Hát Tuồng là một loại hình nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa của Việt Nam. Tuồng khó học và biểu diễn hơn các loại hình khác vì đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa thể hiện vũ đạo, hát và diễn xuất. Nghệ thuật này thường khai thác chủ đề nội dung từ những câu chuyện lịch sử, văn học và cả những câu chuyện tình cảm đời thường. Mỗi tác phẩm có cách thể hiện riêng nhưng đều hướng tới giá trị nhân văn, thông điệp sâu sắc.
Chương trình gồm trích đoạn từ các vở Tuồng kinh điển như: “Nghêu, sò, ốc, hến,”, “Ông già cõng vợ đi xem hội”,... với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trong Nhà hát Tuồng Việt Nam. Dù đã ở tuổi nghỉ hưu nhưng họ vẫn hoạt động nghệ thuật vì đam mê và tình yêu với Tuồng. Diễn ra ngoài trời với nhiều điều kiện khắc nghiệt nhưng điểm diễn Mã Mây vẫn có sự chuyên nghiệp. Từ cơ sở vật chất là địa điểm biểu diễn, luyện tập đến các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng đều được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng.
Gần 8 năm kể từ những ngày đầu thành lập, “gánh” Tuồng đã trở thành món ăn tinh thần độc đáo đối với người dân và du khách mỗi dịp lên phố cổ. “Tôi mong sẽ có thêm nhiều thế hệ biết đến và yêu thích Tuồng hơn để chúng tôi có thêm cơ hội cống hiến với nghề. Đó chính là vinh hạnh của những nghệ nhân như chúng tôi” - một nghệ sĩ chia sẻ.
Thời thế thay đổi, sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật như nhạc trẻ, nhạc nước ngoài,... khiến Tuồng đối diện với nguy cơ bị mai một khi không còn nhiều người yêu thích. Do đó, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức diễn hát với mong muốn mang nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tới gần hơn với người dân, khơi dậy những giá trị nghệ thuật đang phai nhạt ngay trên sân khấu mở độc đáo.
Góp mặt trong đêm hát Tuồng, NSND Hương Thơm - Nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam tâm sự :“Đời sống nghệ sĩ Tuồng vốn cũng không sung sướng, lương bộc, chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập. Giờ khá hơn thì lại gặp khó khăn với lượng khán giả. Mọi người nhất là thế hệ trẻ đến với Tuồng ngày càng ít dần đi. Để quảng bá thì cần rất nhiều kinh phí và nhân lực, tôi mong hàng tháng sẽ có 1 buổi giới thiệu về Tuồng trong các trường đại học để giúp các em hiểu hơn về nghệ thuật dân tộc.”
Cô Anh Phương (50 tuổi, Hải Phòng) chia sẻ: “Tôi vô tình biết đến đêm diễn Tuồng khi đang đi dạo trên phố cổ. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nghe hát Tuồng, tuy có nhiều đoạn chưa rõ nhưng tôi thấy rất thích thú với loại hình này. Tôi nghĩ nó xứng đáng được quảng bá rộng rãi hơn.”
My
5/12/2024 6:15:11 PM
cảm ơn trang tin đã giúp mình biết đến môn nghệ thuật truyền thống này☺️ cảm thấy thiếu sót khi lớp trẻ giờ k bt nhiều nữa