Đến dự chương trình có sự góp mặt của: GSTS. Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia, TS. Nguyễn Viết Chức – Nguyên phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, PGSTS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch hội đồng di sản VH Quốc gia, TS. Vũ Thị Minh Hương - Uỷ viên Hội đồng VH Quốc gia, Phó chủ tịch Uỷ ban Ký ức thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đại diện đại Biểu UBND Thành phố Hà nội, Đồng chí Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Đồng chí Hoàng Quốc Việt- Trưởng Phòng Văn hoá Văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành uỷ. Cùng Đại diện các đơn vị bảo tàng, ban quản lý khu di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội, các nhà khoa học của các cơ quan trung ương Hà Nội, các hoạ sĩ, kiến trúc sư đại diện các phòng ban của sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí và truyền thông của Trung ương Hà Nội. Đông đảo khách du lịch, các bạn học sinh, sinh viên trong và ngoài địa bàn Thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc triển lãm, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết: “Những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ được thể hiện đơn thuần qua những hàng chữ Nho hay hoa văn trang trí trên mặt bia. Ẩn sau lớp mặt đá khô cứng và câm lặng đó là hàng ngàn câu chuyện thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của hơn 1.300 vị tiến sĩ đang chờ đợi chúng ta khám phá”.
Trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện” với chủ đề “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia” được thể hiện qua các nội dung: “Chiêu mộ hiền tài” giới thiệu một số nét chính về khoa cử của nước ta giai đoạn 1442 - 1529; “Con đường khoa cử” giới thiệu thông tin về thi cử và chế độ đãi ngộ dành cho những người đỗ đạt; “Gương sáng tiền nhân” giới thiệu một số danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà và một số lĩnh vực khác; “Lưu danh muôn thuở” giới thiệu một những câu trích dẫn nổi tiếng về giá trị của đào tạo và sử dụng nhân tài".
“Hiền tài là nguyên khí Quốc gia” là chương đầu tiên trong câu chuyện dài mà 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long sẽ mang đến trong thời gian tới. Trưng bày lựa chọn giới thiệu 14 bia Tiến sĩ đầu tiên có liên quan đến các khoa thi trong giai đoạn 1442 - 1529, tương ứng với những khoa thi được tổ chức dưới triều Lê Sơ và kết thúc bằng khoa thi đầu tiên của nhà Mạc. Những bia Tiến sĩ còn lại sẽ tiếp tục được giới thiệu đến khách tham quan trong những cuộc trưng bày triển lãm sau này. Đó sẽ là những chương tiếp theo của câu chuyện thú vị về 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Triển lãm được trưng bày thể hiện bằng pano hình tấm bia treo lên giống như những giá trị hiền tài đang bay lên – “các cụ rùa được giải phóng”. Với ý nghĩa những tấm bia đá không chỉ là những nhân chứng lịch sử câm lặng mà thông qua triển lãm, những tấm bia đá sẽ bắt đầu ‘dốc bồng tâm sự’ với khách tham quan, giúp chúng ta hiểu hơn về di sản và phát huy giá trị di sản do tiền thân để lại trong đời sống mới hiện nay – ông Trương Quốc Toàn đại diện nhóm thực hiện triển lãm chia sẻ.
Trong buổi khai mạc, Bà Trần Thị Vân Anh cũng biểu dương và hy vọng rằng: “Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ tiếp tục nghiên cứu tổ chức các cuộc triển lãm về bia tiến sĩ để những tấm bia là những nhân vật lịch sử, để tiếp tục những câu chuyện hấp dẫn thú vị, giúp cho công chúng đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn giá trị của những tấm bia tiến sĩ góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá của dân tộc”.
Triển lãm vẫn tiếp tục được diễn ra tại Tiền đường Nhà Thái học, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Thời gian trưng bày một tháng (từ ngày 08/10/2022 đến 08/11/2022).
Phản hồi