Lấy dinh dưỡng “chữa lành" cơ thể
Ăn thô là một chế độ dinh dưỡng sử dụng thực phẩm từ rau củ, hoa quả tươi sống. Điểm khác biệt giữa ăn thô so với các phương pháp ăn uống khác đó là không tinh chế, chế biến qua nhiệt và hạn chế sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, sữa và trứng. Việc ăn thô được cho là sẽ giữ lại được toàn bộ chất dinh dưỡng tự nhiên của thực phẩm, giúp tăng cường sức khoẻ và bảo vệ môi trường.
Theo đuổi chế độ ăn thô định kỳ được nửa năm, Nguyễn Thế Quang (23 tuổi) cho biết sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân đã có nhiều thay đổi lớn. Nhờ phương pháp ăn thô kết hợp tập luyện, Quang đã giảm được 4kg, đồng thời cảm thấy ít bị căng thẳng, stress trong công việc và cuộc sống hơn trước.
“Thực đơn những ngày ăn thô của mình bao gồm rau củ, hoa quả và các loại hạt, ngũ cốc. Mỗi tuần, mình sẽ áp dụng chế độ dinh dưỡng này 3-5 lần, xen kẽ cùng các bữa ăn đầy đủ thịt, cá và trứng để đảm bảo sức khỏe”, Thế Quang kể lại.
Có thể thấy, chế độ ăn uống thực phẩm thô giúp điều hoà cơ thể, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp và tiêu hoá. Tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng này cũng tồn tại những mặt hạn chế cần lưu ý nếu muốn áp dụng.
Ăn thô theo trào lưu - Lợi bất cập hại
Một nghiên cứu được công bố năm 2023 của tạp chí dinh dưỡng Nutrients với sự tham gia của 6 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, béo phì và huyết áp đã chỉ ra những tác động của phương pháp ăn thô lên sức khoẻ của con người. Trải qua 1 tháng áp dụng chế độ ăn thô thuần chay, bên cạnh những kết quả tích cực, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa dinh dưỡng thô với hệ vi sinh vật đường ruột chưa thực sự rõ ràng và phương pháp này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm độc thực phẩm.
Tháng 8 năm 2023, vụ việc nữ blogger người Nga Zhanna Samsonova qua đời vì nhiễm trùng do áp dụng ăn thô cực đoan đã gây ra nhiều tranh cãi. Bên cạnh những bình luận bày tỏ sự thương tiếc, không ít người cho rằng chính chế độ ăn thô phản khoa học là nguyên nhân trực tiếp huỷ hoại sức khoẻ của cô. Trước đó, Samsonova từng chia sẻ nhiều về thực đơn của mình, cụ thể cô đã không uống nước trong 6 năm liên tiếp, chỉ sử dụng nước ép trái cây, rau củ sống và duy trì thực đơn này suốt 10 năm cho tới khi qua đời.
Thực chất, câu chuyện ăn thô cực đoan của Samsonova không phải trường hợp hiếm gặp. Nếu ở Úc, nữ youtuber Leanne Ratcliffe gây tranh cãi khi chỉ ăn 50 quả chuối mỗi ngày để sống thì tại Việt Nam, hot tiktoker Uyên Pu cũng tạo nên một làn sóng chỉ trích bởi chế độ ăn thô độc hại, thậm chí uống nước tiểu để làm đẹp da và thải độc cơ thể. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, Uyên Pu chính thức lên tiếng, thừa nhận bản thân đã dừng ăn thô toàn phần vì chế độ dinh dưỡng này có quá nhiều tác dụng phụ tới sức khoẻ.
Với sự phát triển của mạng xã hội, phương pháp ăn thô trở nên phổ biến thông qua các bài viết trên các diễn đàn và hội nhóm. Bên cạnh chia sẻ thực đơn, mẹo ăn uống, các bài viết này còn chỉ ra những công dụng của ăn thô đối với sức khoẻ của con người.
Tuy nhiên, tần suất xuất hiện dày đặc của các bài viết kêu gọi loại bỏ ăn chín uống sôi để chuyển qua ăn thô toàn phần, thậm chí “thổi phồng” công dụng của chế độ dinh dưỡng này đã khiến nhiều người hiểu sai về khái niệm ăn thô chuẩn khoa học, dẫn tới ăn thô bất chấp theo trào lưu, để rồi xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Ăn thô lành mạnh cần được dựa trên cơ sở khoa học
Thay vì dành thời gian để cho cơ thể thích nghi với chế độ dinh dưỡng mới, nhiều người lại lạm dụng các thực đơn ăn thô khắc nghiệt để nhanh chóng đạt được hiệu quả. Thế nhưng, chính điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến họ "tiền mất tật mang".
Chia sẻ thêm về quá trình ăn thô, Thế Quang cho biết thời gian đầu khi mới tập ăn từng ép bản thân theo chế độ ăn thô toàn phần (ăn thô trường) một cách khắc nghiệt và cơ thể đã xảy ra tình trạng sốc phản vệ. Anh chàng thường xuyên cảm thấy bị choáng, đau đầu, hay gặp tình trạng đói ảo giác và thèm ăn quá độ. Sau này, khi đã tìm hiểu và nghiên cứu kỹ về các chế độ dinh dưỡng thô khoa học, Quang dần có những điều chỉnh về thực đơn để phù hợp với thể trạng để đảm bảo sức khỏe của bản thân.
Đánh giá về chế độ ăn thô, TS. BS Nguyễn Trọng Hưng (Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia) khẳng định chế độ ăn thô có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe nhất định. Theo bác sĩ, đây là chế độ ăn giàu chất xơ, ít muối và ít chất béo bão hoà nên có khả năng điều hoà cơ thể, thải độc cơ thể.
“Tuy nhiên, con người sẽ không thể tiêu hoá các hợp chất dạng sợi có trong lớp vỏ của thực vật như cellulose, hemicellulose và lignin do cơ thể không đủ lượng enzyme cellulase cần thiết để phân giải” - bác sĩ nhận định.
Để ăn thô khoa học, bác sĩ Hưng khuyến nghị cần đi khám tư vấn dinh dưỡng để được hướng dẫn thực đơn, thực phẩm, số bữa cũng như cách chế biến phù hợp với độ tuổi, giới tính, tình trạng dinh dưỡng, mức độ lao động và các vấn đề bệnh tật kèm theo.
Bác sĩ đồng thời khẳng định, trẻ em, người cao tuổi và các bệnh nhân mắc bệnh đường tiêu hoá là những đối tượng không nên lạm dụng ăn thô, cần nhận được tham vấn của bác sĩ trước khi áp dụng chế độ dinh dưỡng này.
“Trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày, cần linh hoạt áp dụng các phương pháp ăn thô như ăn rau sống, salad… xen lẫn các món qua chế biến để đa dạng thực phẩm, tận dụng tối đa các chất dinh dưỡng cho cơ thể” - bác sĩ khuyến cáo.
Tương tự những chế độ dinh dưỡng khác, ăn thô lành mạnh nên được dựa trên cơ sở khoa học và thể trạng cá nhân. Mỗi người cần xây dựng một thực đơn ăn thô đa dạng, kết hợp tập luyện và vận động để đảm bảo sức khoẻ, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.
Phản hồi