“Nhà báo hai lần chiến sĩ”
Vào ngày 15/3, tại cơ quan Báo Quân đội nhân dân, Đại tá Trần Hoàng Tiến - Trưởng phòng thư ký tòa soạn đã có buổi gặp gỡ, giao lưu cùng sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tại đây, khi chia sẻ về chặng đường lịch sử hình thành và phát triển của Báo Quân đội nhân dân, ông đã đề cập đến sự anh dũng và những hy sinh cao cả của những cán bộ, phóng viên của tờ báo này. Ông đã gọi họ là những “nhà báo hai lần chiến sĩ”, như một cách vinh danh đầy trân trọng và biết ơn.
Trước đó, đại tá Trần Hoàng Tiến đã nhắc về nhà báo, anh hùng liệt sĩ Lê Đình Dư - một trong những nhà báo chiến sĩ được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông là người đã truyền lửa cho các phóng viên tác nghiệp trên chiến trường qua câu nói: “Người chiến sĩ có thể đứng bắn, quỳ bắn, nằm bắn. Còn phóng viên chúng tôi lúc này chỉ có thể đứng thẳng trên chiến hào, dùng vũ khí là cây bút và máy ảnh để ghi lại chiến công của đồng đội và tội ác của quân thù".
Trong mưa bom bão đạn, tư thế đứng thẳng của người lính chiến sĩ chính là đại diện cho hình ảnh của một tờ báo cách mạng. Qua đó, ta thấy được sự trân trọng đặc biệt đối với các thế hệ nhà báo chiến sĩ đi trước: “Báo Quân đội nhân dân được gọi là “hai lần chiến sĩ” vì mỗi cá nhân tại đây vừa là nhà báo, vừa là người lính trên mặt trận chính trị tư tưởng” - Đại tá Trần Hoàng Tiến nhấn mạnh.
Một tay cầm súng, một tay cầm bút
Số đầu tiên của Báo Quân đội nhân dân được ra vào ngày 20-10-1950 nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân một cách chân tình và sâu sắc: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác".
Ngay khi số báo đầu tiên phát hành, những người phóng viên tại Báo Quân đội nhân dân đã khẩn trương xông pha trên các mặt trận để kịp thời ghi lại những khoảnh khắc chiến đấu oanh hùng của dân tộc. Nhờ đó, những số báo mới của Báo Quân đội nhân dân liên tục ra đời, phản ánh chính xác mọi hoạt động chiến đấu của bộ đội cũng như tích cực biểu dương những tấm gương anh hùng trong kháng chiến.
Từng dòng chữ trên mặt báo là bằng chứng cho sự vất vả gian lao của cánh nhà báo chiến sĩ trong chiều dài lịch sử kháng chiến. Một tay cầm súng trên vai, một tay cầm bút để ghi lại rõ nét nhất từng khoảnh khắc oai hùng của đồng đội.
Thậm chí, nhiều nhà báo - chiến sĩ đã hy sinh ngay tại nơi tác nghiệp. Khi những mẩu tin tức còn chưa kịp hoàn thành, những bức ảnh chưa kịp chụp lại nhưng tay người phóng viên vẫn nắm chặt cây bút với một lòng mong muốn đem tin tức thắng lợi về cho nhân dân. Những sự hy sinh anh dũng ấy đã góp phần làm nên vẻ đẹp truyền thống vẻ vang của Báo QĐND nói riêng và sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói chung.
Thế hệ trẻ tiếp nối nền báo chí cách mạng
Trên từng chặng đường phát triển của Báo QĐND, tình yêu nghề của những người phóng viên, nhà báo chiến sĩ đã góp phần viết nên lịch sử vững chắc của tờ báo. Báo QĐND đặt mục tiêu trở thành một cơ quan báo chí chuyên sâu, theo dõi sát sao diễn biến trong và ngoài nước, mang đến thông tin đa dạng, kịp thời và chính xác, luôn giữ vững định hướng chính trị, coi chính trị là linh hồn, sinh mệnh của tờ báo.
Giữ gìn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của một tờ báo hai lần anh hùng luôn đòi hỏi sự sáng tạo, kiên trì để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Đây không chỉ là trách nhiệm hàng đầu của mỗi phóng viên Báo QĐND mà còn là phương châm để các thế hệ nhà báo tương lai noi theo và học hỏi.
Phản hồi