Danh mục Thứ Hai, 13/05/2024

Tiêu điểm \

Bỏ công việc nhiều người mơ, nữ kiến trúc sư khởi nghiệp với gỗ tái chế

12:01 19-09-2021
Sau khi tốt nghiệp đại học và tìm được công việc đúng chuyên ngành, nhờ sự cố gắng, chị Hảo đã đạt được nhiều thành tích trong công việc và được trả mức lương hấp dẫn. Thế rồi dịch COVID- 19 bùng phát, chị Hảo có thời gian suy nghĩ về đam mê của bản thân và quyết định khởi nghiệp từ gỗ tái chế.

Bước vào căn chung cư cũ tại quận Hà Đông, Hà Nội, mùi gỗ đặc quyện cùng những miếng gỗ có hình thù ngộ nghĩnh được xếp lên nhau thành từng chồng hiện ngay trước mắt chúng tôi. Chị Nguyễn Thị Hảo (28 tuổi) đã lập gia đình và có một con nhỏ. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc và tìm được một công việc đúng chuyên ngành, nhờ sự cố gắng, chị Hảo đã đạt được nhiều thành tích trong công việc và được trả mức lương hấp dẫn so với mặt bằng chung. 

Một góc các sản phẩm thô trong phòng sản xuất đồ chơi từ gỗ tái chế.

Chị kể: “Công việc của mình là phát triển ý tưởng đầu tư trong một công ty bất động sản. Vị trí đó đem lại cho mình mức thu nhập khá cao. Mình cũng hay đi công tác, việc cũng tương đối nhàn và thú vị”.

Thế rồi dịch COVID- 19 bùng phát đã tạo một bước ngoặt trong sự nghiệp của chị Hảo: “Tháng 3 năm 2020, vào thời điểm dẫn cách xã hội vì dịch COVID, công ty mình chỉ yêu cầu lên công ty từ hai đến ba lần một tuần nên mình có khá nhiều thời gian rảnh. Mình bắt đầu suy nghĩ về đam mê ấp ủ bấy lâu nay của bản thân . Và thế là mình bắt đầu tìm đến công việc làm mộc như bây giờ”.

Vật liệu để sản xuất đồ chơi là những mẩu gỗ thừa trong các xưởng mộc và cành nhãn từ quê chị Hảo. 

Chị Hảo tâm sự: “Ngày xưa bố mình cũng làm mộc nên mình đã quen với việc chơi với các mẩu gỗ, bã bào. Với mình, đó không chỉ là những mẩu gỗ vụn mà là cả tuổi thơ tràn ngập tiếng cười của hai bố con”.

Năm cuối đại học, mình cùng với hai, ba bạn góp tiền mua những máy dụng cụ làm đơn giản. Chúng mình đã đóng được những cái chậu, thùng cây đặt ở sân vườn trường cho các bạn mầm non trồng cây vào. Đó là những công việc đầu tiên mà mình tiếp xúc với nghề mộc. Sau này, khi có em bé, mình bắt đầu với việc làm đồ bằng gỗ cho con chơi và cứ dần dần như thế công việc làm mộc, làm đồ chơi cho trẻ em trở thành niềm vui và lớn hơn là đam mê của mình ”.

Đang làm “bàn giấy”, việc quyết định trở về với nghề gỗ của chị Hảo khiến mọi người xung quanh đều ngỡ ngàng và đặt ra nhiều hoài nghi. “Khi mình bắt đầu làm công việc này chẳng có ai ủng hộ mình cả. Tất cả mọi người đều nghĩ rằng đây là công việc viển vông và mơ mộng, rất khó để kiếm được tiền Nhiều người bảo việc này chỉ làm chơi, làm theo sở thích, lúc nào có thời gian thì làm, chứ không nên quá mạo hiểm từ bỏ công việc ổn định để đầu tư thời gian cho công việc này”. 

Để thuyết phục người thân đồng ý cho mình chuyển nghề, chị đã bảo với mọi người cho mình sáu tháng thử sức. Nếu sáu tháng mà chị không làm được thì lại tiếp tục trở về đi làm kiến trúc sư. Từ đó, chị Hảo dành toàn bộ thời gian cho niềm đam mê của mình. 

Dù không có lợi thế về cơ bắp, mỗi động tác để xử lý gỗ của chị Hảo đều thuần thục và dứt khoát

Một số công cụ máy chị Hảo sử dụng để sản xuất các đồ chơi bằng gỗ. 

