Danh mục Thứ Năm, 25/04/2024

Tiêu điểm \

 Ấn Độ: Khi sự sống trở nên quá mong manh tại “hố đen COVID”

12:25 25-04-2021
Những ngày qua, cả thế giới đang bàng hoàng trước sự vỡ trận của dịch bệnh COVID- 19 tại Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới. Tình hình đang diễn ra nghiêm trọng khi hàng ngày số ca bệnh ghi nhận tại quốc gia này không ngừng tăng đột biến. Dịch bệnh lây lan mạnh hơn và nó đã vượt tầm kiểm soát của chính quyền nước này.

Ngày 26/4, Ấn Độ tiếp tục thiết lập “kỷ lục u ám” khi ghi nhận hơn 350.000 ca Covid-19 và hơn 2800 ca tử vong do Covid-19 trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 toàn quốc lên hơn 17 triệu người. Số ca mắc gần như tăng theo cấp số nhân nếu chỉ nhìn vào con số tháng 4 vừa qua. 

Nhân viên khiêng các bình oxy đã nạp đầy tại một nhà máy ở Ahmedabad, Ấn Độ vào ngày 25/4. (Ảnh:Reuters) 

Những hình ảnh hỏa thiêu tập trung hàng trăm thậm trí hàng nghìn người chết ở Ấn Độ khiến cả thế giới phải rùng mình trước làn sóng dịch bệnh đang tàn phá, hủy hoại quốc gia này. Đây là hậu quả khi các nhà hỏa táng tại Ấn Độ đều đã đóng băng. Không còn giường bệnh, họ phải huy động nhà thờ, toa tàu hoả... để làm bệnh viện dã chiến điều trị, và nguy cấp nhất, Ấn Độ đang cạn kiệt oxy y tế, mạng sống của hàng ngàn bệnh nhân đang rơi vào thế "ngàn cân treo sợi tóc". Người dân Ấn Độ đang vô cùng sợ hãi, đau đớn, kiệt sức và họ chỉ còn biết cầu nguyện.

Có nhiều lý do dẫn đến đợt “sóng thần” Covid-19 này tại Ấn Độ, trong đó phải kể đến việc chính quyền nước này mất cảnh giác, vội vàng dỡ bỏ các biện pháp hạn chế khi dịch bệnh có dấu hiệu tạm lắng. Chiến dịch tiêm vaccine của nước này cũng diễn ra chậm chạp khi chỉ có một phần nhỏ trong số hơn 1,3 tỷ dân của Ấn Độ được tiêm vắc-xin. Ngoài ra, các biến thể mới xuất hiện tại Ấn Độ cũng khiến tốc độ lây lan dịch bệnh tại nước này diễn ra mạnh mẽ hơn. 

Người dân Ấn Độ chờ tiêm phòng vắc-xin ở Mumbai hôm 26/4. (Ảnh: Reuters) 

Hơn 1,3 tỷ dân, không ai nằm ngoài ranh giới mong manh của sự sống và cái chết khi hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ đang rơi vào cuộc khủng hoảng cục bộ chưa từng có. Trước tình hình đó, Mỹ, châu  u và các nước châu Á đang gửi thiết bị y tế, thiết bị bảo hộ, nguyên liệu thô để sản xuất vắc xin COVID-19, máy thở và máy tạo oxy đến Ấn Độ, giúp nước này đối phó với cơn "sóng thần" COVID-19 đang hoành hành.

Làn sóng Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ tại Ấn Độ là bài học cho nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới khi phải đối phó với các đợt lây nhiễm mới. Đông Nam Á là khu vực có nhiều quốc gia đã từng thành công trong công tác dập dịch cũng nhanh chóng đưa ra các biện pháp để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh:THX/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, chủ động ngăn ngừa dịch, kiểm soát các ca lây nhiễm mới là vấn đề được các quốc gia đặc biệt quan tâm. Điều đáng nói là hệ thống y tế của nhiều nước trong khu vực hiện tại chưa đủ tốt để có thể chống đỡ được dịch bệnh khi bùng phát. Nhận định về giải pháp cho khu vực, ông Jonathan Ostry, Phó Giám đốc, Vụ Châu Á Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: “Khu vực ASEAN đang trong bối cảnh bùng phát trở lại của đại dịch, đáng chú ý nhất là ở Indonesia, Malaysia và Philippines. Vì vậy, việc triển khai vắc xin ở khu vực này là cần thiết. Thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch, thúc đẩy kế hoạch tiêm phòng sẽ gây tốn kém về mặt kinh tế, nhưng hiện tại rất cần thiết đối với khu vực”.

Lãnh đạo ASEAN hôm qua cũng ủng hộ quyết định việc sử dụng Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19 để mua vắc-xin cho người dân ASEAN càng sớm càng tốt.

Trước tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới ngày càng căng thẳng, đặc biệt có nguy cơ bùng phát trở lại vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới, Bộ Y tế Việt Nam đã kêu gọi người dân:

1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người khi không cần thiết.

2. Không được chủ quan, lơ là trong việc chống dịch. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch bệnh, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.

3. Thực hiện tốt thông điệp 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch COVID-19.

4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết.

5. Mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch COVID-19.

Thông điệp 5K của Bộ Y Tế. (Ảnh: Internet) 

 Phạm Thanh Hằng - CJC

Phản hồi