1. Luận văn “Vấn đề phòng chống bạo lực gia đình trên báo chí (Khảo sát mục “Thức đêm cùng bạn”- trên VOV, mục “Gia đình” của giadinh.net.vn năm 2011)
Luận văn được viết bởi tác giả Đặng Thị Mai Việt dưới sự hướng dẫn của PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng, viết về vấn đề phòng chống bạo lực gia đình trên báo chí.
Luận văn gồm 3 chương, đi từ phân tích cơ sở lý luận đến bàn về nội dung và phương thức truyền thông trong phòng chống bạo lực gia đình trên báo chí; đánh giá và khuyến nghị nâng cao chất lượng truyền thông trong phòng chống bạo lực gia đình trên các sản phẩm báo chí thuộc diện khảo sát.
Luận văn được thực hiện với mục đích hệ thống hóa lý luận về vấn đề phòng chống bạo lực gia đình. Tác giả nhận diện nội dung, phương thức truyền thông phòng chống bạo lực gia đình thông qua khảo sát chuyên mục “Thức đêm cùng bạn” trên kênh VOV giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam, mục “Gia đình” của trang thông tin điện tử http//giadinh.net.vn. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các vấn đề đặt ra và khuyến nghị khoa học nhằm phát hiện và thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề mà báo chí đã đạt được cũng như chưa làm được trong công tác truyền thông phòng chống bạo lực gia đình, từ đó luận văn góp phần vào việc nâng cao chất lượng truyền thông về đề tài này trên báo chí hiện nay.
Bên cạnh các lý thuyết, tác giả đã tìm kiếm và đưa vào các hình, bảng, biểu đồ khảo sát trong thực tế từ giadinh.net.vn, chương trình “Thức đêm cùng bạn” trên vov,…
2. Luận văn “Báo chí với vấn đề phòng chống bạo lực với trẻ em hiện nay (Khảo sát báo Giáo dục và Thời đại, báo Lao động và Xã hội, báo Pháp luật Việt Nam, báo Hoa học trò và báo Thiếu niên Tiền phong từ tháng 06/2011 đến tháng 05/2012)”
Luận văn được viết bởi tác giả Vũ Thị Thúy Huyền dưới sự hướng dẫn của PGS,TS. Nguyễn Ngọc Oanh.
Luận văn bao gồm 3 chương, bàn luận về vấn đề phòng chống bạo lực với trẻ em trong giai đoạn hiện nay. Mở đầu tác giả tìm hiểu và phân tích về những vấn đề chung trong bạo lực trẻ em ở Việt Nam hiện nay; tiếp đến trình bày kết quả của các cuộc khảo sát trên các báo: Giáo dục và Thời đại; Lao động và xã hội; Pháp luật Việt Nam; Hoa học trò và Thiếu niên Tiền phong từ tháng 6/2011 đến tháng 5/2012; cuối cùng nêu ra một số kiến nghị, giải pháp đối với báo chí về vấn đề phòng chống bạo lực trẻ em.
Luận văn được thực hiện với mục đích tìm hiểu được những thành công và hạn chế trong công tác tuyên truyền về phòng chống bạo lực đối với trẻ em trên các báo Giáo dục và Thời đại, báo Lao động và Xã hội, báo Pháp luật Việt Nam, báo Hoa học trò và báo Thiếu niên Tiền phong. Từ đó góp phần đưa ra vấn đề cần giải quyết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về phòng chống bạo lực đối với trẻ em trên báo chí nói chung cũng như ở những báo chuyên ngành nói riêng.
Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong luận văn bao gồm: khảo sát, thống kê, đúc rút từ thực tiễn với những tham khảo có chọn lọc.
3. Luận văn “Báo in cơ quan lao động, thương binh và xã hội với vấn đề phòng, chống bạo lực trẻ em (Khảo sát báo Lao động, tạp chí Lao động và Xã hội, tạp chí Gia đình và Trẻ em, từ năm 2013-2015)”
Luận văn được viết bởi tác giả Lương Minh Hiền, dưới sự hướng dẫn của TS. Hồ Bất Khuất.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và khảo sát thực tiễn hệ thống báo in cơ quan Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) đối với vấn đề phòng chống bạo lực trẻ em, luận văn chỉ ra thực trạng, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường vai trò, tác động của báo in cơ quan Bộ LĐTBXH trong việc tuyên truyền phòng, chống bạo lực trẻ em hiện nay.
Luận văn gồm 3 chương, tìm hiểu từ cơ sở lý luận về việc phòng, chống bạo lực trẻ em trên báo in, đến phân tích và trình bày thực trạng Báo in Bộ LĐTBXH với vấn đề phòng, chống bạo lực ở trẻ em và cuối cùng nêu ra những kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông về phòng, chống bạo lực trẻ em cho báo in của Bộ LĐTBXH.
Các phương pháp nghiên cứu trong luận văn được tác giả vận dụng đa dạng,như: nghiên cứu tài liệu; thống kê các bài viết liên quan đến phòng, chống bạo lực trẻ em trên báo Lao động và Xã hội, Tạp chí Lao động và Xã hội, Tạp chí Gia đình và Trẻ em về việc tuyên truyền, phòng chống bạo lực trẻ em từ tháng 1/2013 đến tháng 12/2015. Ngoài ra, còn kết hợp phương pháp phòng vấn sâu với các cán bộ là lãnh đạo, quản lý của các cơ quan báo chí, các chuyên gia, chuyên viên nghiên cứu về bảo vệ chăm sóc trẻ em cũng như phương pháp điều tra định lượng bằng phiếu điều tra (anket),…
Bạn đọc có thể tìm đọc các luận văn trên tại Thư viện số- Học viện Báo chí và Tuyên truyền (thuvien.ajc.edu.vn).
Phản hồi