệ trước. (Ảnh: NVCC) 

Hương vị ẩm thực xưa

Khó khăn về kinh tế không làm ảnh hưởng tới nhu cầu trải nghiệm ẩm thực của nhiều người Việt trong năm qua. Theo báo cáo Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam do iPOS (công ty cung cấp giải pháp quản lý nhà hàng, cà phê) phát hành (3/2024), thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, tính đến hết năm 2023, doanh thu ngành F&B đã ghi nhận mức tăng trưởng 11,47%, đạt tổng hơn 590.000 tỷ đồng. Riêng thị trường ăn tại quán đóng góp 538.500 tỷ đồng, tăng 10,87% so với năm 2022.

Yếu tố then chốt làm nên sự độc đáo cho các quán ăn lấy cảm hứng từ thời kỳ bao cấp là nét hoài cổ của những món ăn mang đậm hương vị một thời. Đặc điểm này tách biệt hoàn toàn khỏi xu hướng ẩm thực hiện đại của đa phần các nhà hàng hiện nay. 

Cửa hàng ăn uống Mậu dịch số 37 (số 136G Trấn Vũ, Hà Nội) - một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi trải nghiệm ẩm thực Hà Nội xưa, khiến nhiều thực khách ấn tượng khi được trải nghiệm những hương vị mang đậm dấu ấn thời bao cấp. 

Thực đơn tại đây vô cùng phong phú với nhiều món ăn như cá om, ngồng cải luộc, nộm bò rau muống, cà muối chua cay hay ốc xào chuối đậu… Các món ăn này mang đến cho thực khách hương vị quen thuộc của bữa cơm gia đình Việt Nam.

Một mâm cơm nhà điển hình của thời kỳ bao cấp tại Cửa hàng Mậu dịch số 37. (Ảnh: NVCC) 

Chị Đặng Thanh Thuỷ, chủ Cửa hàng Mậu dịch số 37 nhận định: “Bám sát thực đơn ẩm thực miền Bắc và những món truyền thống cổ xưa là phương châm của nhà hàng. Chúng tôi hoàn toàn lấy nguyên liệu từ thiên nhiên, đồng quê như tôm, cua, ốc, ếch… để tạo ra các món ẩm thực Hà Nội xưa một cách “chuẩn” nhất”. 

“Tôi tin rằng tinh thần của những món ăn xưa sẽ không bao giờ phai nhạt. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi câu chuyện về ẩm thực mang tinh thần hoài niệm, tái hiện chân thực những trải nghiệm tuổi thơ và mang đến kỷ niệm về những món ăn ngày xưa trong gia đình”, chị Thuỷ chia sẻ thêm.

Đến với những mô hình ăn uống như Cửa hàng Mậu dịch số 37, thực khách được trải nghiệm ngược dòng thời gian qua những câu chuyện ẩn sau từng đồ vật cũng như các món ăn thời bao cấp. Đây chính là yếu tố khiến quán thu hút đông đảo thực khách, nhất là những ai yêu thích và trân trọng ẩm thực Việt Nam.

Trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc

Để những quán ăn theo mô hình bao cấp duy trì tệp khách hàng ổn định như hiện nay, một phần đến từ sự trân trọng những giá trị truyền thống của cả người lớn tuổi và thế hệ trẻ. Sự ủng hộ này giúp những món ăn thời bao cấp được biết đến rộng rãi và phổ biến.

Là một người có niềm yêu thích với ẩm thực Hà Nội xưa và thường ha lui tới Cửa hàng ăn uống Mậu dịch số 37, Hoàng Phi (25 tuổi, Hà Nội) bày tỏ niềm hào hứng khi được trải nghiệm ăn uống tại đây: “Trải nghiệm các quán ăn mang phong cách bao cấp là một cách để mình khám phá văn hóa ẩm thực của nước ta ngày trước. Không gian hoài niệm của quán cho mình hiểu thêm về những bữa cơm ngày xưa của ông bà, cha mẹ. Tất cả tuy bình dị, đơn sơ nhưng lại là những ký ức vô cùng đáng giá”.

Một góc nhỏ đầy hoài niệm tại Cửa hàng ăn uống Mậu dịch số 37. (Ảnh: Thanh Bình)

Điều đặc biệt thu hút nhiều người trẻ đến với những quán ăn này chính là cơ hội được trải nghiệm và khám phá văn hóa ẩm thực xưa của Việt Nam. Qua những câu chuyện được chia sẻ, họ có thể hình dung về những khó khăn, thiếu thốn của thời kỳ bao cấp, từ đó thêm trân trọng cuộc sống hiện tại.

Với niềm hy vọng lưu giữ những nét truyền thống trong ẩm thực, chị Thanh Thuỷ bộc bạch: “Bên cạnh những nỗ lực của thế hệ đi trước, việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống còn cần sự chung tay góp sức của thế hệ trẻ. Tôi mong rằng thế hệ trẻ sẽ tiếp nối đam mê, gìn giữ tinh thần và phát triển những ý tưởng văn hóa độc đáo, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc và đưa những giá trị tốt đẹp của Việt Nam đến với thế giới”.

Sự "sống lại" của những món ăn thời bao cấp không chỉ đơn thuần là một xu hướng ẩm thực nhất thời mà còn là sự tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Những món ăn bình dị, mộc mạc ấy đã gắn liền với ký ức của bao thế hệ người Việt Nam, gợi nhắc về những tháng ngày gian khó nhưng đầy tình yêu thương và ý chí vượt qua. Xu hướng này sẽ còn duy trì và phát triển trong tương lai, khi con người mong muốn tìm lại những giá trị gần gũi, thân thuộc với mình. 

Thanh Bình - MĐT K41

Phản hồi