Danh mục Thứ Sáu, 26/04/2024

Tiêu điểm \

Gốm Bát Tràng - nét đẹp cổ truyền giữa lòng Hà Nội

10:44 20-04-2021
Giữa thủ đô hoa lệ, làng Gốm Bát Tràng không chỉ nổi bật với sắc màu văn hóa truyền thống mà còn là địa điểm độc đáo thu hút khách du lịch.

Làng gốm Bát Tràng là làng nghề văn hóa lâu đời, ngụ tại xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Dư địa chí của Nguyễn Trãi, làng nghề được hình thành từ thời Lý với sự quy tụ của năm dòng họ làm gốm nổi tiếng nhất phủ Trường Yên. Nhận thấy Hoàng thành Thăng Long có nguồn nguyên liệu chất lượng là đất sét trắng, năm dòng họ đã kết hợp với dòng họ Nguyễn nơi đây mở lò sản xuất gốm, lập nên làng gốm Bát Tràng.

Làng gốm Bát Tràng có lịch sử lâu đời. (Ảnh: Internet)

Đến với Bát Tràng, du khách không thể bỏ qua các sản phẩm từ chợ gốm cổ truyền. Gốm nơi đây có chất lượng cao với những nét đặc trưng không nơi nào có được, mang đậm dấu ấn của nền văn hóa Việt từ ngàn xưa. Chính điều này đã biến Bát Tràng trở thành nơi sản xuất và phân phối gốm sứ hàng đầu Việt Nam. 

Chợ gốm sứ bày bán nhiều sản phẩm chất lượng, uy tín cao.

Sự đa dạng về loại hình, mẫu mã là một điểm cộng lớn của khu chợ. Khách hàng có thể chọn lựa nhiều đồ gia dụng như bát, đĩa, lọ hoa, bình cổ; đồ trang trí như tranh gốm sứ tứ quý, đĩa treo tường, tượng gốm phù điêu,... Đồ thờ cúng với những hoa văn, họa tiết tinh tế, quý phái cũng là một lựa chọn phổ biến của khách hàng khi đến với làng gốm.

Sản phẩm gốm sứ cao cấp, sang trọng. (Ảnh: Đỗ Minh Đức)

Nét đẹp của sản phẩm Bát Tràng là vẻ đẹp tinh xảo thể hiện trên từng chi tiết, đường nét từ khi chỉ là vật liệu thô cho đến khi thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Cốt đất đặc trưng của gốm được phối tạo nên từ cát và phù sa của dòng sông Hồng. Men gốm được nung ở nhiệt độ tương đối cao từ 1250 đến 1320 độ C, tạo nên màu men sâu, đằm, mang đặc thù riêng của dòng gốm cổ.

Người Bát Tràng đã tìm tòi, sáng tạo và theo đuổi dòng sản phẩm của riêng mình: gốm men gio. Ông Tô Thanh Sơn - nghệ nhân gốm sứ chia sẻ: "Men nơi đây được chế bằng men gio (trấu), tức là vỏ trấu đốt lên, trộn với bùn đất, vôi bột với một tỉ lệ nhất định rồi nghiền mịn. Bài men gio trấu là bài men cổ truyền của làng gốm Bát Tràng”.

Những nét hoa văn tinh tế từ bàn tay nghệ nhân làng gốm. (Ảnh: Đỗ Minh Đức)

Dù thiết kế đơn giản hay phức tạp, gốm Bát Tràng vẫn mang một “hồn cốt” rất riêng. (Ảnh: Đỗ Minh Đức)

Bát Tràng hiện nay không chỉ là một làng nghề sản xuất mà còn là làng văn hóa. Với nhiều công trình tín ngưỡng cùng sản phẩm gốm chất lượng cao, ngôi làng đã trở thành một địa điểm du lịch trải nghiệm thú vị.

Đến với làng gốm, khách du lịch được thử sức làm một “nghệ nhân không chuyên” dưới sự hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ của những người thợ lành nghề có kinh nghiệm lâu năm. Ngoài việc tự nặn một sản phẩm gốm đơn giản, người tham quan có nhu cầu còn được nung và tráng men theo “đúng chuẩn”, vẽ màu hoặc họa tiết trang trí theo ý muốn,... Không chỉ lan tỏa nét văn hóa độc đáo và đem đến trải nghiệm thú vị cho du khách, hoạt động này còn góp phần tăng nguồn thu cho Bát Tràng.

Những bạn nhỏ được trải nghiệm tự làm một sản phẩm gốm của riêng mình.

 

Du khách thỏa sức sáng tạo hoa văn, màu sắc của các sản phẩm gốm đã được nung.

Em Hồng Nhung (16 tuổi) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được đến làng gốm Bát Tràng. Theo sự hướng dẫn của bác chủ xưởng, em được học cách phối hợp giữa việc xoay bàn quay thật đều và tạo hình đất sét trắng. Để nặn ra một chiếc bát hoặc chiếc bình, nhìn bác làm rất dễ nhưng khi tự làm thì không đơn giản, cần sự tập trung, khéo léo và kiên nhẫn. Em rất háo hức chờ chiếc bình đầu tiên của mình được nung và tráng men đem về”.

Khách nước ngoài hào hứng khám phá nét đẹp văn hóa làng nghề. 

Nghề thủ công nào cũng tồn tại song song với nhu cầu biến đổi để theo kịp với sự phát triển của cuộc sống. Các thế hệ của làng gốm Bát Trang đã đứng vững qua nhiều thế kỉ, bởi họ chấp nhận cải tiến, bắt nhịp thời đại. Họ phát triển làng nghề trở thành địa điểm tham quan - du lịch, tích hợp công nghệ tiên tiến trong qui trình thủ công,... Tuy nhiên, những giá trị tinh túy của ông cha để lại từ xưa vẫn luôn được người Bát Tràng lưu giữ, bảo tồn. 

Vũ Khánh Nguyên - CJC

Phản hồi