Tâm sự với chúng tôi về khó khăn trong những ngày đầu của công việc, chị Hảo trăn trở: “Thứ nhất là kinh tế. Đợt đấy vì dịch COVID- 19 nên thu nhập của mình cũng bị giảm xuống. Bản thân có con nhỏ, kinh tế bị ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống hằng ngày mà mình lại mạo hiểm bỏ công việc có lương ổn định nên mình đã suy nghĩ nhiều. Về mặt tinh thần, bố mẹ ở quê cũng nói, không hiểu tại sao nuôi con ăn học ngần ấy năm, có một công việc tốt như thế, nhiều người mơ cũng không được, mà con lại từ bỏ. Bố mẹ cũng lo lắng không biết liệu sau này con mình sẽ sống với nghề mộc như thế nào, phí công ăn học. Rồi chồng mình cũng không tin.

Thời gian đầu chỉ có một mình mình làm. Từ việc nghĩ sản phẩm, mua máy móc, làm đồ như thế nào, hoàn thiện sản phẩm ra sao, quy trình đóng gói, ship sản phẩm cho khách hàng… Một mình mình cũng làm tất nhũng công việc ấy trong khoảng 3 tháng… Khi làm thì mình thấy rất ham, một ngày mình làm từ 6h sáng đến 2h đêm nhưng khi dậy vào sáng hôm sau mình cảm thấy rất hào hứng và lúc nào cũng có nhiệt huyết ở trong công việc”.
 

Việc đầu tiên trong công đoạn tạo sản phẩm là tìm ý tưởng cho loại gỗ có được. Sau đó phác thảo ra giấy rồi đưa lên máy để tính toán tỉ lệ phù hợp. Tiếp đến là cắt trên miếng gỗ, rồi mài, khoan, đục để ra thành phẩm như mong muốn ban đầu. Cuối cùng là sơn vẽ, phủ bóng lên sản phẩm.

Đứng trước những khó khăn và thách thức, có lẽ đam mê thôi sẽ là chưa đủ để chị Hảo tiếp tục hành trình thực hiện mong ước của mình. Với chị, niềm vui, sự thích thú của đứa con khi nghịch những đồ chơi bằng gỗ mà mẹ tạo ra là nguồn động viên lớn nhất. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của những khách hàng đầu tiên cũng tiếp thêm động lực cho chị Hảo: “Khách hàng thông cảm và hiểu cho công việc của mình là sử dụng gỗ tái chế. Nên dù sản phẩm không hẳn hoàn thiện nhưng họ vẫn bỏ tiền ra mua. Họ mua vì tinh thần làm việc, vì sự sáng tạo, vì những giá trị bên trong sản phẩm”. 

Có lẽ, đúng như chị nói, chính tinh thần làm việc và sự sáng tạo ấy đã giúp chị gặt hái được những thành công ban đầu trong nghề mộc này. Sản phẩm mà chị Hảo sản xuất đang được đón nhận tích cực từ các trường mầm non và đặc biệt là giới trẻ, mua để trang trí nhà cửa hay làm quà tặng cho người thân. Đơn hàng nhiều, lượng khách hàng rộng cũng giúp thu nhập của chị tăng cao. Hiện xưởng của chị Hảo có chín người làm, chủ yếu là người trong gia đình và một số các bạn sinh viên Kiến trúc giúp đỡ chị việc tô màu cho sản phẩm.

Khởi sắc trong công việc sản xuất kinh doanh, chị Hảo đã dần thay đổi suy nghĩ của mọi người xung quanh về hướng đi mà chị lựa chọn: “Chồng mình cũng bắt đầu phụ mình những công việc làm mộc. Bố thì phụ mình cắt gỗ. Mẹ thì cũng cảm thấy tự hào khi con gái được làm những công việc mà người ta cho rằng chỉ là công việc của con trai. Lúc đầu mẹ mình cũng không rõ làm gõ tái chế là làm cái gì nhưng sau đó thấy truyền thông và thấy mục đích mình làm là để bảo vệ môi trường như thế thì thấy tự hào”.

 

Các đồ chơi bằng gỗ có nhiều hình dáng khác nhau, màu sắc bắt mắt, thích hợp làm đồ chơi cho trẻ, vừa có thể làm trang trí nhà cửa.

Vui với những gì đã đạt được, chị Hảo mong muốn có thể đưa sản phẩm đồ chơi của mình tới những trẻ em vùng nông thôn, vùng cao, những nơi đặc biệt khó khăn. Theo chị, các vật dụng từ gỗ của mình thường kết hợp hai, ba công dụng, ngoài việc cho trẻ chơi, chúng còn là phương tiện học tập cho trẻ. Đặc biệt, những đồ chơi làm từ mẩu gỗ thừa, gỗ vụn và cành cây cũng mang thông điệp về bảo vệ môi trường, một bài học hữu ích cho trẻ em ở độ tuổi mầm. Xa hơn nữa, chị Hảo còn ấp ủ hy vọng phát triển quy trình làm sản phẩm để xuất khẩu ra nước ngoài. 

Quang Trần - CJC

Phản hồi