Danh mục Thứ Năm, 09/05/2024

Tiêu điểm \

Báo chí cần làm gì để giữ vững vị thế của mình trong kỷ nguyên công nghệ?

18:18 22-03-2024
Trong bối cảnh truyền thông phát triển như vũ bão suốt một thập kỷ qua, ngành báo chí đã và đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức trong công cuộc giữ vững vị thế và vai trò tiên phong của mình đối với việc thông tin và định hướng dư luận. Nếu nói cuộc chạy đua thông tin giữa báo chí và mạng xã hội là không cân sức, vậy đâu là giải pháp?

Báo chí hiện nay - Nguy cơ và thách thức

Báo cáo của We are Social về tình hình công nghệ số tại Việt Nam tính đến tháng 1/2024 đã chỉ ra xu hướng phát triển mạnh mẽ của Internet với 78 triệu người dùng (chiếm 79,1% tổng dân số) và 72,70 triệu người dùng mạng xã hội (tương đương 73,3% tổng dân số).

Bức tranh digital tổng quan tại Việt Nam tháng 1/2024. (Nguồn: We are Social)

Có thể thấy, lợi thế nổi bật của mạng xã hội nằm ở khả năng tự tạo nội dung nhanh mà không cần qua khâu kiểm duyệt. Mỗi cá nhân có thể đóng vai trò là một người đưa tin, được quyền sáng tạo nội dung thông qua nhiều phương thức; song độ chính xác trong nguồn tin lại không được đảm bảo. Điều này cũng đặt báo chí vào một cuộc đua với các nền tảng số khi vừa phải cạnh tranh về tốc độ đưa tin, vừa phải phản ánh đúng sự thật. Từ vị thế độc quyền về thông tin, báo chí giờ đây đang bị mạng xã hội chia sẻ thị phần và gặp khó khăn trong việc thu hút quảng cáo, ảnh hưởng đến nguồn thu cũng như sự phát triển của các cơ quan báo chí truyền thông trong tương lai.

Phát biểu tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho biết, theo khảo sát hiện có khoảng 5 nguồn thu chính của cơ quan báo chí gồm: quảng cáo trên báo in; ngân sách từ nhà nước, cơ quan chủ quản; doanh thu từ phát hành báo in; hợp đồng truyền thông, nội dung được tài trợ, tiếp thị liên kết và quảng cáo điện tử. Mặc dù các doanh nghiệp hiện nay vẫn có sự chú trọng nhất định đến việc quảng cáo, tuyên truyền trên báo chí chứ không chỉ ở các phương tiện truyền thông đại chúng khác nhưng thực tế cho thấy, các nguồn thu chính này đều có xu hướng giảm. 

Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng công nghệ số hiện nay đang ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến lĩnh vực báo chí, truyền thông và đang tạo ra những sự xoay chuyển mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Những khó khăn của báo chí trong thời gian qua đã chuyển biến thành một vấn đề mang tính sống còn: Báo chí cần phải đổi mới, không thay đổi thì sẽ bị thay thế. 

Báo chí Việt Nam - Tiên phong, đổi mới 

Báo chí không cần phải “chạy thi” với mạng xã hội trên mọi đường đua. Trong khi mạng xã hội là nơi phát tán thông tin chưa qua kiểm định, thì truyền thông chính thống phải càng cho thấytrách nhiệm trong việc cung cấp thông tin tới công chúng. Người làm báo trước hết phải có cái tâm trong sáng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn tôn trọng sự thật và phân tích vấn đề dưới góc nhìn đa chiều nhằm định hướng dư luận một cách đúng đắn, nhân văn và thượng tôn pháp luật. 

Cũng phát biểu tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội Báo toàn quốc 2024. (Ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam) 

Hiện nay, khi hầu hết các cơ quan báo chí đã thực hiện chuyển đổi số với các trang báo điện tử, tính đa phương tiện trở thành lợi thế nổi bật giúp việc thu hút công chúng hiệu quả hơn hẳn so với các loại hình báo chí khác. Năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân. Trên các trang báo điện tử của những cơ quan này, nhiều loại hình báo chí mới đã được đưa vào hoạt động như: Megastory, Infographic (đồ họa), Podcast, Longform… 

Bài Infographic độc đáo của Báo Quân đội nhân dân.

Song song với xu hướng đổi mới loại hình báo chí là yêu cầu đào tạo một lực lượng sản xuất mới. Họ không chỉ là cây bút sắc bén trên mặt trận thông tin mà còn phải là một cây bút “đa năng”, có khả năng đảm đương nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Ngoài việc thành thạo chuyên môn của mình, người làm báo trong thời đại số phải vừa có khả năng kết hợp kỹ thuật công nghệ như chụp ảnh, sáng tạo video, thiết kế đồ họa với ngôn ngữ viết và các phương thức tương tác khác để tạo nên một sản phẩm báo chí hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần thường xuyên xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm đào tạo nguồn nhân lực báo chí phù hợp với nhu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. 

Đối diện với thách thức, khó khăn, điều mà báo chí cần làm là phải thay đổi để thích nghi; đồng thời tiếp tục giữ vững những giá trị cốt lõi và sứ mệnh ban đầu của mình. Người làm báo cũng cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò của nhà báo trong nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn để xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trần Minh Anh - TTĐPT K42

Phản hồi