Danh mục Thứ Tư, 24/04/2024

Giáo trình - Tài liệu \

Truyền thông – Lý thuyết và kỹ năng cơ bản: cung cấp kiến thức nền tảng về truyền thông chuyên nghiệp

10:28 22-04-2020
Cuốn sách là sự tổng kết, đúc rút từ nhiều tài liệu và kinh nghiệm của nhóm tác giả PGS.TS Nguyễn Văn Dững (Chủ biên) và PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng.

Cuốn sách bao gồm có 8 chương. Trong cuốn sách, nhóm tác giả đã tập trung làm sáng rõ những vấn đề như: quan niệm chung về truyền thông; một số lý thuyết truyền thông; truyền thông cá nhân; truyền thông nhóm; truyền thông đại chúng; chu trình truyền thông; lập kế hoạch truyền thông và giám sát, đánh giá, duy trì hoạt động truyền thông. Các vấn đề được trình bày trong các chương cụ thể như sau:

 Sách: Truyền thông - Lý thuyết và kỹ năng cơ bản

Chương 1: Quan niệm chung về truyền thông
Chương 1, nhóm tác giả đã cung cấp đầy đủ những kiến thức cơ bản về các vấn đề liên quan đến truyền thông. Trong đó nhấn mạnh, làm rõ các khái niệm truyền thông, các yếu tố tác động đến truyền thông, phân loại truyền thông, mô hình truyền thông,.... Cách đưa vấn đề của tác giả rất dễ hiểu, không bị quá nặng về lý thuyết, không khô khan mà lồng ghép vào đó rất nhiều ví dụ thực tế.
Chương 2: Một số lý thuyết truyền thông
Trong chương 2, nhóm tác giả đã cung cấp một số lý thuyết truyền thông chính giúp người học nhận diện và ứng dụng thực hành ở nhiều tình huống, nhiều bối cảnh khác nhau trong thực tế giao tiếp cũng như trong quá trình truyền thông chuyên nghiệp.
Chương 3: Truyền thông cá nhân; chương 4: Truyền thông nhóm; chương 5: Truyền thông đại chúng
Truyền thông cá nhân, truyền thông nhóm và truyền thông đại chúng lần lượt được nhóm tác giả phân tích kỹ lưỡng trong 3 chương: chương 3, 4, 5. Từ khái niệm, các nhân tố ảnh hưởng, cơ chế hoạt động,... các vấn đề lý thuyết đến những kỹ năng đều được chi tiết hoá một cách đầy đủ và dễ hiểu. 
Chương 6: Chu trình truyền thông
Các bước, các công việc cần làm và cách thức tiến hành các công việc trong một chu trình truyền thông được trình bày khoa học, dễ nhớ, dễ hiểu trong chương 6. Từ đó, cung cấp cho sinh viên, học viên những kiến thức nền tảng về truyền thông để hoàn thiện tri thức và áp dụng thành công trong thực tiễn.
Chương 7: Lập kế hoạch truyền thông
Không chỉ cung cấp những kiến thức lý thuyết đơn thuần, cuốn sách này còn hướng dẫn, chia sẻ cho người đọc những kỹ năng để thực hiện một dự án, chương trình truyền thông. Ví dụ như kỹ năng lập kế hoạch truyền thông, các bước lập kế hoạch,.... Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khi học chương này, sinh viên sẽ được thực hành bằng cách trực tiếp lập các kế hoạch truyền thông.
Chương 8: Giám sát, đánh giá, duy trì hoạt động truyền thông
Trong chương cuối của cuốn sách, tác giả đã đề cập đến những vấn đề quản lý và quản trị truyền thông. Giúp cho người học biết biết cách kiểm soát, xử lý những vấn đề phát sinh khi thực hiện một kế hoạch/chiến lược/chương trình truyền thông.

 PGS.TS Nguyễn Văn Dững. Ảnh; Nguyên Khánh, Báo Tuổi trẻ

Điều đặc biệt của cuốn sách là trong những bài học lý thuyết, nhóm tác giả viết sách đã lồng ghép vào những kỹ năng cần thiết cho sinh viên báo chí – truyền thông. Ví dụ như kỹ năng nhận biết; mô tả, phân tích, bắt chước – sáng tạo; một số kỹ năng về giao tiếp: gọi điện thoại, phát biểu trực tiếp, hùng biện,….; kỹ năng lập kế hoạch truyền thông; kỹ năng duy trì, quản trị một chiến dịch truyền thông,… Tất cả những kỹ năng này sẽ được giảng viên hiện thực hoá thành những bài tập thực tế cụ thể để sinh viên trực tiếp thực hành.
Đây là cuốn sách được ứng dụng làm tài liệu học tập cho nhiều môn học tại Viện Báo chí, như: Lý thuyết truyền thông, Quản trị báo chí – truyền thông, Công chúng báo chí - truyền thông, Tổ chức hoạt động doanh nghiệp truyền thông,…

 PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng. Ảnh: Fb Hany Do

Cuốn sách "Truyền thông – Lý thuyết và kỹ năng cơ bản" sẽ trang bị những kiến thức cần biết giúp cho sinh viên hiểu rõ, hiểu sâu về các vấn đề liên quan đến truyền thông. Đồng thời góp phần nâng cao các kỹ năng về giao tiếp - truyền thông - vận động xã hội trong hoạt động truyền thông và báo chí; tăng cường khả năng hội nhập và bình đẳng trong khu vực và quốc tế, khả năng hòa nhập với các nhóm công chúng - xã hội, vốn là một điểm yếu của sinh viên báo chí truyền thông nước ta hiện nay.
Cuốn sách sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích dành cho những người đang theo học, đang nghiên cứu về các lĩnh vực liên quan đến báo chí truyền thông.
Người đọc có thể tìm đọc cuốn sách tại Trung tâm thông tin thư viện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hoặc tại thư viện trực tuyến của Học viện: http://thuvien.ajc.edu.vn.
Thông tin tác giả: 
PGS.TS Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền 
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện Trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
.

Phi Yến

Phản hồi